Khai thác 'mỏ vàng' tín chỉ carbon
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được hàng nghìn tỷ đồng nhờ bán tín chỉ đang có vai trò quan trọng này trên trái đất. Có tiềm năng rất lớn, Việt Nam đang thực hiện những giải pháp quan trọng nhằm chuyển đổi sang sản xuất xanh để hướng tới mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào giữa thế kỷ này.
Vậy tín chỉ carbon được hiểu như thế nào?
Tín chỉ carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Nó đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e) vào bầu khí quyển. Tín chỉ carbon là giấy phép hoặc chứng chỉ có thể mua bán, cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn carbon dioxide hoặc tương đương với một loại khí nhà kính khác. Mục tiêu chính của việc tạo ra tín chỉ carbon là giảm lượng khí thải carbon dioxide và các loại khí nhà kính khác từ các hoạt động công nghiệp, nhằm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Ở Việt Nam, theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại.
Thực tế hiện nay, thị trường carbon không chỉ hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Những công cụ hỗ trợ giảm phát thải carbon hiện nay ngoài các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn có những công cụ kinh tế, thuế.
Với lợi ích rất lớn, Việt Nam lựa chọn vận hành thị trường carbon để giảm phát thải khí nhà kính. Chúng ta hướng tới một thị trường carbon tuân thủ, có sàn giao dịch, bắt buộc các đối tượng liên quan phải thực thi.
Theo lộ trình, sàn giao dịch carbon sẽ vận hành thí điểm vào năm 2025. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tổng hạn ngạch phát thải cho từng giai đoạn, qua đó sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải carbon cho các doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm kê phát thải khí nhà kính. Hiểu một cách nôm na là các doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép, nhiệt điện muốn tăng sản lượng, sản xuất, vượt hạn ngạch phát thải được phân bổ thì phải mua lại hạn ngạch phát thải từ các doanh nghiệp phát thải ít, kiểm soát tốt lượng phát thải trong sản xuất, chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ.
Việc tạo ra và bán tín chỉ carbon không chỉ làm tăng thêm nguồn thu nhập bù đắp cho những chi phí đầu tư vào công nghệ xanh mà còn tăng cường uy tín và hình ảnh của tổ chức doanh nghiệp, thúc đẩy các nghiên cứu sáng tạo, và bảo vệ môi trường cùng đa dạng sinh học nơi chính địa bàn của doanh nghiệp.
Với sự bùng nổ về nhu cầu tín chỉ carbon trên thế giới, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thị trường carbon. Vấn đề cần quan tâm là các doanh nghiệp cần có giải pháp kiểm soát việc phát thải khí nhà kính. Nhiệm vụ quan trọng là thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia để quản lý toàn bộ tín chỉ được tạo ra trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực xác định, phân bổ hạn ngạch phát thải cho các ngành, lĩnh vực theo kế hoạch cụ thể, rõ ràng; thực thi được các quy định, tiêu chuẩn về cơ chế thống kê, đo đếm, chứng nhận về hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là trong lĩnh vực vận tải, điện tử, nông nghiệp… Cùng với đó, nghiên cứu đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng việc hình thành các chính sách liên quan đến thị trường tín chỉ carbon ở các quốc gia khác như: Phân bổ hạn ngạch phát thải, mô hình vận hành, các công cụ kinh tế, tài chính…
Tựu trung, khai thác “mỏ vàng” tín chỉ carbon cần chú trọng thúc đẩy cách tiếp cận nhiều bên, tăng cường hợp tác giữa các ngành, các lĩnh vực, các cấp, đặc biệt là thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo điều kiện phát triển cung, cầu trong thị trường carbon.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khai-thac-mo-vang-tin-chi-carbon-664023.html