Khai thác nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông

Lập hội đồng tư vấn, thí điểm mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), đề xuất danh mục ưu tiên dự án BOT cấp thiết, thanh toán cho các đơn vị thi công... là các giải pháp thúc đẩy hạ tầng giao thông được TP Hồ Chí Minh triển khai gấp rút sau khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) của Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh có hiệu lực.

Những hoạt động trên đang góp phần từng bước khơi thông các điểm nghẽn, tận dụng các cơ hội, nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh.

Hạ tầng giao thông còn nhiều điểm nghẽn

Hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh thời gian qua phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu phát triển. Nhiều dự án theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiều năm trước nhưng vẫn bị ách tắc, chậm trễ. Điểm nghẽn lớn nhất là vướng mắc về cơ chế, chính sách, nguồn vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng...

Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng: Quy hoạch của Chính phủ đặt ra đến năm 2020 là thành phố sẽ xây dựng 1-2 tuyến đường trên cao, thực hiện 2-3 tuyến Metro. Trong phát triển đường bộ sẽ làm 6 trục cao tốc kết nối TP Hồ Chí Minh với các địa phương, tổng chiều dài hơn 350km.

Tuy nhiên, các dự án triển khai theo quy hoạch gặp nhiều vướng mắc, chậm tiến độ, có dự án triển khai bị dang dở do vướng về cơ chế, nguồn vốn. Tỷ lệ triển khai dự án theo quy hoạch chỉ đạt khoảng 35%.

 Triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông ở TP Hồ Chí Minh.

Triển khai hiệu quả Nghị quyết 98 góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông ở TP Hồ Chí Minh.

Thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cũng là một thách thức lớn trong phát triển hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh. Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải thành phố, giai đoạn 2021-2025, thành phố bố trí nguồn vốn ngân sách chỉ được 75.760 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 28,5% so với nhu cầu. Từ nay đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 960.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Nghị quyết 98 cho phép thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù tạo nhiều cơ hội, động lực thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh, cụ thể thanh toán các dự án BOT trên một số tuyến đường bộ hiện hữu, kêu gọi đầu tư dự án BT thanh toán bằng tiền trả chậm thay cho bằng đất trước đây, chủ động khai thác giải phóng mặt bằng, khai thác, phát triển quỹ đất lân cận của dự án giao thông, thí điểm các mô hình mới về phát triển đô thị gắn với hạ tầng giao thông hiện đại, tương ứng...

Khai thác tối đa cơ hội, nguồn lực

Vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã thành lập Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98, bổ sung quy hoạch giao thông vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, lập danh sách dự án giao thông ưu tiên triển khai sớm; nghiên cứu vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù vào các dự án cụ thể...

Đồng chí Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông vận tải đã chủ động làm việc với ban, ngành liên quan, quận, huyện và TP Thủ Đức để triển khai những cơ chế đặc thù, áp dụng vào các dự án hiện hữu, kêu gọi đầu tư, đặc biệt ưu tiên các dự án có tính chất cấp thiết, cấp bách; thí điểm mô hình TOD... Trong tháng 8-2023, Sở cũng chủ động làm việc với cơ quan chức năng của các địa phương lân cận để thống nhất kết quả nghiên cứu về quy hoạch giao thông liên kết vùng, lập dự án tiền khả thi vận dụng cơ chế, chính sách của Nghị quyết 98.

Sở Giao thông vận tải thành phố vừa trình UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT cần tập trung ưu tiên đầu tư gồm: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến tỉnh Long An) và Quốc lộ 22; mở rộng trục đường Bắc-Nam (từ Nguyễn Văn Linh-nút giao Cầu Bà Chiêm); xây dựng cầu đường Bình Tiên.

Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với các cơ quan chức năng thanh toán những chi phí cho nhà đầu tư, giảm chi phí lãi vay cho các dự án trọng điểm: Dự án cầu Cần Giờ, cầu đường Nguyễn Khoái; dự án nâng cấp mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (từ nút giao An Phú đến đường vành đai 2); dự án mở rộng đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương; dự án xây dựng nút giao thông Ngã tư Bốn Xã...

Một trong những hoạt động được UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức là mở rộng các kênh đối thoại, lấy ý kiến đóng góp, hiến kế triển khai hiệu quả Nghị quyết 98. Ngày 11-8, UBND TP Hồ Chí Minh đã có cuộc họp với Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 với sự tham gia của đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý... Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho biết, Hội đồng chú trọng, tập trung tư vấn các giải pháp, phương thức huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, các mô hình TOD, hình thức đầu tư BT, BOT, thu hút đầu tư chiến lược vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên...

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Nghị quyết 98 mở ra cơ hội huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông. Trên cơ sở các dự án, công trình giao thông cấp thiết, cần ưu tiên do Sở Giao thông vận tải thành phố đề xuất, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố xem xét, thông qua và tập trung chỉ đạo triển khai, đầu tư, hoàn thành trong vòng 3-5 năm tới. Khi các dự án hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới cho hệ thống giao thông đô thị, tạo động lực phát triển, tăng trưởng cho thành phố.

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/khai-thac-nguon-luc-phat-trien-ha-tang-giao-thong-740416