Khai thác lợi thế cây công nghiệp chủ lực
Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) đứng đầu cả nước về diện tích của một số cây công nghiệp chủ lực như: cao su, điều, tiêu… Đặc biệt, ĐNB đã hình thành được các vùng chuyên canh lớn những cây công nghiệp cho năng suất, chất lượng cao hơn các vùng khác.
Nhờ có lợi thế về vị trí địa lý, giao thông nên vùng ĐNB dẫn đầu cả nước trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… ĐNB đã khai thác tốt thế mạnh của các vùng chuyên canh cây công nghiệp khi thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào kinh doanh, chế biến sâu các sản phẩm từ cây công nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
* Nhiều cây trồng có diện tích đứng đầu cả nước
ĐNB có tài nguyên đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển nhiều loại cây công nghiệp chủ lực thuộc tốp đầu trong xuất khẩu. Các tỉnh trong vùng đã hình thành các vùng sản xuất cây công nghiệp tập trung, quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, diện tích cây điều của vùng này đạt hơn 192 ngàn hécta, chiếm 61% diện tích điều cả nước. Cây cao su có diện tích hơn 547 ngàn hécta, chiếm gần 60% diện tích cao su của cả nước. Diện tích cây hồ tiêu khoảng 38 ngàn hécta, chiếm 30% diện tích hồ tiêu của cả nước.
Các tỉnh, thành vùng ĐNB đã tập trung đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình canh tác bền vững, áp dụng cơ giới hóa nhằm đảm bảo năng suất và sự phát triển bền vững với hiệu quả kinh tế cao cho các cây công nghiệp thế mạnh của vùng.
Cụ thể, ĐNB là vùng trồng cao su trọng điểm của cả nước, trong đó diện tích cao su trồng tập trung tại Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Với cây điều, tuy diện tích không còn nhiều như trước nhưng vẫn phát triển hiệu quả trên các vùng sản xuất hiện có, tập trung nhiều tại các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngành điều đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống điều mới để tiếp tục phục vụ tái canh, thay thế vườn điều già cỗi, lẫn tạp, năng suất thấp, chất lượng kém.
Cây hồ tiêu đang cho hiệu quả kinh tế cao. ĐNB cũng đã hình thành được nhiều vùng sản xuất hồ tiêu tập trung, an toàn và chất lượng gắn với đầu tư các cơ sở chế biến. Các tỉnh sản xuất trọng điểm của cây hồ tiêu là: Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngoài ra, một số tỉnh, thành của vùng ĐNB vẫn duy trì được các vùng chuyên canh cây cà phê theo hướng tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê già cỗi; sử dụng 100% giống cà phê có năng suất, chất lượng cao; thực hiện trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm với những vùng cà phê tái canh có đủ điều kiện.
Vùng ĐNB đang tiếp tục ưu tiên phát triển mạnh cây công nghiệp lợi thế như: cao su, điều, hồ tiêu… Đặc biệt, tiểu vùng phía Bắc gồm: Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của Đồng Nai, Bình Dương không chỉ hình thành được các vùng chuyên canh các cây công nghiệp, mà còn phát triển kinh tế cửa khẩu, kho vận, công nghiệp chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến sâu các sản phẩm từ cây công nghiệp thế mạnh.
* “Thủ phủ” chế biến nông sản
Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản của thế giới. Bám sát mục tiêu trên, khai thác lợi thế của vùng, ĐNB đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ - hậu cần thương mại và chế biến nông sản hàng đầu của Việt Nam; hình thành được một số chuỗi giá trị cho nông sản chiến lược đi vào chuỗi giá trị toàn cầu; hướng tới thị trường xuất khẩu chính ngạch, chất lượng cao. Đặc biệt, ĐNB rất chú trọng thu hút các tập đoàn, DN đầu tàu mở đường đột phá cho các chuỗi giá trị chiến lược nông sản thế mạnh của vùng, nhất là với các cây công nghiệp thế mạnh.
Các tỉnh, thành của vùng ĐNB luôn quan tâm, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; ưu tiên các lĩnh vực chế biến sản phẩm chủ lực của vùng như: điều, cao su, hồ tiêu… Các tỉnh, thành của khu vực ĐNB trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản theo hướng phát triển hệ thống chế biến gắn kết với vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ hiện đại mang tầm khu vực và thế giới.
Với tổng diện tích cây công nghiệp như điều, hồ tiêu, cà phê, cao su hơn 90,5 ngàn hécta, hình thành được nhiều vùng chuyên canh cây công nghiệp, Đồng Nai thu hút tốt các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư chế biến vào lĩnh vực này. Đồng Nai cũng rất quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chế biến các sản phẩm cà phê, tiêu, điều, cao su… nhằm giảm xuất khẩu thô để vừa có đầu ra bền vững hơn, vừa tạo giá trị gia tăng cho nông sản. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm sẽ được tỉnh hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu. Tỉnh đang triển khai thực hiện 2 cụm công nghiệp điểm trong lĩnh vực chế biến nông sản là Cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Định Quán) và Cụm công nghiệp Long Giao (huyện Cẩm Mỹ).
Tiêu biểu, trong lĩnh vực chế biến cà phê hòa tan, hiện trên phạm vi cả nước có khoảng 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn với tổng công suất trên 75 ngàn tấn/năm, thì chỉ tính riêng 3 nhà máy chế biến ở Đồng Nai là: Vinacafé Biên Hòa, Nestlé Việt Nam và Nhà máy Sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa đã chiếm khoảng 2/3 sản lượng cả nước.
Trồng và chế biến hồ tiêu cũng là một trong những thế mạnh của tỉnh với tổng diện tích cây trồng này đạt gần 10,8 ngàn hécta. Tỉnh đã triển khai hiệu quả Dự án Cánh đồng lớn cho cây hồ tiêu.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) Trương Đình Bá chia sẻ, Dự án Cánh đồng lớn hồ tiêu tại địa phương thu hút sự tham gia của 73 hộ nông dân, tổng diện tích hơn 58,5 hécta. Trong đó có 17,8 hécta cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng men vi sinh IMO vào sản xuất để ủ phân, làm thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đầu tư cánh đồng lớn, sản xuất an toàn, sản phẩm hồ tiêu tham gia chuỗi liên kết có giá bán cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường; đạt chuẩn xuất khẩu tốt đi các thị trường khó tính, trong đó có thị trường châu Âu.
Ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice (doanh nghiệp có vốn đầu tư của Hà Lan, trụ sở tại tỉnh Bình Dương) cho biết, doanh nghiệp có nhiều chương trình liên kết, bao tiêu hồ tiêu tại nhiều tỉnh, thành ĐNB, trong đó có tỉnh Đồng Nai. Doanh nghiệp rất quan tâm về chất lượng nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến để mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường khó tính.