Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ kiệt tác 1500 năm tuổi trước nguy cơ động đất
Hagia Sophia, công trình kiến trúc 1.500 năm tuổi giữa lòng Istanbul, đang được trùng tu quy mô lớn nhằm chống lại nguy cơ sụp đổ do động đất, đồng thời bảo tồn giá trị di sản toàn cầu.

Đây là một trong những công trình trùng tu vĩ đại nhất hiện tại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Alvaro German Vilela/Alamy
Sứ mệnh bảo tồn di sản
Dưới những mái vòm đá uy nghi, giữa các bức tranh tường cổ và đèn hoa văn tinh xảo của Hagia Sophia, kiến trúc sư Hasan Fırat Diker suy ngẫm về sứ mệnh của mình: bảo vệ một công trình vừa thiêng liêng vừa mong manh – thánh đường Hồi giáo lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là một trong những di tích gây tranh cãi nhất thế giới.
Hiện ông đang giám sát chiến dịch phục hồi quy mô lớn nhất trong lịch sử gần 1.500 năm của Hagia Sophia, trong đó có việc gia cố mái vòm trung tâm để chống lại nguy cơ động đất.
“Chúng tôi không chỉ chịu trách nhiệm với công trình này mà còn với cả công chúng toàn cầu,” Diker chia sẻ với Guardian khi đứng giữa hàng trăm du khách đang ngước nhìn lên mái vòm khảm vàng tráng lệ.
Những yếu điểm trong thiết kế, bao gồm các điểm nối yếu giữa mái vòm chính và các bán mái vòm, đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng trong bối cảnh nguy cơ động đất gia tăng.
Hagia Sophia được xây dựng từ năm 537 dưới thời Đế quốc Byzantine, từng là nhà thờ lớn nhất thế giới trong gần một thiên niên kỷ. Sau cuộc chinh phạt Constantinople năm 1453, công trình được chuyển đổi thành nhà thờ Hồi giáo.
Từ năm 1935, Hagia Sophia được chuyển đổi thành bảo tàng theo quyết định của chính quyền Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vào năm 2020, một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã phán quyết khôi phục chức năng nhà thờ Hồi giáo cho công trình này, động thái này gây tranh cãi mạnh mẽ.
UNESCO lên tiếng chỉ trích, gọi Hagia Sophia là “kiệt tác kiến trúc” và cảnh báo rằng quyết định này làm suy giảm “bản chất phổ quát của di sản”.

Tòa nhà được hoàn thành lần đầu tiên vào năm 537 sau Công nguyên dưới thời đế chế Byzantine. Ảnh: dbimages/Alamy
Tuy nhiên, điều khiến giới chuyên môn lo lắng hiện nay không chỉ là vấn đề văn hóa – tôn giáo, mà là cấu trúc vật lý mong manh của công trình. Hagia Sophia đã nhiều lần bị tổn hại do động đất trong lịch sử, đặc biệt mái vòm từng sụp đổ vào năm 558.
Nằm trên hai đường đứt gãy lớn, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia dễ bị động đất nhất thế giới. Khi kết hợp với hệ thống hạ tầng xuống cấp và nạn tham nhũng trong xây dựng, hậu quả thường trở nên thảm khốc.
Đầu năm 2023, hai trận động đất mạnh tại phía đông nam nước này đã cướp đi sinh mạng của hơn 53.000 người và gây ra mức tàn phá trên diện rộng tương đương diện tích nước Đức.
Chỉ một tháng trước, một trận động đất mạnh 6,2 độ ngoài khơi Istanbul đã làm rung chuyển thành phố. Diker lập tức rời văn phòng để kiểm tra trực tiếp Hagia Sophia.
“Trong kịch bản xấu nhất, một cơn địa chấn có thể khiến toàn bộ mái vòm rung lắc dữ dội. Những điểm yếu trong kết cấu có thể trở thành nguyên nhân dẫn tới thảm họa,” ông cảnh báo.

Bên trong tòa nhà. Ảnh: AP
Tái tạo quá khứ – gìn giữ di sản cho mai sau
Trước bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã phê duyệt một dự án trùng tu quy mô lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua đối với Hagia Sophia.
Dưới sự giám sát của Diker, nhóm kiến trúc sư, kỹ sư và chuyên gia bảo tồn sẽ tháo bỏ lớp chì bao phủ mái vòm trung tâm – vốn tích tụ từ nhiều thế kỷ – để đánh giá các điểm yếu và tiến hành gia cố kết cấu.
Ngoài việc kiểm tra các trụ chính và nền móng dưới lòng đất, nhóm nghiên cứu còn tìm cách tiếp cận các lớp vật liệu và tranh khảm bị che phủ qua nhiều giai đoạn lịch sử. “Chúng tôi hy vọng sẽ phát hiện thêm tranh tường từ thời Ottoman hoặc Byzantine bị ẩn dưới lớp vàng hiện tại,” Diker cho biết.
Việc trùng tu cũng gặp nhiều thách thức về kỹ thuật. Mái vòm chính ngày nay không còn giữ nguyên hình cầu lý tưởng do hàng loạt lần sửa chữa chắp vá từ thế kỷ VI đến nay. Ba giai đoạn trùng tu lớn đã tạo ra những điểm kết cấu bất đối xứng, tiềm ẩn nguy cơ nứt vỡ khi chịu rung lắc mạnh.
Để bảo vệ công trình trong quá trình trùng tu, hệ thống giàn giáo sẽ được dựng bên trong mái vòm, đồng thời một lớp phủ bảo vệ chuyên biệt sẽ che chắn khỏi mưa và nhiệt độ cao. Dù vậy, mục tiêu của đội ngũ là vẫn đảm bảo trải nghiệm tham quan cho hàng nghìn du khách mỗi ngày.
“Chúng tôi cố gắng để mọi người có thể tiếp cận và chiêm ngưỡng công trình nhiều nhất có thể, ngay cả khi công tác trùng tu đang diễn ra,” Diker nói.
Tổ chức UNESCO, trong tuyên bố gần đây, đã nhấn mạnh tầm quan trọng toàn cầu của Hagia Sophia và kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ duy trì tính “phổ quát” của di sản này.
Việc phục hồi không chỉ mang ý nghĩa kiến trúc – kỹ thuật, mà còn là lời khẳng định với thế giới rằng Hagia Sophia, biểu tượng của sự giao thoa Đông – Tây, Thiên Chúa giáo – Hồi giáo – sẽ tiếp tục đứng vững giữa những biến động lịch sử và tự nhiên.