Khai thác chất liệu lịch sử, văn hóa trong điện ảnh: Thú vị nhưng đầy thử thách
Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, các nhà làm phim đang nỗ lực truyền cảm hứng yêu nước cùng cảm xúc mềm mại mà dòng phim giải trí có được đến công chúng. Đây là việc làm quá khó, nhưng không làm thì không bao giờ đến được với thành công.
Nửa cuối năm 2023, điện ảnh Việt có một số bộ phim được đầu tư về bối cảnh lịch sử, văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả như “Đất rừng phương Nam”, “Người vợ cuối cùng”. Thực tế luôn chứng minh một bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng về bối cảnh lịch sử, văn hóa thì hiệu ứng của phim được lan tỏa rất lớn. Tuy nhiên, đến nay số lượng phim Việt kết nối, truyền tải, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam vẫn còn khá dè dặt và khiêm tốn.
Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã về vấn đề này.
Làm phim lịch sử thể hiện sự can đảm của các nhà làm phim trẻ
PV: Bà đánh giá như thế nào về số lượng phim Việt khai thác yếu tố lịch sử, văn hóa so với các bộ phim Việt giải trí và phim thương mại ngoại nhập ra rạp những năm gần đây?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Trong năm nay, cho đến lúc này thì tôi thấy chưa nhiều, ngoài phim “Đất rừng Phương Nam”, “Người vợ cuối cùng”… Các năm trước thì có một số phim rải rác khai thác từ nguồn văn hóa dân gian như “Tấm Cám chuyện bây giờ mới kể”, hay “Trạng Tý”. So tỷ lệ với những phim thương mại làm về thời kỳ đương đại thì cũng chưa phải là áp đảo.
PV: Vừa qua, 2 bộ phim lấy bối cảnh lịch sử ra rạp là “Đất rừng phương Nam” và “Người vợ cuối cùng” được công chúng bàn tán và tốn kha khá giấy mực của báo chí. Có thể thấy rõ sự quan tâm của công chúng đối với dòng phim này. Đó có phải là tín hiệu vui?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Theo tôi, công chúng quan tâm đến bất kỳ dòng phim nào của nội địa cũng là một tín hiệu vui. Riêng đối với dòng phim lấy bối cảnh thời xưa cũ thì tôi tin là khán giả lúc nào cũng chờ mong. Cái mong muốn được “ôn cố tri tân” của công chúng là mong muốn lành mạnh và đáng để các nhà sáng tác lưu tâm.
Tuy nhiên, trong nhiều năm do kinh phí cho dòng phim này quá lớn nên các nhà làm phim ít tiếp cận, các nhà đầu tư luôn ngại ngần, còn nguồn ngân sách từ Nhà nước lại thờ ơ. Vì vậy, việc trong 1 năm có đến 2 phim thuộc dòng này ra rạp là một nỗ lực rất lớn của các nghệ sĩ cũng như nhà đầu tư. Tôi nghe nói trong năm tới cũng sẽ có vài dự án khác thuộc dòng phim này được khởi động, thậm chí ra rạp như “Anh hùng” của Lương Đình Dũng, hay “Chiến bào” của Bá Cường. Thắng bại sao chưa biết, nhưng có thể thấy dòng phim khai thác cảm hứng từ lịch sử đang thể hiện cái khát vọng cũng như sự can đảm của các nhà làm phim trẻ. Cũng nên nhìn nhận rằng sau loạt phim của các đạo diễn Việt kiều như “Áo lụa Hà Đông”, “Thiên mệnh anh hùng”… cách nay 20 năm, đến nay dòng phim này mới manh nha trở lại với một thế hệ đạo diễn mới hơn, trẻ hơn…
Nói vậy để thấy tuy có vài dự án ra mắt khá liền lạc, nhưng cũng còn rất ít, và mỗi dự án của dòng phim này lại do 1 đạo diễn hoặc nhà đầu tư khác tham gia, nghĩa là độ mài rũa để có kinh nghiệm chưa cao. Người xưa nói “dao càng mài càng sắc”. Hy vọng với sự kiên trì của nhà đầu tư cũng như ekip sáng tạo, và quan trọng hơn là sự ủng hộ của công chúng, phim khai thác cảm hứng lịch sử sẽ thực sự tạo nên một dòng phim có sự trưởng thành theo thời gian.
PV: Thời điểm hiện tại, bà có thấy nhà sản xuất vẫn sợ làm phim lịch sử, khán giả ngại (và ngán) xem phim lịch sử vì khô khan, cứng nhắc…?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Sự ngại ngần của các nhà sản xuất đương nhiên có, vì phim nào ra cũng bị “soi” dưới những lăng kính khắt khe. Tôi hy vọng sự “trưởng thành” của công chúng trong năng lực thưởng thức phim sẽ giúp cho các nhà đầu tư và giới sáng tác bớt bị ức chế. Nói khán giả “ngại” xem phim lịch sử thì cũng có nguyên do, vì lâu nay các phim chiến tranh cách mạng (được coi là phim lịch sử) được làm khá là “minh họa”, không có tình huống hấp dẫn do sợ… sai, nên khán giả quay lưng với dòng phim này là dễ hiểu. Nhưng tôi đang thấy có sự chuyển động đáng kể trong định hướng tư duy của các nhà làm phim, và dù tranh cãi nảy lửa nhưng đã có thể tạm vui vì các phim thuộc dòng này đã thoát khỏi sự thờ ơ lạnh lẽo của công chúng.
