Khám phá 10 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới

Trên thế giới, các hồ nước ngọt tự nhiên không chỉ đóng vai trò điều hòa khí hậu, lưu trữ nước và hỗ trợ đa dạng sinh học mà còn mang đậm giá trị văn hóa – lịch sử đối với từng quốc gia. Dưới đây là danh sách 10 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, tính theo diện tích mặt nước.

Hồ Superior. Ảnh: Canva

Hồ Superior. Ảnh: Canva

Theo trang geeksforgeeks.org, hồ Superior có diện tích 82.103 km², là hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, tính theo diện tích mặt nước. Về thể tích, hồ xếp thứ ba toàn cầu, chứa khoảng 10% lượng nước ngọt trên bề mặt Trái Đất. Hồ dài 560 km, rộng tối đa 260 km, sâu trung bình 147 m và sâu nhất đạt 406 m.

Nằm ở cực tây bắc chuỗi Ngũ Đại Hồ (Great Lakes), Superior giáp tỉnh Ontario (Canada) và các bang Wisconsin, Minnesota, Michigan (Mỹ). Hơn 200 con sông đổ vào hồ, trong khi nước hồ chảy ra hồ Huron qua sông St. Mary.

Hồ Victoria. Ảnh: Canva

Hồ Victoria. Ảnh: Canva

Xếp thứ hai là hồ Victoria với diện tích 59.947 km², trải dài qua ba quốc gia Đông Phi: Tanzania (49%), Uganda (45%) và Kenya (6%). Hồ có hình dạng bất quy tắc, dài 359 km, rộng tối đa 337 km, độ sâu trung bình 41 m và sâu nhất 81 m. Đây là nguồn nước chính của sông Nile và có nhiều đảo lớn như Rusinga, Ukerewe, Maboko...

Một góc hồ Huron. Ảnh: Canva

Một góc hồ Huron. Ảnh: Canva

Hồ Huron rộng 59.588 km², là hồ lớn thứ ba thế giới và lớn thứ hai ở Bắc Mỹ, giáp bang Michigan (Mỹ) và tỉnh Ontario (Canada). Hồ dài 332 km, rộng tối đa 295 km, sâu trung bình 59 m và sâu nhất 229 m. Đặc biệt, trong lòng hồ có đảo Manitoulin – rộng 2.766 km² – là đảo nước ngọt lớn nhất thế giới, lớn gần gấp 4 lần đảo quốc Singapore.

Hồ Michigan. Ảnh: Canva

Hồ Michigan. Ảnh: Canva

Hồ Michigan xếp thứ tư với diện tích 58.030 km², hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Mỹ, giáp các bang Michigan, Wisconsin, Illinois và Indiana. Hồ dài 494 km, rộng tối đa 190 km, sâu trung bình 85 m, sâu nhất 281 m. Eo biển Mackinac nối hồ Michigan với hồ Huron, tạo thành hệ thống giao thông thủy nội địa quan trọng.

Hồ Tanganyika. Ảnh: Canva

Hồ Tanganyika. Ảnh: Canva

Hồ Tanganyika đứng thứ năm với diện tích 32.900 km². Đây là hồ dài nhất thế giới (673 km), giáp các nước Tanzania, Cộng hòa Dân chủ Congo, Zambia và Burundi. Hồ rộng tối đa 72 km, độ sâu trung bình lên tới 570 m và sâu nhất đạt 1.470 m – một trong những hồ sâu nhất hành tinh.

Các sông như Ruzizi, Malagarasi, Kalambo đổ vào hồ, trong khi nước hồ thoát ra qua sông Lukuga, chảy vào hệ thống sông Congo và đổ ra Đại Tây Dương. Một số đảo lớn trong hồ bao gồm Kavala, Mamba-Kayenda, Milima, Kumbula...

Hồ Baikal đóng băng vào mùa đông. Ảnh: Canva

Hồ Baikal đóng băng vào mùa đông. Ảnh: Canva

Hồ Baikal nằm ở miền nam Siberia (Nga), rộng 31.722 km² và là hồ nước ngọt sâu nhất thế giới, đồng thời giữ lượng nước ngọt lớn nhất tính theo thể tích (chiếm 23% tổng lượng nước ngọt bề mặt trên toàn cầu).

