Khai thác hiệu quả các dự án đồi ven biển

Bình Thuận nỗ lực khai thác hiệu quả các lợi thế vốn có để làm đa dạng thêm những sản phẩm du lịch thu hút khách, đặc biệt khu vực đồi ven biển... Vấn đề đặt ra làm sao vừa phát huy lợi thế, hài hòa bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững?

Khai thác đa dạng thị hiếu du khách

Trong phát triển du lịch, việc nghiên cứu, khai thác nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế là vấn đề rất quan trọng. Bởi du khách có đa dạng sở thích từ tắm biển, mua sắm cho đến yêu thích các môn thể thao ngoài trời, du lịch mạo hiểm hay tìm hiểu những địa danh lịch sử, văn hóa... Đặc biệt, xu hướng hiện nay con người thích hòa mình với thiên nhiên, những khách sạn có view đồi ven biển vì thế rất hút khách. Vì vậy, khi làm du lịch các chủ dự án thường nắm bắt mọi nhu cầu, thị hiếu khách tạo ra sản phẩm để tiếp cận thu hút khách. Một trong số đó, các dự án trên đồi ven biển với lợi thế view cao, vừa có tầm bao quát toàn diện vừa ngắm nhìn vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên đã được các chủ dự án khai thác hiệu quả.

Khai thác lợi thế view đồi ven biển hút khách.

Khai thác lợi thế view đồi ven biển hút khách.

Điều này dễ dàng nhận thấy ở một số dự án du lịch đang hút khách tại thành phố Phan Thiết khi đi trên cung đường du lịch ra Hàm Tiến – Mũi Né như Sea links city, The CliffResort & Residences… Hay như dự án du lịch đang rất “đón tim” du khách với đa dạng loại hình là Novaword Phan Thiết ở xã Tiến Thành cũng khai thác view đồi tạo ra sản phẩm du lịch ăn khách. Với địa thế nằm trên con dốc, ngọn đồi thoai thoải nhẹ nhàng, các chủ dự án đã tận dụng lợi thế view cao để xây dựng những điểm check in, khách sạn nghỉ dưỡng với không gian xanh và đã “lấy lòng” những du khách muốn ngắm nhìn thiên nhiên biển xanh, bờ cát trắng, tàu thuyền, thành phố về đêm… từ trên độ cao xuống.

Để đảm bảo an toàn cho du khách

Du lịch Bình Thuận nói chung và thành phố Phan Thiết nói riêng ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư lớn phát triển du lịch. Những năm gần đây du lịch Bình Thuận phát triển mạnh, nhất là khi giao thông thuận lợi, rút ngắn khoảng cách di chuyển nhờ đường cao tốc Bắc - Nam đi qua tỉnh đã kéo lượng khách trong nước, quốc tế nườm nượp tìm đến. Đây là thắng lợi lớn của ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh; trong đó TP. Phan Thiết luôn là một điểm đến hấp dẫn đầu tiên khi đến với Bình Thuận. Trong 5 tháng đầu năm nay, thành phố ước đón khoảng 3,4 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu ước khoảng 7.900 tỷ đồng, tăng 16%. Theo thống kê, hiện nay Phan Thiết hiện có 18 dự án xây dựng trên đồi đang triển khai chưa hoàn thành đưa vào sử dụng tập trung ở xã Tiến Thành, phường Hàm Tiến giáp Mũi Né, khu vực Long Sơn, khu vực Suối Nước. Đây được xem là lợi thế, yếu tố “thiên thời địa lợi” để phát triển du lịch của thành phố nói riêng và của tỉnh. Khi các dự án này hoàn thành, việc khai thác khu vực trên đồi để xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng, trồng cây cối để tạo cảnh quan hoang sơ… sẽ thu hút khách tìm về.

Có thể nói, các dự án du lịch trên đồi là một thuận lợi, lợi thế nhưng vấn đề đặt ra làm sao bảo toàn được các dự án phòng, chống hiện tượng xâm thực cát là vấn đề đặt ra cho các chủ đầu tư dự án và nhà quản lý. Từ sau sự cố cát tràn ở khu du lịch 2 phường Hàm Tiến – Mũi Né vào đêm 20 rạng sáng ngày 21/5 vừa qua đã gây thiệt hại hư hỏng tài sản, khu du lịch bị ách tắc giao khu vực tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Chiểu. Liên quan vấn đề này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngay sau đó Sở Xây dựng đã có Công văn số 1913 đề nghị các địa phương có dự án ven biển để chủ động ứng phó mưa lớn gây sạt lở cát đã thành lập tổ (đội) lực lượng ứng phó sự cố nhanh tại chỗ để chủ động tổ chức xử lý kịp thời, không để xảy ra tình trạng cát tràn xuống đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông và các khu dân cư ven biển mỗi khi có mưa lớn xảy ra...

Thiết nghĩ, để bảo đảm an toàn đề phòng lũ cát thì việc phát triển các dự án trên đồi phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường vẫn là giải pháp then chốt. Trong đó, cần quan tâm như việc trồng cỏ, trồng cây “phủ xanh” trên phần đất tiếp giáp dự án, trên đất có độ dốc của người dân để bộ rễ của chúng bám giữ đất nhằm hạn chế chống xói lở cát, đất… Còn theo các chuyên gia cũng cho rằng, về lâu dài khi quy hoạch phát triển, cần tính tới các đặc tính tự nhiên của từng vùng, hạn chế tối đa can thiệp của con người để giảm thiểu thiên tai.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/khai-thac-hieu-qua-cac-du-an-doi-ven-bien-119734.html