Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển lâm sản ngoài gỗ

Là tỉnh Trung du, miền núi, đất đai, khí hậu đa dạng, phù hợp với nhiều loài cây trồng, trong đó, LSNG có lợi thế để phát triển trên địa bàn tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, gia tăng giá trị từ rừng, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, đối với một tỉnh miền núi như Phú Thọ, diện tích đất rừng chiếm tỉ lệ lớn, việc phát triển LSNG là vấn đề cần được quan tâm và có giải pháp đồng bộ.

Kỳ II: Vì mục tiêu phát triển lâm sản ngoài gỗ

Phát triển mô hình trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao được triển khai ở một số xã miền núi trên địa bàn tỉnh.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua, triển khai thử nghiệm các mô hình LSNG tại một số địa phương cho thấy, việc canh tác, thu hái LSNG ít gây tổn hại đến rừng, đồng thời cây LSNG cũng cần có tán rừng che chở, bảo vệ. Đây là sự cộng sinh “khôn khéo”, là sự kết hợp giữa bảo tồn với phát triển, giữa kinh tế với sinh thái, giữa người dân với rừng. Cây gỗ được duy trì và bảo vệ trong khi người dân thu được LSNG để cải thiện chất lượng cuộc sống. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song việc phát triển LSNG cũng còn bộc lộ một số khó khăn. Hiện nay, phát triển LSNG vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất tập trung; công nghệ chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại, thiếu liên kết sản xuất...

Thêm vào đó, nguồn lợi từ LSNG vẫn chưa được khai thác một cách bền vững và mang tính lâu dài. Do khai thác ồ ạt, chỉ dựa vào nguồn tự nhiên sẵn có nên một mặt nguồn tài nguyên này càng ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng đến sinh cảnh của rừng, mặt khác, các nghề truyền thống gắn liền với nguồn tài nguyên thiên nhiên này hiện cũng đang phát triển thiếu bền vững. Ngoài cây quế thì tre nứa, song mây phục vụ cho nghề đan lát truyền thống, dược liệu cũng là nguồn lâm sản phong phú, nếu có chiến lược khai thác phù hợp sẽ mang lại giá trị kinh tế nhất định.

Hiện nay công tác phát triển LSNG đang gặp khó khăn do việc gây nuôi chưa phát triển rộng rãi, nhận thức của người dân chưa chuyển biến mạnh. Các chính sách và luật chưa hoàn thiện, thống nhất về mặt phát triển LSNG. Một số quy định tập trung vào phát triển trồng rừng cây gỗ nguyên liệu, ít chú ý tới phát LSNG. Nhiều diện tích đất rừng trồng LSNG chưa được quy hoạch nên việc gây trồng và phát triển LSNG còn manh mún, không thuận lợi cho quá trình quản lý, đầu tư kinh doanh theo hướng áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh.

Bên cạnh đó, người dân trực tiếp phát triển LSNG chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, sống nhờ rừng, đời sống, thu nhập và trình độ hạn chế, chủ yếu là khai thác lâm sản sẵn có từ tự nhiên chứ chưa phát triển trồng, chăm sóc, thu hoạch LSNG theo quy trình; chính sách khuyến khích phát triển LSNG phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như chính sách hỗ trợ và phát triển hệ thống thị trường LSNG còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số chính sách đến nay không còn phù hợp, cần thay thế, sửa đổi, bổ sung.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Căn cứ Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Kế hoạch số 4889/KH-UBND ngày 23/10/2021 của UBND tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025. Với vai trò là cơ quan tham mưu, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh để ban hành Kế hoạch số 1559/KH-UBND ngày 6/5/2022 về việc phát triển cây quế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo đó, tập trung hỗ trợ trồng mới, mở rộng diện tích cây quế đến năm 2025 đạt trên 3.000ha tại các địa phương có điều kiện phù hợp đề hình thành vùng nguyên liệu tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm, đưa sản xuất lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong đó, hỗ trợ trồng mới diện tích cây quế tập trung tại các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, đồng thời xây dựng, hình thành và phát triển các chuỗi liên kết từ tổ chức sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Phấn đấu đến hết năm 2025, có từ 20 hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quế; nâng cao giá trị thu nhập từ cây quế tăng 1,5 lần so với hiện nay; cấp giấy chứng nhận quế hữu cơ cho vùng trồng quế tập trung ở xã Trung Sơn, Thượng Long, huyện Yên Lập. Cùng với phát triển cây quế, tại các địa phương tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án tuyên truyền quảng bá về LSNG, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân trong khai thác, sử dụng cũng như trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: Tre lấy măng, mây, nứa, tre, trúc... cung cấp nguyên liệu cho các ngành CN, TTCN.

Ông Trần Ngọc Cường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Việc phát triển sản xuất một số LSNG như: Quế, tre, nứa, măng và một số cây dược liệu hiện nay không chỉ thu hút lao động mà còn mang lại những kết quả rõ rệt về tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân. Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao năng lực, nhận thức của người dân và cộng đồng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của LSNG trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến nâng cao thu nhập người dân, phát triển LSNG; chính sách về giao đất, giao rừng và hoàn thành giao đất giao rừng trên thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ rừng; thực hiện điều tra, đánh giá hiện trạng, tiềm năng phát triển LSNG có giá trị cao, quý hiếm, đặc sản của tỉnh; tiến hành quy hoạch vùng chuyên canh tập trung phát triển LSNG cho từng vùng, từng loại lâm sản; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển LSNG; có chính sách thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào phát triển LSNG từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm.

Nhóm PV Kinh tế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/khai-thac-tiem-nang-loi-the-phat-trien-lam-san-ngoai-go/184692.htm