Khai thác du lịch nông nghiệp ở huyện miền núi
Với địa thế vừa có núi, vừa có sông, hồ và rừng, Định Quán là một trong những huyện có thế mạnh về nông nghiệp và đạt nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Những năm gần đây, ngoài phát huy những thế mạnh vốn có, Định Quán còn thu hút sự quan tâm khi người dân địa phương biết tận dụng, khai thác dịch vụ du lịch ngay trên những vườn cây, ao cá…, đặc biệt là khu vực có địa thế gần sông, hồ, núi…
* Kiếm tiền từ vườn cây có năng suất kém
Mặc dù là vùng đất có thế mạnh về nông nghiệp với những vùng trồng chuyên canh xoài, sầu riêng, lúa, cây có múi… nhưng ở Định Quán vẫn có những khu vực đất đai cằn cỗi, đồi dốc chênh vênh, thiếu nguồn nước tưới... Đối với những vùng này, người dân rất khó chuyển đổi cây trồng như ý muốn. Thế nhưng gần đây, với sự sáng tạo, nhạy bén thị trường của người dân, một số vườn cây bỗng trở thành những quán cà phê, những điểm tham quan nổi tiếng.
Lưng Chừng Mây là tên quán cà phê nằm ngay lưng chừng một ngọn đồi tại ấp Phú Quý 2 (xã La Ngà). Khai trương vào tháng 12-2022, qua hơn 3 tháng hoạt động, quán cà phê Lưng Chừng Mây trở thành cái tên “hot” trên mạng xã hội, mỗi ngày đón từ vài trăm đến cả ngàn khách đến không chỉ để uống cà phê mà còn ngắm khung cảnh thơ mộng của quán.
Hiện nay, các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn H.Định Quán không chỉ giúp người dân khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương mà còn góp phần giải quyết việc làm cho người dân trong vùng. Ngoài việc đang vướng các quy định khiến một số hộ không dám mạnh dạn đầu tư, các cơ sở đều có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và một số giấy tờ liên quan khác.
Chia sẻ về sự ra đời của Lưng Chừng Mây, anh Phạm Văn Tài, một trong những thành viên góp vốn mở quán cho biết, Lưng Chừng Mây là sản phẩm của anh và nhóm bạn cùng sinh ra và lớn lên tại xã La Ngà. Vị trí mở quán nằm lưng chừng một ngọn đồi có tên là đồi Chuối. Từ hàng chục năm nay, người dân vùng này gọi đồi này là đồi Chuối, bởi phần lớn diện tích trên đồi chỉ trồng chuối, còn lại là cây điều. Hàng năm, những loại cây này cho năng suất rất thấp nên một số vườn bị người dân bỏ không. Phát hiện đồi chuối có vị trí khá đẹp, có thể ngắm được bao quát cả một vùng với các vườn cây trái, hồ Trị An phía xa xa…, anh Tài nảy sinh ý tưởng hình thành quán Lưng Chừng Mây. Sau khi ra đời, Lưng Chừng Mây trở thành điểm đến thu hút du khách gần xa.
Cũng tại La Ngà, vài năm trở lại đây, khu vực ven hồ Trị An được người dân khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch khá thu hút du khách. Ngay tại ấp Mít Nài đã nổi lên 3 điểm du lịch như: Tropical eGlamping, Panorama Glamping và Trị An Rived. Đây là những điểm du lịch dành cho đối tượng khách yêu thiên nhiên, thích cắm trại...
Anh Phạm Đình Nguyên, Quản lý điểm du lịch cắm trại Tropical eGlamping và Panorama Glamping chia sẻ, cả 2 điểm du lịch này đều được khai thác trong các vườn điều. Các lều được dựng dưới những tán điều nên du khách có không gian mát mẻ suốt cả ngày. Kể lại thời điểm trước khi biến vườn điều thành điểm đến du lịch, anh Nguyên cho hay, vườn điều trước kia đã già cỗi, năng suất không cao. Bản thân cây điều những năm gần đây đã không còn là sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cho nhà nông. Do đó, chủ vườn cây đã quyết định biến vườn điều thành vườn lều trại để khai thác du lịch. Từ khi hình thành điểm du lịch ven hồ, Tropical eGlamping và Panorama Glamping trở thành điểm đến thu hút du khách, nhất là những nhóm bạn trẻ.
Theo anh Nguyên, khách du lịch khi trải nghiệm những dịch vụ đều rất thích thú bởi cảnh đẹp, không gian yên bình giúp thư giãn tâm trí, tái tạo nguồn năng lượng cho tuần làm việc tiếp theo.
* Chưa mạnh dạn đầu tư
Trước khi phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch Định Quán nổi tiếng với những địa danh như: Khu du lịch (KDL) Thác Mai - Bàu nước sôi, thác Ba Giọt, Tượng đài Chiến thắng La Ngà, điểm dừng chân Ca cao Trọng Đức… Tuy nhiên, việc đầu tư khai thác những điểm đến trên chưa căn bản, thiếu các hạng mục hoặc chưa có thêm các hoạt động kinh doanh nên lượng khách và doanh thu từ hoạt động tham quan, du lịch tại những điểm này còn hạn chế (chủ yếu doanh thu từ tiền bán vé).
Bên cạnh hạn chế về năng lực khai thác, các nhà vườn khi chuyển sang khai thác dịch vụ ăn uống, du lịch đều bị vướng các quy định. Trong đó, quy định cấm về xây dựng các công trình phụ trợ trên đất không đúng theo quy hoạch là một trong những rào cản khiến các chủ vườn, doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư du lịch.
Theo anh Phạm Văn Tài, để phục vụ khách dừng chân uống nước và tham quan tại quán Lưng Chừng Mây, anh cần đầu tư một số hạng mục như: nhà vệ sinh, mái che khu vực khách ngồi thưởng thức đồ uống, đặc biệt là các tiểu cảnh được tạo ra để phục vụ khách đến chụp hình lưu niệm. Tuy nhiên, do vướng quy định về cấm xây dựng trên đất nông nghiệp nên anh Tài chưa mạnh dạn đầu tư.
Anh Tài cho biết: “Để thu hút khách đến tham quan, ăn uống lâu dài thì phải tạo các tiểu cảnh, nhưng lại vướng quy định. Chúng tôi đã nỗ lực biến vườn cây cho năng suất kém sang mô hình kinh doanh có năng suất cao, và muốn nâng cao chất lượng dịch vụ tại điểm kinh doanh, nhất là nhà vệ sinh. Do đó, rất mong nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng trong xây dựng các công trình tạm, chúng tôi luôn cam kết tháo dỡ và không đòi bồi thường nếu Nhà nước lấy đất thực hiện các dự án”.
Khảo sát các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn H.Định Quán, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai Trần Đăng Ninh cho biết, hiện có nhiều trường hợp người dân vướng các quy định khi thực hiện các công trình tạm trên đất nông nghiệp. Không chỉ ở Định Quán, các địa phương khác như: Long Khánh, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú… đều vướng các quy định này nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư, trong khi hiệu quả kinh tế từ khai thác du lịch cao hơn nhiều lần so với khai thác nông nghiệp thuần túy, đặc biệt là những khu đất xấu, hiệu quả kinh tế từ nông nghiệp không cao.
Vừa qua, ông Trần Đăng Ninh đã đại diện các doanh nghiệp, hộ dân tại các vùng nông thôn kiến nghị lãnh đạo tỉnh sớm xem xét, hỗ trợ và hướng dẫn người dân các thủ tục, tạo điều kiện phát triển du lịch, nâng cao mức sống cho người dân vùng nông thôn.