Khai trương Trung tâm bảo tồn sinh vật và bảo vệ thiên nhiên tại Sở thú Leipzig

Ngày 5/7, Sở thú Leipzig đã khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm bảo tồn sinh vật và bảo vệ thiên nhiên.

Tổng Giám đốc Sở thú Leipzig - Giáo sư Tiến sĩ Jörg Junhold phát biểu khai trương Trung tâm Bảo tồn sinh vật và bảo vệ thiên nhiên của Sở thú Leipzig.

Tổng Giám đốc Sở thú Leipzig - Giáo sư Tiến sĩ Jörg Junhold phát biểu khai trương Trung tâm Bảo tồn sinh vật và bảo vệ thiên nhiên của Sở thú Leipzig.

Đây là một trong những nỗ lực của Đức nhằm giám sát chặt chẽ đa dạng sinh học, vùng sống của các loài động, thực vật, đảm bảo sự tăng trưởng trước nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Sở thú Leipzig với một hệ sinh thái, trang thiết bị đủ để xây dựng mô hình bảo tồn động, thực vật trên thế giới. Ngoài khoảng 850 loài động vật khác nhau, đặc biệt các cơ sở lớn dành cho các loài linh trưởng, Sở thú Leipzig còn nổi tiếng với khu rừng nhiệt đới trong nhà lớn nhất thế giới (Gondwanaland), hiện là nơi sinh sống của khoảng 100 loài động vật và 17.000 loài thực vật nhiệt đới trong điều kiện nhiệt độ từ 24 đến 26 độ C và độ ẩm từ 65 đến 100%.

Ban lãnh đạo Sở thú Leipzig cho biết, với trên 80 công trình bảo tồn động, thực vật, Leipzig đã giúp đào tạo và hợp tác với nhiều nước để bảo tồn các loài động, thực vật trước nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới. Cụ thể, từ năm 1993, Sở thú Leipzig đã có công trình bảo hộ các loài linh trưởng như khỉ, vượn, voọc quý hiếm mà chỉ có ở rừng Cúc Phương và đảo Cát Bà của Việt Nam. Đến nay, một số loài động vật linh trưởng tại Việt Nam đã nâng cao được chất lượng sống và gia tăng cả về số lượng.

Nhắc đến Sở thú Leipzig, không thể không nhắc đến voi châu Á, một loài thú đang bị đe dọa tuyệt chủng. Sở thú Leipzig sẽ mãi ghi nhớ 2 chuyến tàu biển lịch sử năm 1982 và 1984, chở nhiều động vật quý sang tặng Sở thú Thành phố Hồ Chí Minh và đón 4 con voi chưa tròn 2 tuổi, món quà của Việt Nam tặng các bạn bè Đức, về sở thú Leipzig.

Đến nay, voi Mekong, một trong 4 con voi trên, đã là cha của Voi Nam và 6 con voi trưởng thành khác. Voi Nam được yêu mến nhất hiện tự hào là cha đẻ của 3 bé voi đáng yêu gồm: Akito, Bảo Ngọc và Zaya. Voi con thứ tư của Voi Nam cũng sắp ra đời trong vài tuần tới. Với kết quả này, Sở thú Leipzig có thể tự hào về thành công rực rỡ này trong việc bảo tồn và phát triển voi châu Á, một loại thú quý đang có nguy cơ bị tiệt chủng.

Ngoài việc bảo tồn các loài động, thực vật, việc xây dựng trung tâm bảo tồn sinh vật còn giúp người dân nâng cao nhận thức, làm quen với các loài sinh vật cũng như sự đa dạng và vẻ đẹp của chúng, nhằm giúp hiểu biết thêm về lợi ích của việc bảo vệ hệ sinh thái.

Đại sứ Vũ Quang Minh (đầu tiên bên trái) trao quà và chứng nhận các khoản quyên góp trị giá 7.500 euro của Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Leipzig cho Sở thú Leipzig để thực hiện công tác bảo tồn sinh vật và bảo vệ thiên nhiên.

Đại sứ Vũ Quang Minh (đầu tiên bên trái) trao quà và chứng nhận các khoản quyên góp trị giá 7.500 euro của Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Leipzig cho Sở thú Leipzig để thực hiện công tác bảo tồn sinh vật và bảo vệ thiên nhiên.

