Khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế ở xã biên giới Sín Thầu

Xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé - ngã ba biên giới Việt Nam, Lào và Trung Quốc gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội. Bằng sự quan tâm, hỗ trợ thông qua các chính sách, chương trình, xã biên giới Sín Thầu đạt nông thôn mới, đời sống người dân được cải thiện, nâng cao.

Sau đại dịch Covid-19, lối mở A Pa Chải - Long Phú khôi phục hoạt động từ ngày 1/8/2023, tạo điều kiện cho người dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc qua lại. Việc lưu thông qua lối mở A Pa Chải chủ yếu nhằm mục đích thăm thân hoặc lao động thuê, chưa cấp phép hoạt động giao thương buôn bán. Điều này khiến kinh tế biên giới tại Sín Thầu, vốn là tiềm năng lớn chưa được khai thác, phát huy.

Nhiều hộ dân tại xã Sín Thầu phụ thuộc vào nông nghiệp tự cung tự cấp.

Nhiều hộ dân tại xã Sín Thầu phụ thuộc vào nông nghiệp tự cung tự cấp.

Với đặc thù là xã biên giới, giao thương từng là một trong những phương thức tạo sinh kế quan trọng của người dân địa phương. Việc hạn chế hoạt động này đã tạo ra khoảng trống về kinh tế, khiến nhiều hộ dân phải dựa vào nông nghiệp tự cung tự cấp hoặc các mô hình kinh tế chưa ổn định.

Là nơi đặt cột mốc số 0, ngã ba biên giới cùng nét văn hóa độc đáo của dân tộc Hà Nhì là điểm thu hút khách du lịch đến Sín Thầu. Một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mô hình du lịch cộng đồng homestay hoặc phục dựng nhà truyền thống.

Mô hình du lịch cộng đồng tại Sín Thầu chưa được khai thác tối đa và còn nhiều hạn chế.

Mô hình du lịch cộng đồng tại Sín Thầu chưa được khai thác tối đa và còn nhiều hạn chế.

Do địa bàn xa, giao thông cách trở, lượng khách đến Sín Thầu không đều và phụ thuộc lớn vào các sự kiện cấp tỉnh, huyện, khiến doanh thu từ du lịch không ổn định. Với nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu kiến nghị hỗ trợ để bảo tồn và phục dựng nhà trình tường truyền thống của người Hà Nhì tại bản A Pa Chải. Nét độc đáo của những ngôi nhà trình tường sẽ góp phần tạo sức hút du khách và thúc đẩy du lịch cộng đồng.

Dự kiến đến năm 2025, Cột cờ A Pa Chải hoàn thành, lối mở A Pa Chải - Long Phú nâng cấp thành cửa khẩu, và đường lên cột mốc số 0 được xây dựng. Đây sẽ là động lực quan trọng giúp du lịch ở Sín Thầu phát triển. Du lịch phát triển góp phần quảng bá hình ảnh vùng biên và mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân thông qua dịch vụ du lịch và thương mại.

Hiện nay, nông nghiệp và bảo vệ rừng vẫn là trụ cột kinh tế chính của người dân Sín Thầu. Các hộ gia đình chủ yếu trồng lúa, ngô hoặc chăn nuôi. Tuy nhiên, giá trâu bò giảm mạnh từ 40 - 50 triệu đồng xuống còn 20 triệu đồng/con trâu, bò trưởng thành khiến thu nhập của nhiều gia đình giảm thấp, không có vốn tái đầu tư sản xuất.

Giá trâu bò giảm mạnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của nhiều hộ gia đình.

Giá trâu bò giảm mạnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của nhiều hộ gia đình.

Một điểm sáng là dự án trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng được thực hiện khá hiệu quả ở Sín Thầu. Trồng sa nhân tím vừa bảo vệ môi trường, vừa mang lại nguồn thu nhập khá ổn định. Hiện giá bán sa nhân tím đạt trên 70.000 đồng/kg, giúp nhiều hộ gia đình có thể thu về hơn 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã hỗ trợ người dân bảo vệ rừng và cải thiện thu nhập.

Tỷ lệ hộ nghèo tại Sín Thầu giảm còn 19,41% nhưng việc giảm nghèo bền vững vẫn là bài toán khó giải, trong đó đến từ chính tư duy kinh tế của người dân. Đây cũng là thách thức trong việc hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới của xã. Sự e ngại trong việc vay vốn, thiếu tự tin đầu tư và phụ thuộc vào sản xuất nhỏ lẻ đã giới hạn khả năng vươn lên của người dân nơi đây. Chính quyền địa phương đã triển khai các gói vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách, nhưng người dân chưa mạnh dạn tiếp cận do lo ngại không trả được nợ.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tại Sín Thầu, chính quyền địa phương đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ như gieo cấy giống lúa mới cho năng suất cao, xây dựng trung tâm văn hóa các dân tộc tại bản Tá Miếu để phát triển hạ tầng du lịch.

Năm 2024, huyện Mường Nhé triển khai hỗ trợ người dân gieo cấy giống lúa mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật bón phân trong sản xuất lúa vụ mùa.

Năm 2024, huyện Mường Nhé triển khai hỗ trợ người dân gieo cấy giống lúa mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật bón phân trong sản xuất lúa vụ mùa.

Việc khôi phục nhà trình tường truyền thống và nét văn hóa đặc sắc của người Hà Nhì cũng được đề xuất, nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa và tạo nền tảng cho du lịch cộng đồng. Đây sẽ là cơ hội để người dân Sín Thầu không chỉ cải thiện thu nhập mà còn gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Trong kỳ hội đàm giữa đồn biên phòng A Pa Chải, Sen Thượng với trạm hội đàm khu vực Kim Bình (Trung Quốc), hai bên đã bàn bạc về các dự án đang triển khai như thiết kế mở rộng sân mốc giao điểm biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, hoàn thiện các công trình đấu nối giao thông cửa khẩu. Hai bên đã chuẩn bị các bước cần thiết để tổ chức công bố mở chính thức cặp cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) - Long Phú (Trung Quốc). Điều này hứa hẹn tạo tiền đề cho sự phát triển về kinh tế nhất là hoạt động giao thương, buôn bán khu vực biên giới hai nước.

Sín Thầu đang đứng trước ngưỡng cửa của sự chuyển mình, nhất là khi tiềm năng du lịch, kinh tế biên giới và nông nghiệp được khai thác, phát huy. Song để xã biên giới giảm nghèo bền vững, cần có sự kết hợp giữa hỗ trợ chính sách, sự chủ động của người dân và đầu tư kết cấu hạ tầng. Với định hướng đúng đắn, được đầu tư khai thác tiềm năng, xã Sín Thầu có thể trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế tại vùng biên giới phía Tây Bắc.

Bài, ảnh: Thu Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/khai-thac-tiem-nang-phat-trien-kinh-te-o-xa-bien-gioi-sin-thau