Sản xuất nông nghiệp tiếp tục là 'trụ đỡ', bảo đảm an ninh lương thực quốc gia

Tốc độ tăng trưởng của ngành là 3,85% nhờ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều tăng năng suất và giá trị kết hợp kiểm soát tốt, khống chế dịch bệnh, phòng chống cháy rừng, thiên tai...

6 tháng đầu năm 2025, sản xuất nông nghiệp còn nhiều thách thức về thời tiết, dịch bệnh, song các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; khuyến khích nông dân sản xuất nông nghiệp an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh, cây trồng, vật nuôi cho năng suất chất lượng cao, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Sản lượng sầu riêng tăng mạnh. Ảnh: Báo Nông nghiệp và Môi trường

Sản lượng sầu riêng tăng mạnh. Ảnh: Báo Nông nghiệp và Môi trường

Sản lượng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều tăng

Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), sản xuất nông, lâm, thủy sản của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì xu hướng tích cực. Một số nhóm ngành đạt mức tăng trưởng khá nhờ thời tiết thuận lợi, áp dụng khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng của ngành là 3,85% (nông nghiệp tăng 3,5%, lâm nghiệp tăng 7,4%, thủy sản tăng 4,2%).

Có được kết quả chung trên là do sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản có mức tăng cao sản lượng, năng suất, giá trị gia tăng; kiểm soát tốt, khống chế dịch bệnh, phòng chống cháy rừng; phòng chống thiên tai. Theo đó, diện tích gieo cấy lúa vụ đông xuân cả nước năm 2025 đạt 2.970,2 nghìn héc-ta, tăng 16,2 nghìn héc-ta so với năm trước. Năng suất lúa vụ đông xuân của cả nước ước đạt 68,5 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ mở rộng diện tích, sản lượng lúa vụ đông xuân cả nước năm 2025 ước đạt 20,4 triệu tấn, tăng 17,3 nghìn tấn so với năm 2024.

Sản lượng lúa vụ đông xuân 2025 tăng mạnh. Ảnh: Ánh Ngọc

Sản lượng lúa vụ đông xuân 2025 tăng mạnh. Ảnh: Ánh Ngọc

Bên cạnh đó, các địa phương tích cực chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây hoa màu; diện tích rau, đậu tăng so với cùng kỳ năm trước; diện tích khoai lang, lạc, đậu tương tiếp tục giảm do hiệu quả kinh tế không cao. Đối với cây lâu năm, tính đến cuối tháng 6-2025, cả nước đạt 3.823,2 nghìn héc-ta, tăng 48,3 nghìn héc-ta so với năm 2024. Ngành thủy sản đạt tăng trưởng nhờ công nghệ và điều kiện thời tiết thuận lợi, sản lượng trên 4,55 triệu tấn, tăng 3,1%...

Chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định và tăng mạnh. Ảnh: Hương Giang

Chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định và tăng mạnh. Ảnh: Hương Giang

Trong 6 tháng đầu năm 2025, chăn nuôi lợn và gia cầm tiếp tục phục hồi, dịch bệnh được kiểm soát, giá bán sản phẩm duy trì ở mức có lợi cho người chăn nuôi, thị trường tiêu thụ trong nước ổn định; chính sách hỗ trợ về con giống, thức ăn chăn nuôi và vốn vay ưu đãi đã góp phần khuyến khích người dân tái đàn, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi. Chăn nuôi trâu, bò giảm do hiệu quả kinh tế không cao, diện tích chăn thả bị thu hẹp. Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Dương Tất Thắng cho biết, đến cuối tháng 6-2025, đàn lợn của cả nước tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm tăng 4%, trong khi tổng số trâu giảm 3,4%, đàn bò giảm 0,6%. Đặc biệt, xu hướng chuyển sang chăn nuôi an toàn sinh học, công nghệ cao đang lan rộng, nên dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát.

Tốc độ tăng trưởng (GRDP) ngành Nông nghiệp tăng 3,21%. Ảnh: Hương Giang

Tốc độ tăng trưởng (GRDP) ngành Nông nghiệp tăng 3,21%. Ảnh: Hương Giang

Tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2025, tốc độ tăng trưởng (GRDP) ngành Nông nghiệp tăng 3,21%. Toàn thành phố gieo trồng cây hằng năm vụ xuân được 101.790,7ha, tăng 244,93ha so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi phát triển ổn định với đàn trâu có 28,8 nghìn con; đàn bò 111,3 nghìn con; đàn lợn 1,3 triệu con; đàn gia cầm 36 triệu con. Phát triển thủy sản theo hướng bền vững, năng suất, chất lượng cao gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái. Các vùng nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, an toàn và ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất...

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Hà Nội tập trung phát triển tại các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, đậu, cây ăn quả, hoa và cây cảnh; nâng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ trên các cây trồng chủ lực, nhất là đối với sản xuất rau, đậu, cây ăn quả; khai thác hiệu quả diện tích đất bãi sông, tập trung phát triển cây rau, đậu thực phẩm, cây ăn quả, sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng trang trại gắn với kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Ngoài ra, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, cơ cấu lại đàn vật nuôi, tập trung phát triển con giống chất lượng cao trên cơ sở lưu giữ và bảo tồn các giống bản địa chất lượng cao; rà soát cơ cấu nuôi trồng thủy sản, bảo đảm điều kiện nuôi an toàn dịch bệnh với diện tích nuôi trồng thủy sản 24.700ha, sản lượng đạt 136,5 nghìn tấn.

Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp xanh, du lịch sinh thái. Ảnh: Ánh Ngọc

Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp xanh, du lịch sinh thái. Ảnh: Ánh Ngọc

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, từ nay đến cuối năm 2025, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; bảo đảm nguồn cung phục vụ xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và an ninh lương thực quốc gia. Cùng với đó, Bộ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, thủ tục...

Đặc biệt, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 đạt 65 tỷ USD, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả công tác đàm phán, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, xử lý các vấn đề trong thương mại, đặc biệt là thị trường Mỹ; kịp thời thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp; phối hợp xử lý ưu tiên thông quan đối với hàng nông sản, nhất là nông sản đang vụ thu hoạch, xuất khẩu dạng tươi sống.

Ngành Nông nghiệp và Môi trường siết chặt quản lý mã số vùng trồng. Ảnh: Báo Nông nghiệp và Môi trường

Ngành Nông nghiệp và Môi trường siết chặt quản lý mã số vùng trồng. Ảnh: Báo Nông nghiệp và Môi trường

Bên cạnh đó, Bộ siết chặt quản lý mã số vùng trồng, thực hiện nghiêm quy định về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng hàng nông sản ngay từ khâu thu hoạch…, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch hàng xuất khẩu; đẩy mạnh truyền thông phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường bền vững; khắc phục hiện tượng thông tin không chính xác ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng và các tổ chức sản xuất - kinh doanh, nhất là về an toàn thực phẩm…

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/san-xuat-nong-nghiep-tiep-tuc-la-tru-do-bao-dam-an-ninh-luong-thuc-quoc-gia-708768.html