1,6 triệu nhà giáo sẽ được quan tâm hơn để phục vụ công tác trồng người
Từ 1/1/2026, đội ngũ nhà giáo sẽ có thêm nhiều ưu tiên, đãi ngộ khi Luật Nhà giáo 2025 có hiệu lực. Lương được xếp cao nhất, được bảo vệ uy tín tốt hơn, có thêm nhiều chính sách đào tạo và bồi dưỡng… Đây là những điểm mới trong Luật Nhà giáo 2025 vừa được Văn phòng Chủ tịch nước công bố.
Tại buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 9 sáng 11/7, Văn phòng Chủ tịch nước còn công bố thêm nhiều luật khác với những sửa đổi, bổ sung như: Luật Việc làm; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Hóa chất; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Ngân sách nhà nước.
Nhà giáo sẽ yên tâm công tác
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, hiện nay cả nước đang có khoảng 1,6 triệu nhà giáo. Luật Nhà giáo 2025 (Luật số 73/2025/QH15) có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, mang đến nhiều điểm mới nhằm nâng cao vị thế, đãi ngộ và bảo vệ đội ngũ nhà giáo. Một số điểm nổi bật bao gồm: Ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, bỏ quy định chia hạng giáo viên, chính sách hỗ trợ, thu hút nhân lực chất lượng cao, bảo vệ uy tín, danh dự của nhà giáo và quy định về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.

Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật vừa được Quốc hội thông qua sáng 11/7
“Luật quy định tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, đồng thời có các chính sách hỗ trợ về nhà ở, bảo hiểm y tế, và các phúc lợi khác. Cùng với đó, Luật Nhà giáo 2025 cũng bỏ chia hạng giáo viên. Trước đây, luật chia nhà giáo thành các hạng (I, II, III). Thay vào đó, chức danh nhà giáo sẽ được xác định dựa trên trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và yêu cầu cụ thể của từng cấp học, trình độ đào tạo”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay, luật cũng có các quy định nhằm thu hút, trọng dụng người có trình độ cao, tài năng, và có kỹ năng nghề cao tham gia giảng dạy, đặc biệt ở các vùng khó khăn. Quy định các biện pháp bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, bao gồm bảo vệ danh dự, nhân phẩm và thân thể, đồng thời tạo điều kiện để nhà giáo đổi mới, sáng tạo trong công tác. Với Luật Nhà giáo 2025, đội ngũ nhà giáo cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ nhà ở công vụ hoặc tiền thuê nhà, trợ cấp sức khỏe định kỳ, đào tạo bồi dưỡng nghề nghiệp, và ưu tiên trong tuyển dụng, điều động.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Luật Nhà giáo 2025 kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi tích cực, nâng cao vị thế, đãi ngộ và bảo vệ đội ngũ nhà giáo, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Người lao động được quan tâm giải quyết việc làm
Quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đăng ký lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển kỹ năng nghề, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý nhà nước về việc làm. Đây là những điểm mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật Việc làm 2025 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết, người lao động sẽ được hưởng nhiều lợi ích khi Luật Việc làm 2025 chính thức có hiệu lực.
Đơn cử, Luật Việc làm 2025 sẽ mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Những trường hợp sẽ được tham gia bảo hiểm thất nghiệp được mở rộng gồm: Lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; lao động làm việc theo hợp đồng lao động không trọn thời gian mà có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất; các trường hợp thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện việc làm có trả công và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương nói về những điểm mới của Luật Việc làm 2025.
“Luật Việc làm 2025 cũng quy định giữ nguyên mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Và người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Người lao động khi bị mất việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, hỗ trợ tìm việc làm. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng. Giảm thời gian chờ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 15 ngày làm việc xuống còn 10 ngày làm việc”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết, Luật Việc làm 2025 cũng quy định nhiều chính sách của Nhà nước về việc làm như phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo việc làm cho người lạo động, xác định mục tiêu giải quyết việc làm trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phát triển việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân; bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách, chiến lược về việc làm, về phát triển kỹ năng nghề; người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và cung cấp thông tin thị trường lao động miễn phí qua tổ chức dịch vụ việc làm công; hỗ trợ tạo việc làm, tự tạo việc làm, chuyển đổi việc làm; hỗ trợ phát triển thị trường lao động, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số…