Khai thác hiệu quả nguồn vốn FDI

Những năm qua, Phú Thọ đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, đổi mới tư duy, khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh, tăng cơ hội thành công cho doanh nghiệp... Do đó, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội, tiếp tục là địa chỉ tin cậy, điểm đến của các nhà đầu tư.

Công ty TNHH JNTC Vina, KCN Thụy Vân tạo việc làm cho 2.300 lao động, bình quân thu nhập đạt 9-10 triệu đồng/người/tháng.

(baophutho.vn) - Những năm qua, Phú Thọ đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, đổi mới tư duy, khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh, tăng cơ hội thành công cho doanh nghiệp... Do đó, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội, tiếp tục là địa chỉ tin cậy, điểm đến của các nhà đầu tư.

Đa dạng hóa các kênh vận động, xúc tiến đầu tư
Với lợi thế là tỉnh thuộc vùng miền núi Trung du Bắc Bộ, có vị trí chiến lược ở ngã ba sông, cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội và địa bàn kinh tế trọng điểm phía Bắc, Phú Thọ là cầu nối các tỉnh đồng bằng Sông Hồng với các tỉnh miền núi Tây Bắc và Đông Bắc. Mặt khác, Phú Thọ còn có KCN Việt Trì được hình thành từ những năm đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc, đặt nền móng cho ngành công nghiệp của tỉnh phát triển. Hơn nữa, Phú Thọ có môi trường chính trị và xã hội ổn định, an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo; chính quyền và nhân dân thân thiện, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Thủ tục hành chính trong cấp phép và triển khai thực hiện dự án đầu tư được thực hiện theo cơ chế một đầu mối, miễn phí, giảm thời gian cho nhà đầu tư. Tỉnh cũng đưa công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền và quảng bá đầu tư thông qua Website, cổng giao tiếp điện tử của tỉnh để đối thoại với doanh nghiệp cũng như cập nhật và công khai các thông tin. Đây là những lợi thế để Phú Thọ thu hút đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội.Năm 1997- khi tái lập tỉnh, với xuất phát điểm thấp, ngân sách tỉnh còn hạn hẹp nên chưa có điều kiện để đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng khu công nghiệp (KCN); quy mô thị trường, các dịch vụ chưa phát triển, do đó, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư lớn. Nhận thức những khó khăn này, suốt những năm qua, tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp. Nếu như giai đoạn mới tái lập, việc tập trung thu hút FDI những dự án sử dụng nhiều lao động nhằm giải quyết việc làm cũng như tăng thu ngân sách là mục tiêu chính, thì những năm gần đây, tỉnh chủ trương ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, những dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hướng tới giải quyết việc làm cho lao động có tay nghề trình độ cao và lao động phổ thông. Tỉnh chủ trương ưu tiên các nguồn lực, huy động các nguồn vốn để đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông đối ngoại, hạ tầng khu, cụm công nghiệp đồng bộ; tạo quỹ đất sạch, ban hành kịp thời cơ chế, chính sách ưu đãi để tạo ra lợi thế cạnh tranh, nắm bắt cơ hội thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai dự án. Các sở, ngành, cơ quan trong tỉnh chủ động hướng dẫn, tư vấn cho nhà đầu tư, chủ đầu tư về trình tự, thủ tục, cung cấp thông tin liên quan đến dự án nhà đầu tư quan tâm; rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức trong việc đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Ngoài việc quảng bá hình ảnh để thu hút các nhà đầu tư mới, tỉnh thực hiện các giải pháp nhằm đa dạng hóa cách tiếp cận các nhà đầu tư thông qua nhiều kênh xúc tiến như: Ngoại giao, tư vấn, hợp tác hữu nghị... Do có chủ trương, định hướng cụ thể trong thu hút FDI, tỉnh đã thu được nhiều thành công trong thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 180 dự án đầu tư đăng ký còn hiệu lực của 172 doanh nghiệp FDI, vốn thực hiện 1.786,4 triệu USD. Trong số các dự án còn hiệu lực, có 133 dự án đã đi vào hoạt động, vốn đăng ký 1.325,5 triệu USD. Đã có nhiều dự án, quy mô lớn, công nghệ cao, xuất khẩu 100% và là vệ tinh của các tập đoàn lớn, trong đó có nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH JNTC ViNa (vốn đăng ký 220 triệu USD, hiện nay 360 triệu USD sau khi mở rộng năm 2020); dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu của Công ty TNHH công nghệ Namuga Phú Thọ 130 triệu USD... đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng và phát triển KT- XH của tỉnh.

Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ đầu tư hạ tầng đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Mục tiêu mới, động lực mới
Thông qua việc thu hút đầu tư FDI đã thúc đẩy nhanh quá trình phát triển các ngành công nghiệp mới, duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp. Số lượng các dự án đăng ký tăng nhanh, sản xuất kinh doanh tăng trưởng đều, có thị trường ổn định. Doanh thu, giá trị xuất khẩu hàng năm chiếm tỉ trọng lớn, đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh, của cả nước. Năm 2020, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng 13,43% GRDP; đóng góp 4,3% thu ngân sách của tỉnh. Ngoài ra, trong các doanh nghiệp đã hình thành đội ngũ công nhân lao động có tác phong làm việc chuyên nghiệp; góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động, thay đổi ngành nghề đào tạo; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.Tuy nhiên, trong từng thời kỳ, từng giai đoạn, việc thu hút và sử dụng vốn FDI còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Một số mục tiêu đặt ra nhưng chưa được hoàn thành, chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài còn thấp; tính liên kết, lan tỏa rất hạn chế; còn mất cân đối theo địa bàn và lĩnh vực; vai trò của các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị- xã hội chưa được phát huy, chậm khắc phục những mặt trái trong thu hút, sử dụng FDI... Khắc phục những hạn chế trên, giai đoạn 2021-2025 được tỉnh xác định là giai đoạn vị thế của Việt Nam và môi trường cạnh tranh quốc gia đang tăng lên; các lợi thế của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do EVFTA, các hiệp định song phương; chính sách hướng Nam của Hàn Quốc, Nhật Bản… là những cơ hội và thuận lợi trong thu hút đầu tư của quốc gia nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định khâu đột phá của nhiệm kỳ là tập trung cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Theo đó, tỉnh sẽ đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược trong nước, ngoài nước, tận dụng làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài để thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có giá trị gia tăng cao. Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, quản lý của nhà nước; nâng cao vai trò giám sát của MTTQ, công đoàn và của nhân dân trên địa bàn tỉnh đối với việc quản lý, thu hút vốn đầu tư FDI, đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế nhanh, bền vững và ổn định chính trị xã hội trên địa bàn. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh thực sự thông thoáng, có năng lực cạnh tranh cao, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; khuyến khích và phát triển mạnh các thành phần kinh tế; phát triển hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng điện lực đồng bộ, hiện đại; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số...Gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực, trình độ và hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy quản lý nhà nước, bảo đảm nhất quán, minh bạch, ổn định; tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và của nhà nước, người lao động.Với cách tiếp cận thực hiện chủ động, sáng tạo, Phú Thọ đang tiến những bước chắc chắn trong việc xây dựng môi trường đầu tư FDI tối ưu, hiện đại, tạo ra lợi thế đầu tư mới, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Anh Thơ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202109/khai-thac-hieu-qua-nguon-von-fdi-179286