Khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên biển và hải đảo Việt Nam

Sáng 2-10, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT) phối hợp Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Hội Thủy sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên biển và hải đảo Việt Nam năm 2024, với chủ đề 'Các giải pháp xanh cho kinh tế biển bền vững tại Việt Nam'.

 TS Tạ Đình Thi phát biểu tại diễn đàn

TS Tạ Đình Thi phát biểu tại diễn đàn

Tại diễn đàn, TS Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, có sự phát triển bền vững, thịnh vượng, bảo đảm an ninh, an toàn nền kinh tế biển.

Trong đó, xác định đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp vào GDP cả nước đạt khoảng 10%; các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường kiểm soát khai thác tài nguyên biển gắn với bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển...

“Để tranh thủ và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển trong phát triển bền vững đất nước, khắc phục những bất cập, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện, cập nhật các quy hoạch, chú trọng vấn đề biển, đảo theo đúng chủ trương của Đảng, nhất là đối với 2 quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia về biển, các quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh của 28 địa phương có biển”, TS Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

 Khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển

Khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học biển

Theo PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, muốn phát triển các cực kinh tế biển, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển - ven biển, cần phải xem xét kết nối các đô thị ven biển cũ và mới, sớm hình thành chuỗi đô thị đảo, đặt chúng trong một chỉnh thể không gian: ven biển – biển – đảo.

“Chiến lược hướng tới một nền “kinh tế biển xanh” đã được xác định, dù không phải sớm, nhưng từ đó chúng ta có những quyết sách phát triển cụ thể, trong đó có công tác quy hoạch các đô thị biển. Phải nghiên cứu kỹ, có trách nhiệm, thận trọng, khách quan, không bị sức ép cục bộ nào, để có được các chuẩn mực đô thị biển là mô hình tham khảo khi quy hoạch và kiến trúc một đô thị cụ thể", PGS-TS Nguyễn Chu Hồi nói.

 PGS-TS Nguyễn Chu Hồi phát biểu tham luận tại hội nghị

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi phát biểu tham luận tại hội nghị

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, cần công nhận và sử dụng khôn khéo các giá trị của cảnh quan thiên nhiên và các hệ sinh thái biển, đảo như là nguồn “vốn phát triển” dài hạn. Cùng đó, thiết kế và lựa chọn các mẫu hình kiến trúc đô thị xanh, thân thiện với tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp văn hóa bản địa.

Theo TS Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, những vấn đề về quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa biển, từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, sẽ được thảo luận, tiếp cận theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Trên cơ sở đó, Quy hoạch không gian biển quốc gia sẽ phân bổ, sắp xếp hợp lý không gian biển cho các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững, kết hợp hài hòa giữa các lợi ích và giảm thiểu các mâu thuẫn trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên không gian biển tại từng khu vực cụ thể.

CÔNG NHÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khai-thac-su-dung-hop-ly-tai-nguyen-bien-va-hai-dao-viet-nam-post761757.html