Khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp bền vững
Sau sáp nhập, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai chủ động, tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh nhằm tạo động lực tăng trưởng bền vững.
Để hiểu rõ định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới, phóng viên Báo và Phát thanh, truyền hình Gia Lai đã phỏng vấn ông Cao Thanh Thương-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường.
* P.V:Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của ngành Nông nghiệp và Môi trường trong 6 tháng đầu năm 2025?

Ông Cao Thanh Thương. Ảnh: Ngọc Nga
- Ông Cao Thanh Thương: 6 tháng đầu năm 2025, hoạt động sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản, bảo vệ môi trường và phát triển nông thôn mới tiếp tục duy trì sự ổn định, tăng trưởng tích cực.
Tỉnh Bình Định (cũ) ghi nhận tăng trưởng 3,3% trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp, thủy sản; tỉnh Gia Lai (cũ) đạt 4,5%. Trồng trọt thích ứng tốt với khí hậu, diện tích gieo trồng tăng 0,6%, chuyển đổi 11.505 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng giá trị cao.
Hoạt động chăn nuôi duy trì ổn định, đàn bò và lợn tăng mạnh nhờ giá thịt hơi ở mức cao và kiểm soát dịch hiệu quả. Đàn lợn ước đạt hơn 1,7 triệu con, đàn bò hơn 800 nghìn con. Thu hút đầu tư tăng mạnh, phát triển nhiều dự án và chuỗi liên kết quy mô lớn vào các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.
Thủy sản toàn vùng đạt 153.445 tấn, trong đó khu vực Bình Định (cũ) chiếm gần như toàn bộ với hơn 150.177 tấn (tăng 2,5%), khu vực Gia Lai (cũ) đạt 2.879 tấn nhờ đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Lâm nghiệp được quản lý chặt chẽ, giảm vi phạm, sản lượng gỗ khai thác đạt 514 nghìn mét khối.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được chú trọng. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, thu gom rác thải đều tiệm cận kế hoạch.
* P.V: Để hoàn thành chỉ tiêu cả năm tỉnh giao, ngành sẽ triển khai những giải pháp gì trong thời gian tới?
- Ông Cao Thanh Thương: Ngành đang tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Rà soát, đề xuất, trình UBND tỉnh ban hành các quy trình; đồng bộ lại các chương trình, kế hoạch của tỉnh sau hợp nhất; giao chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội cho 77 xã, phường ở khu vực Gia Lai (cũ); tổ chức đào tạo cho lãnh đạo, công chức phụ trách lĩnh vực đất đai và môi trường, công chức phụ trách nông nghiệp về 96 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền UBND cấp xã mới.
Trong sản xuất, tiếp tục chỉ đạo trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy sản theo kế hoạch; chú trọng tăng đàn vật nuôi, trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Tập trung thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, kiến nghị sửa đổi quy định về kích thước cá ngừ, hoàn thiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.
Ngành tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất, chế biến có quy mô lớn; đồng thời phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các dự án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2025.
Triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo. Đẩy mạnh quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đầu tư nước sạch nông thôn, xử lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại, với quy mô sản xuất hàng hóa lớn và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngành Nông nghiệp và Môi trường tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật với mong muốn người dân, HTX, doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Ảnh: N.N
* P.V: Sự kết hợp giữa hai địa phương sẽ tác động như thế nào đến định hướng phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp và Môi trường, thưa ông?
- Ông Cao Thanh Thương: Sự kết hợp thế mạnh giữa Bình Định (cũ) có ưu thế về công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, hạ tầng cảng biển với Gia Lai (cũ) giàu tài nguyên đất, rừng và tiềm năng năng lượng tái tạo mở ra cơ hội đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị nông sản và phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp theo hướng bền vững.
Hành lang kinh tế Đông-Tây từ Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai cũ) đến cảng Quy Nhơn (Bình Định cũ) được hình thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu nông sản, kết nối với thị trường trong nước và quốc tế; giúp giảm đáng kể chi phí logistics, rút ngắn hành trình xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sau sáp nhập, ngành có thêm điều kiện để quản lý hiệu quả tài nguyên đất, rừng, nước và đẩy mạnh giám sát môi trường bằng công nghệ số. Tuy nhiên, cũng đối mặt với không ít thách thức như: thời tiết cực đoan, dịch bệnh, giá nông sản bấp bênh, địa bàn rộng, dân cư đông và phát triển không đồng đều.
Một số dự án trọng điểm còn chậm tiến độ, đặt ra yêu cầu cao trong điều hành, phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư.
Thời gian tới, ngành tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ; phát triển rừng bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Đồng thời, tăng cường chuyển giao KHKT, đào tạo cán bộ, tập huấn nông dân và bồi dưỡng công chức cấp xã để nắm vững chuyên môn nghiệp vụ của ngành.