Hồ dài 636 km, rộng tối đa 79 km, độ sâu trung bình 744 m và sâu nhất 1.642 m. Các sông Sarma, Selenga, Turka, Barguzin… đổ vào hồ và nước hồ thoát ra qua sông Angara. Năm 1996, Baikal được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Hồ Great Bear. Ảnh: Canva

Hồ Great Bear. Ảnh: Canva

Xếp thứ bảy là hồ Great Bear (Canada) với diện tích 31.153 km², nằm gần vòng Bắc Cực. Hồ có độ sâu trung bình 71,7 m, sâu nhất 446 m, chu vi khoảng 1.719 km. Các sông Haldane, Whitefish, Bloody, Big Spruce... đổ vào hồ, sau đó nước chảy ra qua sông Great Bear và tiếp tục vào sông Mackenzie.

Hồ Malawi. Ảnh: Canva

Hồ Malawi. Ảnh: Canva

Hồ Malawi, còn được gọi là Lago Niassa (Mozambique) hoặc Nyasa (Tanzania), rộng 29.600 km², xếp thứ tám thế giới và thứ ba ở châu Phi. Hồ dài 580 km, rộng tối đa 75 km, độ sâu trung bình 292 m và sâu nhất đạt 706 m. Một số sông nhỏ chảy vào hồ, trong đó sông Ruhuhu là lớn nhất. Nước hồ chảy ra qua sông Shire và tiếp tục vào sông Zambezi.

Hồ Great Slave. Ảnh: Canva

Hồ Great Slave. Ảnh: Canva

Hồ Great Slave (Canada) đứng thứ chín với diện tích 27.200 km². Hồ dài 469 km, rộng tối đa 203 km, sâu trung bình 41 m, sâu nhất 614 m. Các sông lớn như Slave, Hay, Lockhart, Taltson và Yellowknife đổ vào hồ; sau đó nước chảy ra sông Mackenzie.

Hồ Erie. Ảnh: Canva

Hồ Erie. Ảnh: Canva

Cuối cùng là hồ Erie, rộng 25.667 km², là hồ lớn thứ mười thế giới và đứng thứ tư trong hệ Ngũ Đại Hồ. Đây là hồ nằm ở vị trí cực nam trong hệ thống, giáp tỉnh Ontario (Canada) và các bang Michigan, Ohio, Pennsylvania, New York (Mỹ).

Hồ dài 388 km, rộng tối đa 92 km, sâu trung bình 19 m và sâu nhất 64 m. Các sông Detroit, Grand, Huron, Buffalo… đổ vào hồ, nước sau đó chảy ra sông Niagara.

Chuyện về hồ Lắk và hồ Ba Bể của Việt Nam

Cuối năm 2024, dư luận xôn xao trước thông tin Viện Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục “Hồ Lắk – hồ nước ngọt tự nhiên trên Tây Nguyên có diện tích lớn nhất Việt Nam”, với diện tích hơn 5 km² và nằm ở độ cao gần 417 m so với mực nước biển. Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến phản đối, chỉ vài ngày sau, chứng nhận được thu hồi để điều chỉnh lại nội dung cho phù hợp.

Hoàng hôn trên hồ Lắk. Ảnh: Huy Đằng

Hoàng hôn trên hồ Lắk. Ảnh: Huy Đằng

Qua tìm hiểu, được biết văn bản của tỉnh Đắk Lắk chỉ đề nghị công nhận “Hồ Lắk, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, là hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích lớn nhất khu vực Tây Nguyên – Việt Nam”.

Thực tế, hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam hiện nay (không tính các hồ thủy điện) là hồ Ba Bể, thuộc tỉnh Bắc Kạn, với diện tích mặt nước khoảng 6,5 km². Còn nếu tính cả các hồ thủy điện, thì hồ Trị An (Đồng Nai) mới là hồ lớn nhất Việt Nam, với diện tích khoảng 323 km².

Nguyễn Văn Mỹ

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/kham-pha-10-ho-nuoc-ngot-lon-nhat-the-gioi/