Cảm hứng lịch sử rất thú vị, nhưng cũng đầy thử thách
PV: Đặt trong bối cảnh phải cạnh tranh khốc liệt với dòng phim Việt giải trí và phim thương mại ngoại nhập, nguyên nhân gì khiến các nhà làm phim Việt dè dặt trong việc khai thác chất liệu lịch sử, văn hóa Việt?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Điện ảnh gồm nhiều dòng phim, trong đó các phim khai thác cảm hứng lịch sử, văn hóa là một dòng. Các nhà làm phim đang nỗ lực truyền cảm hứng yêu nước cùng cảm xúc mềm mại mà dòng phim giải trí có được đến công chúng. Đây là việc làm quá khó, nhưng không làm thì không bao giờ đến được với thành công. Tôi nghĩ vấn đề thể loại cũng như bản sắc của mỗi dòng phim đang giao thoa, đan cài để tạo nên cảm xúc trọn vẹn hơn cho khán giả. Và đó là con đường mà điện ảnh thế giới đang đi, và điện ảnh Việt tất yếu phải đi.
PV: Ứng dụng lịch sử, văn hóa vào nghệ thuật điện ảnh trong thời đại hôm nay vừa là hấp lực vừa là thử thách của nghệ sĩ và nhà sản xuất. Bà có thể phân tích kỹ hơn về điều này?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Khán giả hôm nay được xem rất nhiều phim từ các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới, nên đã có cái để so sánh và mong chờ. Nhưng nhìn lại, cũng thấy các nhà làm phim Việt đã tiến những bước dài cả về công nghệ cũng như quan điểm và phương pháp tư duy. Trong sáng tác nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng, không có dòng phim nào, dự án cụ thể nào không là thách thức và vô vàn khó khăn phải vượt qua.
Với dòng phim lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa thì thách thức càng lớn hơn, và sức hút đối với đội ngũ sáng tạo lại càng vô cùng lớn. Tuy nhiên về mặt phương pháp làm việc thì các nhà sáng tác buộc phải nhìn nhận rằng tham gia vào dòng phim này, là họ đang đối diện với ký ức lịch sử, trầm tích văn hóa trong mỗi con người của xứ sở, và những sai sót dù nhỏ cũng sẽ bị nhận ra và đôi khi mang đến những phản ứng khốc liệt. Tóm lại, cảm hứng lịch sử rất thú vị, nhưng cũng đầy thử thách.
PV: Làm gì để đưa bản sắc văn hóa, tính dân tộc, để định vị phim "made in Việt Nam" luôn là trăn trở với những người làm điện ảnh thời gian qua. Ý kiến của bà thì sao?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Cũng như hầu hết những người làm điện ảnh nói riêng và làm nghệ thuật nói chung, tôi coi lịch sử và văn hóa dân tộc là một “ngôi đền thiêng” mà trong một bài báo đã lâu trên báo Văn Hóa, tôi đã gọi đó là “Ngôi điền thiêng ít người hương khói”. Nay thì đã có nhiều người mong muốn đến để thắp lên nén nhang tưởng nhớ tiền nhân rồi. Vấn đề là chọn “nhang” nào để không xúc phạm tiền nhân? Nhưng dù có chệch choạng, thậm chí sai lầm chút ít vì nhiều lý do, cũng vẫn phải đến và “thắp nhang” thôi, để rồi dẫn dắt các thế hệ tương lai.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, để hòa nhập nhưng không hòa tan, môn nghệ thuật thứ bảy phải có bước tiến rõ ràng hơn trong nỗ lực đưa chất Việt vào phim. Yếu tố bản địa, nét văn hóa dân tộc liệu có phải là chìa khóa để đưa công nghiệp điện ảnh Việt Nam “cất cánh”?
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Lý do phim Việt có thể “kết nối, truyền tải, lan tỏa giá trị văn hóa Việt” còn chưa nhiều, thì tôi đã nói ở trên. Để làm việc này luôn cần một nguồn kinh phí khổng lồ, mà nguồn ngân sách nhà nước rất hạn hẹp. Các nhà đầu tư tư nhân thì luôn phải phân vân giữa việc tôn vinh lòng yêu nước với… nghĩa vụ bảo toàn vốn.
Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng ở thời đại nào, Căn cước văn hóa dân tộc vẫn là cái mà mọi tác phẩm nghệ thuật chân chính trên thế giới đều muốn theo đuổi và thể hiện, vì đó chính là yếu tố tiên quyết để một sản phẩm văn hóa của dân tộc không lẫn lộn với sản phẩm văn hóa của các dân tộc khác.
Mỗi dân tộc, quốc gia trên trái đất này đều có một tên gọi, và nội hàm của tên gọi ấy bao gồm tình yêu, trầm tích văn hóa và ký ức lịch sử dân tộc. Nó cần/phải được bộc lộ bằng chính sản phẩm văn hóa. Công nghệ 4.0 hay AI có thể giúp cho những yêu cầu của biểu tượng văn hóa lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, bay bổng hơn, nhưng nó không thay được trái tim với trầm tích văn hóa và ký ức lịch sử trong mỗi con người. Để có thể “cất cánh” thì trái tim người Việt phải “gọi” được nhau đã.
PV: Xin cảm ơn bà!