Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do

Thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 19/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực (Chỉ thị số 38/CT-TTg), năm 2024 các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ những chủ trương, chính sách của Chỉ thị 38 và đạt được những kết quả tích cực.

Hoa Đà Lạt xuất khẩu sang thị trường châu Âu

Hoa Đà Lạt xuất khẩu sang thị trường châu Âu

Nhận thức được tầm quan trọng của Hiệp định thương mại tự do (FTA), các sở, ban, ngành, địa phương đã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến thông tin và văn bản pháp luật liên quan nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động về hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện tích cực Chỉ thị số 38/CT-TTg, trong năm 2024 chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Lâm Đồng đã có sự cải thiện về thứ hạng và điểm số (tăng 0,19 điểm và tăng 4 bậc). Duy trì tổ chức đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư định kỳ 1 lần/tháng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ước năm 2024, vốn huy động đạt 110.400 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ của các tổ chức tín dụng đạt 195.800 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt gần 139.500 tỷ đồng; dư nợ cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 17.000 tỷ đồng; tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 6.124 tỷ đồng.

Chuyển đổi số bước đầu đã đi vào cuộc sống, trở thành công cuộc của toàn dân, toàn diện, xuyên suốt ở các cấp, các ngành. Theo thống kê tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP và GRDP tỉnh Lâm Đồng từ năm 2020 đến năm 2023 đạt bình quân gần 6,7%. Hiện toàn tỉnh hiện có 14 Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC). Bên cạnh đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh. Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 61%, tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân hơn 1,7 triệu tài khoản.

Trong triển khai Chỉ thị số 38/CT-TTg, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục duy trì và không ngừng mở rộng các mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các địa phương, đối tác nước ngoài, tiếp tục tìm kiếm các đối tác mới. Theo đó, trong năm 2024, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã tiếp xã giao và làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh như: Hà Lan, Philippines, Ấn Độ, Cuba, Pháp, Úc, Malaysia, Hàn Quốc... nhằm quảng bá hình ảnh của tỉnh Lâm Đồng đến bạn bè các nước và tổ chức quốc tế cũng như xúc tiến hợp tác một số ngành, lĩnh vực của tỉnh theo kế hoạch đề ra.

Địa phương đã tổ chức 3 đoàn công tác của tỉnh đi thăm và làm việc tại Lào, Singapore, Hà Lan nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nghiên cứu mở rộng các nội dung, chương trình hợp tác trong thời gian tới. Việc tổ chức các hoạt động đối ngoại đảm bảo đúng quy định.

Theo các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu đi thị trường các nước, FTA khi được triển khai trên địa bàn tỉnh đã mở ra ưu đãi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Trong đó, tạo cơ hội ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp; tăng tỉ lệ nội địa hóa - thúc đẩy hoạt động xuất khẩu; cải tiến khoa học - công nghệ đáp ứng xu thế, bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa; thu hút đầu tư… Tuy nhiên, các FTA cũng đem lại những thách thức đòi hỏi doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu cao về công nghệ; tạo sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong tỉnh; đáp ứng các điều kiện về lao động, môi trường; hoàn thiện thể chế, khung pháp lý tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế…

Tình hình xuất khẩu cũng có sự phục hồi đáng kể, với kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 985,77 triệu USD, tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước, đạt 100,1% kế hoạch năm 2024. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Alumin, rau, quả, cà phê, hoa và hàng may mặc đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Trong đó, alumin và hydroxit nhôm đạt hơn 473.000 tấn, giá trị 214,5 triệu USD (tăng 13,7% so cùng kỳ năm 2023); cà phê nhân đạt 52.200 tấn, giá trị hơn 170 triệu USD (tăng 10,2%); rau, quả đạt 38.600 tấn, giá trị hơn 95 triệu USD (tăng 46,4%); hoa các loại đạt giá trị 58,8 triệu USD, tăng 10,6%; hàng dệt may, nguyên liệu dệt may xuất khẩu đạt giá trị hơn 95,6 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhằm phát huy nguồn lực trong thực hiện FTA, UBND tỉnh cũng có công văn đề xuất các bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng kịp thời thông tin thị trường ngành hàng; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về hội nhập kinh tế như: hướng dẫn nâng cao hiểu biết chuyên sâu cho doanh nghiệp trong việc tận dụng được các FTA, năng lực pháp lý, cạnh tranh của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 19/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ, khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đặc biệt là doanh nghiệp, tích cực chuẩn bị cho việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới sẽ tham gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

CHÍNH THÀNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202501/khai-thac-hieu-qua-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-93928d0/