Khấm khá nhờ trồng ổi lê

Len lỏi giữa vườn ổi trĩu quả ở thôn A Xây, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa chúng tôi gặp ông Hoàng Văn Thược đang thoăn thoắt hái trái để kịp giao cho bạn hàng. Vườn cây ăn quả (gồm ổi và bưởi da xanh) rộng hơn 2ha đang cho gia đình ông Thược thu nhập đều đặn với mức cao, thành quả của cả một quá trình nỗ lực gây dựng.

Ông Thược cho biết, gia đình trồng hơn 1.200 gốc ổi lê. Trong đó, 700 gốc được trồng cách đây 5 năm, đang cho thu hoạch rộ; còn 500 gốc mới trồng được 2 năm, đang cho trái bói. Trái ổi khi vừa to bằng đầu ngón tay đã được bao bọc một lớp ni lông, tiếp đến là lớp bao xốp. Ông không dùng các chất hóa học nên người dùng hoàn toàn yên tâm. Thưởng thức những quả ổi tươi vừa hái xuống, chúng tôi cảm nhận được vị ngọt thanh, độ giòn của loại ổi này.

Chính nhờ ông Thược chịu khó chăm sóc, bao bọc từng trái ổi nên sản phẩm cho ra chất lượng tốt, được người dùng yêu thích. “Cứ 3 - 5 ngày, gia đình thu hoạch được 3 - 5 tạ quả. Các thương lái, nhà hàng, quán ăn, khách quen gọi đặt hàng quanh năm. Mỗi tháng bình quân 2,5 tấn ổi, với giá bán 10.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, hơn 1ha ổi cho gia đình tôi thu nhập đều đặn hơn 10 triệu đồng/tháng. Trồng ổi có kỹ thuật khá đơn giản, chi phí đầu tư ít, nhưng cây ổi cần nước tưới chủ động, thường xuyên. Ngoài ra, nông dân phải bỏ nhiều công để chăm sóc, bọc quả” - ông nói. Theo ông Thược, cây ổi phù hợp với các hộ nông dân có quy mô kinh tế vừa phải, cho thu nhập đều đặn quanh năm.

Ông Hoàng Văn Thược thu hoạch ổi.

Ông Hoàng Văn Thược thu hoạch ổi.

Ngoài ra, gia đình ông Thược còn sở hữu 700 gốc bưởi da xanh đang bước vào kỳ thu hoạch, cho lãi ròng khoảng 7 triệu đồng/tháng. Chỉ riêng bưởi và ổi đã mang lại cho hộ nông dân giỏi này xấp xỉ 20 triệu đồng/tháng. Ông còn nuôi hàng chục con heo đen và mới xuống giống thử nghiệm 100 gốc táo. Toàn bộ khu vườn được ông đầu tư hệ thống ống tưới nhỏ giọt và tưới tràn bài bản, đảm bảo chăm sóc tốt nhất cho cây trồng.

Ông Thược kể, trước đây, khu vườn này gia đình ông trồng điều, rồi bắp và mì; từ năm 2013, ông chuyển sang trồng bưởi. Khi cây bưởi sắp sửa cho thu hoạch thì cơn bão số 12 năm 2017 đã cuốn đi gần như tất cả. Gia đình ông đã phải nỗ lực rất nhiều, cùng sự hỗ trợ từ Nhà nước để từng bước gây dựng lại từ đầu. Với hình thức lấy ngắn nuôi dài, từ ít đến nhiều, đến nay, gia đình ông đã vững vàng với mô hình kinh tế của mình, khấm khá về kinh tế, con cái được học hành đàng hoàng.

Theo ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, cùng với cây bưởi da xanh, những năm qua, đời sống sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có những bước phát triển mạnh mẽ, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nhất là các loại cây ăn quả, có không ít mô hình đã phát huy hiệu quả, trong đó có mô hình trồng ổi lê của hộ ông Hoàng Văn Thược. Thực hiện chỉ đạo của huyện, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân đầu tư nâng cao hiệu quả những diện tích cây ăn quả hiện có, đảm bảo thu nhập bền vững; khuyến khích các hộ dân tham gia các dự án liên kết chuỗi, dự án sinh kế cộng đồng, các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn huyện để thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế và phù hợp với khả năng canh tác, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202308/kham-kha-nho-trong-oi-le-45e5503/