Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để thúc đẩy đầu tư, thương mại
Phiên thảo luận chuyên đề về đầu tư, thương mại Hội nghị Hợp tác hành lang kinh tế Việt – Trung lần thứ X, các đại biểu 2 bên đều khẳng định, dư địa hợp tác giữa các tỉnh, thành còn rất lớn và cùng nhau thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.
Mở rộng liên kết hợp tác đầu tư
Đại diện thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP Nguyễn Ngọc Tú chia sẻ, sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đã đón nhận sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vị trí hàng đầu trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, thủ tục pháp lý ngày càng thông thoáng và những lợi thế riêng có. Hà Nội cũng là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới, trong đó các nhà đầu tư từ Trung Quốc.
Lũy kế từ 1986 đến nay, thu hút vốn FDI của Trung Quốc vào thành phố Hà Nội đạt trên 11,3 tỷ USD, trong đó có: 693 dự án cấp mới còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký mới đạt 415,5 triệu USD; 107 lượt dự án tăng vốn với số vốn đăng ký tăng thêm đạt 135,7 triệu USD; 822 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị góp vốn 10,7 tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ 2 về các quốc gia lớn đầu tư tại thành phố Hà Nội. Trong 10 tháng năm 2023, thành phố Hà Nội thu hút 29,6 triệu USD vốn FDI từ Trung Quốc.
Cùng với cả nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, thành phố Hà Nội đã xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng động doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển và hội nhập của Thủ đô.
Về định hướng phát triển hạ tầng trong hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt – Trung, ông Nguyễn Ngọc Tú cho biết, hành lang kinh tế Côn Minh (Vân Nam) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là tuyến hành lang kết nối vùng Trung du miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh) và là tuyến kết nối ra biển gần nhất của vùng. Hành lang kinh tế này có tác động trực tiếp đến sự phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước, tăng cường hợp tác quốc tế với tỉnh Vân Nam và các tỉnh Tây Nam Trung Quốc, rộng hơn là một trong những cửa ngõ của khu vực ASEAN với Trung Quốc.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm hình đến năm 2050 (theo nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội), định hướng phát triển hành lang kinh tế nêu trên gồm:
Phát triển mạng giao thông đồng bộ bao gồm đường bộ, đường sắt, đảm bảo kết nối giữa đầu mối cửa khẩu Lào Cai và các địa phương trên toàn tuyến với cụm cảng biển số I, trong đó có cảng cửa ngõ Lạch Huyện tại Hải Phòng; ưu tiên xây dựng mới các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương trên tuyến hành lang, khai thác và mở rộng lợi thế, tiềm năng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc (trọng tâm là Vân Nam và các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc); phát triển hợp lý hệ thống đô thị dọc tuyến hành lang làm cơ sở để phân bố dân cư, khai thác tiềm năng phát triển công nghiệp, nông, lâm nghiệp, hình thành các tuyến du lịch kết hợp du lịch nghỉ dưỡng trên núi và du lịch biển. Phát triển hạ tầng số, hình thành trung tâm tạo lập dữ liệu và duy trì kết nối cho toàn vùng.
Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại, bao gồm các trục từ Hà Nội kết nối với các đô thị lớn của vùng, các đường Vành đai 4 và 5 Vùng Thủ đô Hà Nội và các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt vành đai phía Đông thành phố Hà Nội, thúc đẩy liên kết và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực phía Bắc. Hình thành các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ dọc theo các đường Vành đai 4, 5 Vùng Thủ đô Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở công Thương Quảng Ninh Lê Hồng Giang chia sẻ, để phát huy các kết quả đã đạt được, nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Vân Nam trong thời gian tới, mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác, thúc đẩy nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực thương mại, logistics... Trong đó, đại diện tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh đến phát huy hệ thống hạ tầng giao thông của Quảng Ninh được đầu tư đồng bộ, hiện đại; hệ thống cao tốc kết nối từ Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai góp phần thúc đẩy kết nối vận chuyển hàng hóa giữa Quảng Ninh, các tỉnh thành của Việt Nam, các nước ASEAN với Trung Quốc; Sân bay quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu du lịch quốc tế Hạ Long, hệ thống cảng biển Hạ Long, Cẩm Phả và đang triển khai xây dựng cảng Vạn Ninh, Móng Cái cũng như đường sắt cao tốc đã được quy hoạch, đang xúc tiến đầu tư.
"Chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam có nhiều ưu thế, nhất là đối với ngành chế tạo của tập đoàn chúng tôi. Thứ hai là nguồn lao động Việt Nam trẻ, trình độ ngày càng cao" - Cục trưởng, Bí thư Chi bộ Cục Quản lý giám sát tài chính địa phương tỉnh Vân Nam Tả Quảng nhận xét. Nhiều địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc xem Việt Nam là điểm đến quan trọng trong hợp tác đầu tư Sáng kiến Vành Đai Con đường trong khuôn khổ RCEP và Vận tải tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu. Gần đây, hai tập đoàn lớn của Trung Quốc có kế hoạch đầu tư dự án sản xuất pin lithium, lưu trữ năng lượng mới, với số vốn lên đến 1 tỷ USD.
Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới
Đánh giá về hoạt động thương mại, các diễn giả của Trung Quốc mong muốn ngày càng tạo điều kiện để Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc theo hướng cân bằng cán cân thương mại, mở cửa cho nhiều loại nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch. Với các hiệp định tự do thương mại Trung Quốc - ASEAN, Hiệp định RCEP… doanh nghiệp Trung Quốc càng thuận lợi trong đầu tư khai thác thế mạnh thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam, từ đó mở rộng ra Trung Quốc và thế giới.
Theo bà Cố Mẫn - Ủy viên tổ Đảng, Sở Thương mại tỉnh Vân Nam, trong những năm gần đây, Sở Thương mại Vân Nam không ngừng tăng cường trao đổi, hợp tác với các sở, ngành, địa phương liên quan của Việt Nam. Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Vân Nam và Việt Nam lên tới 1,88 tỷ USD. Trong số đó, Vân Nam nhập khẩu 730 triệu USD từ Việt Nam, tăng 74,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Cố Mấn khẳng định, năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 10 năm triển khai và xây dựng sáng kiến “Vành đai, Con đường”, cũng là năm quan trọng triển khai “Bản ghi nhớ giữa tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và Bộ Công Thương Việt Nam về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế” và tăng cường trao đổi và hợp tác giữa Vân Nam và Việt Nam. Với sự nỗ lực chung của các bên, hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên ngày càng phát triển vững chắc, quan hệ hợp tác cùng có lợi ngày càng được củng cố, sự hợp tác trong các lĩnh vực lợi thế của hai bên tiếp tục được mở rộng. Hoa, rau, trái cây ôn đới của Vân Nam có thị trường tiêu thụ rộng rãi ở Việt Nam, trái cây và thủy sản nhiệt đới của Việt Nam rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Trong tháng 8/2023, Việt Nam đã tổ chức cho 45 doanh nghiệp nổi tiếng, chất lượng cao tham gia thành công Hội chợ triển lãm Trung Quốc - Nam Á lần thứ 7 và Hội chợ xuất nhập khẩu Côn Minh Trung Quốc lần thứ 27.
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội cho biết, thực hiện hiệu quả hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước và trong hành làng kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt- Trung, thông qua tổ chức và tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm kết nối, tiêu thụ sản phẩm trái cây, nông sản, sản phẩm mùa vụ, OCOP tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong hành lang kinh tế; tham gia Hội chợ thương mại Việt - Trung, giao thương với các doanh nghiệp Vân Nam (Trung Quốc).
Theo bà Cố Mẫn, thương mại song phương giữa Vân Nam và Việt Nam còn nhiều tiềm năng và dư địa cần khai thác. Hy vọng rằng cả hai bên sẽ khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hơn nữa thương mại song phương.
“Đối với Vân Nam, cần mở rộng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt là nông sản nhiệt đới và hoa quả, cũng mong các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tìm hiểu thị trường Vân Nam, mở rộng nhập khẩu từ Vân Nam. Cùng nhau giải quyết tình hình các điểm thương mại biên giới và hỗ trợ phát triển ngành chế biến cà phê và hàng hóa nhập khẩu thương mại biên giới khác”- bà Cố Mẫn khẳng định.
Bên cạnh đó, thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới. Tăng cường trao đổi chính sách và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới, tận dụng tốt Khu công nghiệp hậu cần thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc-ASEAN (Hà Khẩu); hiện thực hóa hợp tác giữa các nền tảng thương mại điện tử, kho hàng ở nước ngoài và các doanh nghiệp khác và cùng tăng cường đào tạo nhân tài thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ông Tả Quảng - Cục trưởng, Bí thư Chi bộ Cục Quản lý giám sát tài chính địa phương tỉnh Vân Nam cũng đề cập đến tăng cường trao đổi và hợp tác tài chính và thúc đẩy sự thuận tiện về tài chính.
“Việt Nam là một trong những nước quan trọng trong sự mở cửa và hợp tác của tỉnh Vân Nam với thế giới bên ngoài, có tiềm năng hợp tác tài chính rất lớn. Ngành dịch vụ tài chính của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, ngành ngân hàng tiếp tục mở cửa với thế giới bên ngoài và tích cực hút vốn nước ngoài”- ông Tả Quảng nói.
Ông Tả Quảng khuyến nghị, thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế, thương mại và tài chính giữa hai bên, tăng cường nghiên cứu về việc kết nối các chính sách kinh tế, thương mại và tài chính, thúc đẩy hợp tác quản lý tài chính, hợp tác với các tổ chức tài chính, thăm viếng và đào tạo nhân sự lẫn nhau và không ngừng nâng cao trình độ, mức độ hợp tác.
Đại diện các địa phương đều mong muốn tăng cường triển khai, cụ thể hóa các cơ chế hợp tác đối với các lĩnh vực trọng điểm (như đầu tư, thương mại, du lịch, vận tải, logistics) giữa các tỉnh, thành phố trên tuyến hành lang; duy trì tiếp xúc, trao đổi giữa lãnh đạo các địa phương nhằm tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác. Tích cực thúc đẩy thực hiện Hiệp định thương mại biên giới Việt – Trung năm 2016, cùng nhau thiết lập các khu (điểm) chợ biên giới; thúc đẩy mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt – Trung, sớm cụ thể hóa Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021- 2030; cùng nhau xây dựng các cặp “Cửa khẩu kiểu mẫu”.
Các địa phương cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên cập nhật thông tin, cung cấp đầy đủ, công khai kịp thời thông tin về quy hoạch địa điểm đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động đầu tư, thông quan xuất nhập khẩu.