Phát biểu tại buổi lễ khai trương, Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh cảm ơn lãnh đạo Sở thú Leipzig đã mời tới dự lễ khánh thành Trung tâm Bảo tồn sinh vật và Bảo vệ thiên nhiên của Sở thú Leipzig. Đại sứ nhấn mạnh đây là cơ hội để tri ân sự hỗ trợ cũng như kết quả đạt được trong nỗ lực bảo vệ sinh vật ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua, đặc biệt bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự giúp đỡ hết lòng của ơn ban lãnh đạo Thành phố Leipzig;

Hội đồng Quản trị và Ban Giám đốc Sở thú Leipzig; đặc biệt ông Michael Meyerhof cán bộ Ban bảo tồn sinh vật, ông Jörg Adler, cựu Trưởng Ban quản lý thú vật của Sở thú Leipzig, sau này là cựu Giám đốc Sở thú Münster, đã nhiều năm ấp ủ và đề xuất sáng kiến thành lập Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp tại Cúc Phương và Cát Bà, cũng như sự hỗ trợ về tài chính của các bạn yêu quý thú vật tại CHLB Đức nói chung và Leipzig nói riêng để thúc đẩy sự phát triển rất hiệu quả của 2 dự án này.

Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của bạn bè Đức, 30 năm qua, kể từ khi Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp được thành lập tại Rừng quốc gia Cúc Phương và sau đó ở đảo Cát Bà, các nhân viên chăm sóc động vật của Đức, bằng tất cả nhiệt huyết đã mở lớp huấn luyện nhân viên chăm sóc thú tại Việt Nam. Dù lúc đầu do ngôn ngữ bất đồng, có nhiều khó khăn, nhưng những người bạn Đức và Việt Nam đã không quản khó khăn, làm việc ngày đêm bên nhau, chăm sóc khỏe mạnh những con khỉ, vượn, voọc bị bắt trộm, săn bắn... và nuôi con chúng khôn lớn, tạo cho chúng có cuộc sống mới bình yên trước khi thả chúng về với thiên nhiên.

Đến nay, một số loài quý hiếm như voọc mông trắng, voọc Hà Tĩnh, voọc đen tuyền, voọc Cát Bà, voọc Má trắng, voọc đầu vàng và voọc Chà vá chân xám, chân đỏ, voọc Cù Lan và nhiều loài khác vượt qua nguy cơ bị tiệt chủng và dần sinh trưởng. Bên cạnh đó, các trại cứu hộ rùa, thú có vẩy, gấu và thú dữ nhỏ đã được thành lập.

Theo Đại sứ Vũ Quang Minh, trong những năm qua, Việt Nam cũng dần dần nhận thấy, nếu để mất đi mãi mãi những loài thú quý như khỉ, vượn, thì sẽ mất đi một phần quý báu của đất nước. Vì vậy, không chỉ nâng cao nhận thức, mà các biện pháp giáo dục còn được mở rộng đến các cấp học sinh nhằm gia tăng mối quan hệ gắn bó cũng như sự tôn trọng thú vật. Đội ngũ bảo vệ rừng được tăng cường. Pháp luật được thực thi và những kẻ săn bắn thú bất hợp pháp bị xét xử nghiêm minh.

Nhân dịp này, Đại sứ Vũ Quang Minh cùng ông Bùi Quang Huy, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Leipzig trân trọng gửi bà Tiến sĩ Jennicke, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sở thú Leipzig bản tóm tắt một số bằng chứng nhận các khoản quyên góp của Đại sứ quán, cộng đồng người Việt Nam tại Leipzig và những người Việt Nam yêu thích thú vật ở Leipzig số tiền trị giá 7.500 euro, tặng Sở thú Leipzig để thực hiện công tác bảo tồn sinh vật và bảo vệ thiên nhiên.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, chị Elke Schwierz, Trưởng nhóm chăm sóc thú tại Rừng Quốc gia Cúc Phương, đại diện cho một số nhân viên Sở thú Leipzig đang hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo tồn động, thực vật, cho biết vài năm trước Voọc Cát Bà chỉ còn lại khoảng 40 con, nay chúng đã được sống khá yên ổn, phát triển thành một đàn trên 70 con và ngày càng tăng cao số lượng. Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương năm ngoái đã giải cứu 15 con Cù Lan bị kẻ gian bắt trộm và chăm sóc chúng khỏe mạnh trước khi thả về rừng xanh.

Không chỉ đào tạo, truyền dạy kinh nghiệm bảo tồn thú vật và trồng rừng tại Cúc Phương, gắn bó với Việt Nam hơn 20 năm qua, chị Elke cho rằng việc bảo tồn ở Việt Nam rất quan trọng, vì còn rất nhiều loài voọc, vượn có nguy cơ tuyệt chủng. Theo chị, nếu Việt Nam không có biện pháp bảo vệ các loài linh trưởng, thì chỉ vài năm nữa những loài này sẽ biến mất. Cụ thể, hiện nay chỉ còn khoảng 70 con voọc Cát Bà ở Vịnh Hạ Long, nếu không bảo vệ, voọc Cát Bà sẽ không còn nữa.

Tin, ảnh: Phương Hoa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/khai-truong-trung-tam-bao-ton-sinh-vat-va-bao-ve-thien-nhien-tai-so-thu-leipzig-20230706203850207.htm