Khai thông điểm nghẽn của Đồng bằng sông Cửu Long thông qua liên kết vùng

Tham dự diễn đàn Mekong Connect 2022, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nhận định, để vùng cực Nam phát huy được hết tiềm năng, vai trò vốn có, cần nhiều hơn các hoạt động liên kết vùng, khai thông điểm nghẽn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Diễn đàn Mekong Connect 2022.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Diễn đàn Mekong Connect 2022.

Diễn đàn Mekong Connect 2022 có chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững” đã khai mạc ngày 24/11 tại TP Cần Thơ. Đây là sáng kiến của các tỉnh, thành trong Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp), TP HCM và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, là “vùng cực Nam – Thành đồng của Tổ quốc”, cửa ngõ phía Tây Nam của đất nước.

Đồng bằng sông Cửu Long giữ vai trò then chốt trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp gần 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản…nhưng hiện nay là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Thời gian qua Nhà nước đã tiếp tục đầu tư một số tuyến cao tốc như Trung lương – Mỹ Thuận; Mỹ Thuận – Cần Thơ; Cần Thơ – Cà Mau; An Giang – Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng; Cầu Đại Ngải, Cầu Mỹ Thuận 2; Cảng cái cui có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn, tạo ra lợi thế cho phát triển vùng.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, mặc dù có nhiều thế mạnh rõ rệt, song vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối diện nhiều thách thức lớn nằm ở cả ba phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông Trần Thanh Mẫn nhận định, nền nông nghiệp của vùng chậm hiện đại hóa, nguồn vốn đầu tư hạn chế, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ.

Tình trạng di cư, sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ vùng lên các đô thị và khu công nghiệp ở vùng TP HCM, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân của cả nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận khoa học công nghệ còn thấp.

Bên cạnh đó, các công trình thủy điện thượng nguồn làm giảm đáng kể lượng phù sa và cát do bị các hồ chứa giữ lại. Hệ quả gây ra sạt lở bờ sông và làm đất bạc màu, nước mặn từ biển xâm lấn làm hơn một nửa diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn.

"Vùng rất cần các hoạt động liên kết, tạo động lực quan trọng tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế, giúp khơi thông những điểm nghẽn. Tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới”.

"Vùng rất cần các hoạt động liên kết, tạo động lực quan trọng tiếp tục hoàn thiện về mặt thể chế, giúp khơi thông những điểm nghẽn. Tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long toàn diện theo hướng sinh thái, bền vững, mang bản sắc sông nước trong bối cảnh mới”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Từ phía đơn vị đăng cai tổ chức diễn đàn, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, đây là dịp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế – xã hội giữa các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp.

Thông qua diễn đàn, các địa phương, doanh nhân, doanh nông, nông dân, nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước gặp gỡ, xây dựng các mối liên kết, thiết lập các mối liên hệ, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, tiềm năng của mình.

“Với mong muốn đẩy mạnh liên kết với các tỉnh miền Tây, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau định hướng phát triển, ‘Liên kết, hợp tác sẽ’ là chìa khóa quan trọng để dẫn đến thành công, phát triển bền vững. Qua đó, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của các bên, cùng đạt được mục tiêu đề ra với hiệu quả cao nhất”, ông Trường nhấn mạnh.

Ba điểm mới của diễn đàn Mekong Connect 2022

Thông tin từ Ban Tổ chức Diễn đàn Mekong Connect 2022, Diễn đàn năm nay có ba điểm mới so với các năm trước.

Thứ nhất, diễn đàn diễn ra khi đã có những nghị quyết, quyết định về phương hướng phát triển mới, quy hoạch tích hợp... Đây là cơ sở, nền tảng để Mekong Connect 2022 có thể dựa trên đó đưa ra những chương trình liên kết, tích hợp bằng các kế hoạch hành động cụ thể, hiệu quả.

Thứ hai, năm nay với sự phát triển khá mạnh của hoạt động khởi nghiệp trong nông nghiệp ở các ngành, lĩnh vực, đoàn thể… trên cả nước, chương trình Mekong Connect 2022 dành liên tiếp hai ngày cho “Ngày hội khởi nghiệp và Phiên chợ khởi nghiệp Xanh”.

Đây là không gian nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp cả nước giao lưu để chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội phát triển, nâng qui mô, phát hiện các cơ hội thị trường, cũng như nâng cao năng lực thị trường.

Thứ ba, thể hiện mối quan tâm lớn tới vấn đề “Phát triển bền vững” mà chuyển đổi số là một yếu tố hết sức quan trọng, để có thể thúc đẩy công cuộc đổi mới nông nghiệp, đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam.

Ba điểm mới trên được triển khai nội dung cụ thể thông qua 4 phiên thảo luận song song, gồm: Phân tích kinh nghiệm thành công của các mô hình thực hành kinh tế tuần hoàn; Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững và đạt chuẩn cho thị trường trong nước và quốc tế”; Chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, một số kinh nghiệm; Khai thác - phát triển kinh tế biên mậu.

"Ngày hội khởi nghiệp – Phiên chợ Xanh”, diễn ra trong 2 ngày 23 – 24/11 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức, với sự tham gia của đội ngũ doanh nghiệp khởi nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp từ Mạng lưới liên kết ABCD Mekong và các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, các chủ thể OCOP từ 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM đã đạt được chứng nhận OCOP từ 3 sao đến 5 sao.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/khai-thong-diem-nghen-cua-dong-bang-song-cuu-long-thong-qua-lien-ket-vung-post14681.html