Khai thác hiệu quả các FTA góp phần tích cực đẩy mạnh xuất khẩu

Các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư. Việc tăng cường khai thác hiệu quả các FTA, đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu là một trong những giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng cùng việc tận dụng tốt hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA) nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu hàng hóa nói riêng của nước ta từ đầu năm đến nay đã có những khởi sắc và đạt được các kết quả tích cực.

Xuất khẩu tới 5 thị trường lớn nhất đều tăng khá

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 4 và 4 tháng năm 2024 của Bộ Công Thương cho biết, tính chung 4 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 4 tháng đầu năm, có 21 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 57,8%).

Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong 4 tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 34,12 tỷ USD, chiếm 27,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 19,1% so với cùng kỳ; tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 17,96 tỷ USD, tăng 14,4%; thị trường EU ước đạt 16,35 tỷ USD, tăng 15%; Hàn Quốc ước đạt 8,36 tỷ USD, tăng 10,2%; Nhật Bản ước đạt 7,66 tỷ USD, tăng 4,6%.

Ở chiều ngược lại, do sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu nên nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng cao nên kim ngạch nhập khẩu của nước ta trong 4 tháng đầu năm từ hầu hết các thị trường chủ lực đều tăng. Tính chung bốn tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong 4 tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao.

Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong 4 tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao.

Các FTA tiếp tục duy trì lợi thế của Việt Nam trong thương mại, đầu tư

Thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, tháng 4/2024) đánh giá nền kinh tế toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ. IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 3,2% trong năm 2024 và 2025; theo đó, mức dự báo tăng trưởng năm 2024 được điều chỉnh tăng 0,1% so với dự báo tháng 01/2024. Tuy nhiên, theo dự báo của Liên hợp quốc (UN) và Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 cùng đạt mức 2,4%, thấp hơn lần lượt 0,3 và 0,2 điểm phần trăm so với năm 2023. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định tăng trưởng kinh tế thế giới đạt 2,9%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm; Liên minh châu Âu (EU) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 3,3%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm.

Trong nước, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức, sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Chính phủ cũng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nền kinh tế có những tín hiệu phục hồi tích cực là động lực cho tăng trưởng.

Trong bối cảnh đó, theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ có cả những thuận lợi và đối mặt với những thách thức.

Thuận lợi thứ nhất, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác/thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo các FTA năm 2023 đạt 86,1 tỷ USD, chiếm 37,35% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 230,5 tỷ USD của Việt Nam sang các thị trường ký FTA. Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi tương đối ổn định, tương ứng với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường.

Năm 2023, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp 1.508.142 bộ C/O ưu đãi với trị giá 86,1 tỷ USD, tăng 9,2% về trị giá và 1,9% về số lượng C/O so với năm 2022. Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 37,35% cùng với tốc độ tăng trưởng 9,2% cho thấy doanh nghiệp đang tận dụng tốt hơn các FTA dù trong bối cảnh kinh tế - chính trị có nhiều diễn biến phức tạp. Tỷ lệ cụ thể khác nhau theo từng mẫu C/O (C/O mẫu EUR.1 và EUR.1 UK có tỷ lệ sử dụng lần lượt là 35,17% và 32,37%, C/O EAV có tỷ lệ sử dụng là 78,5%, C/O mẫu AANZ là 40,4%); theo thị trường xuất khẩu (Ấn Độ 72,59%, Hàn Quốc 51,1%, Canada và Mexico lần lượt đạt 13,89% và 36,67%).

Thứ hai, nhu cầu thị trường thế giới nói chung và khu vực thị trường châu Âu, châu Mỹ từng bước phục hồi do lạm phát đã bắt đầu có xu hướng giảm từ cuối năm 2023 và có khả năng tiệm cận mức mục tiêu các Ngân hàng Trung ương đề ra cho năm 2024 (ECB và FED - 2%).

Thứ ba, việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ tư, các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cũng như dành nhiều hỗ trợ tín dụng và công nghệ đối với Việt Nam...

Những khó khăn, thách thức mới cần vượt qua

Bên cạnh những thuận lợi, trong tình hình mới hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức mới.

Một là, kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức và khó đoán định; sự phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn.

Hai là, áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá sẽ chậm lại nhưng vẫn ở mức cao; xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia nhằm kiềm chế lạm phát.

Ba là, rủi ro gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bốn là, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán... tiếp tục là các vấn đề cần quan tâm.

Năm là, xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác;

Sáu là, xu hướng phi toàn cầu hóa đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng.

Việc các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn/quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Bảy là, việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...

Phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới

Để tận dụng tốt những cơ hội thuận lợi và hạn chế những khó khăn, thách thức, thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.

Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ tiếp tục chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đặc biệt chú trọng khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Phát triển dịch vụ logistics, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

Song song đó, tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương; Chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước; Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; Tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; Tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp…

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/khai-thac-hieu-qua-cac-fta-gop-phan-tich-cuc-day-manh-xuat-khau-121514.htm