Khám phá
Trại rắn Đồng Tâm ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nổi tiếng là 'vương quốc rắn' thu nhỏ ở miền Tây. Nơi đây không chỉ là một bảo tàng rắn phong phú, mà còn là một khu du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước.
Trại rắn Đồng Tâm ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nổi tiếng là “vương quốc rắn” thu nhỏ ở miền Tây. Nơi đây không chỉ là một bảo tàng rắn phong phú, mà còn là một khu du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước.
Trại rắn Đồng Tâm, hay có tên gọi khác là Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu, Cục Hậu cần Quân khu 9, đang nuôi bảo tồn hàng nghìn con rắn thuộc hơn 50 loài khác nhau, trong đó có nhiều loài cực độc, đang có nguy cơ tuyệt chủng, cùng một số loài động vật quý hiếm khác.
Khi đến tham quan, du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp trước những chuồng nuôi rắn có nắp đậy bằng lưới sắt bảo vệ, được khóa cẩn thận cùng số thứ tự với tên chú thích rõ ràng từng loại rắn. Những con rắn hổ chúa, hổ mang, cạp nong… với nhiều kích thước cùng lớp da nổi mốc màu nâu hoặc ngà như cho thấy độ tuổi lâu năm của chúng, nằm bất động hoặc cuộn tròn ở các hốc đá sau khi được ăn no.
Ngoài hổ mang chúa, du khách còn bắt gặp hổ mèo, hổ lãi, hổ ngựa, hổ hành, hổ hèo, hổ mang (hổ đất), hổ lửa (hổ hồng), hổ lác (rắn lác)... Về rắn lục có lục dây cương, lục cườm, lục dồ, lục mỏ dọ...
Nếu như các loại rắn độc được nuôi trong chuồng có lưới sắt, thì những loại rắn không độc như rắn nước, rắn ráo, rắn lục xanh, rắn lục kim, rắn hổ ngựa… được nuôi ở môi trường tự nhiên hoặc bán tự nhiên.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Viên, nhân viên Trại rắn Đồng Tâm cho biết, tại đây có khu nuôi bảo tồn trên 1.000 con rắn các loại, khai thác nguồn gen 2 loại rắn hổ mang đất và hổ mang chúa quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ nuôi bảo tồn, các nhân viên phụ trách chăm sóc rắn đều nghiên cứu, tìm hiểu rất rõ đặc tính từng loài rắn để từ đó có cách chăm sóc cho thích hợp. Các nhân viên ở đây không chỉ đơn thuần chăm sóc như cho ăn, tắm, mà còn phải theo dõi khi rắn có triệu chứng bị bệnh để có cách điều trị.
Bên cạnh công tác nuôi bảo tồn được nguyên vẹn các tố chất của rắn độc, Trại rắn Đồng Tâm đã nghiên cứu sinh lý, sinh thái, làm chủ được quy trình nuôi rắn độc phối giống, đẻ trứng, ấp nở rắn con và nuôi chúng lớn lên. Thành công của Trại rắn Đồng Tâm là đã cho rắn hổ mang chúa giao phối, sinh sản thành công, giúp mở rộng đàn rắn cực độc, quý hiếm này.
Ngoài khu vực nuôi bảo tồn, Trại rắn Đồng Tâm còn có khoa Cấp cứu điều trị rắn độc cắn, thành lập vào năm 1979, từ ý tưởng của cố Bác sĩ, Trung tá Trần Văn Dược (thầy Tư Dược). Các thầy thuốc quân y ở Trại rắn Đồng Tâm đã dùng huyết thanh nọc rắn cứu sống hàng chục nghìn người bị rắn cắn, trung bình khoảng 1.500 ca/năm.
Thượng tá, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Điều trị rắn cắn của Trại rắn Đồng Tâm cho biết, ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, rắn thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, nên hàng năm, Khoa Điều trị rắn cắn của Trại rắn Đồng Tâm tiếp nhận và điều trị khoảng 600 - 700 ca; trong năm 2024 có 996 ca bị rắn cắn (70% là rắn độc cắn) được cấp cứu, điều trị tại đây.
Nhờ được đưa đến cơ sở kịp thời và được điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn, hầu hết các trường hợp bị rắn cắn đều được cứu sống và sớm phục hồi sức khỏe, không có trường hợp tử vong. Hiện nay, Khoa Cấp cứu điều trị rắn độc cắn của Trại rắn Đồng Tâm có 20 giường với đội ngũ y, bác sĩ dày dạn kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại.
Trại rắn Đồng Tâm không chỉ là nơi nghiên cứu khoa học, cấp cứu và điều trị, sản xuất thuốc y học cổ truyền, cấp cứu và điều trị rắn cắn, mà còn thu hút khách du lịch bởi sự độc đáo của "vương quốc rắn" thu nhỏ.
Từ năm 2022, Trại rắn Đồng Tâm tổ chức hoạt động trình diễn lấy nọc rắn vào 10 giờ thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần. Hoạt động này đã thu hút đông đảo du khách đến xem vào cuối tuần hoặc ngày lễ. Qua thao tác lấy nọc của rắn hổ mang đất, rắn lục đuôi đỏ, cạp nong..., nhân viên Trại rắn sẽ phổ biến kiến thức về các loài rắn độc để phòng tránh, cấp cứu đúng cách.
Thiếu tá Mai Thúy Hiền, Phó Bộ phận Du lịch của Trại rắn Đồng Tâm cho biết, khi đến đây tham quan, du khách trước tiên sẽ được hướng dẫn, giới thiệu, tham quan các loại rắn, các loại thú mà mình nuôi bảo tồn ở đây, để tìm hiểu đời sống sinh lý, sinh thái cũng như tập tính của các loài rắn. Ngoài ra, du khách còn được xem biểu diễn lấy nọc rắn, chụp hình tương tác với những "thú cưng đặc biệt" là những con rắn không có độc. Ngoài ra còn có những chương trình dành cho từng đối tượng thanh, thiếu niên như câu cá sấu và câu cá giải trí… Thông thường, du khách đến đông nhất vào những dịp lễ, Tết và dịp cuối tuần.
Em Nguyễn Thành Công, học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Lưu Tấn Phát ở thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, chia sẻ: "Qua xem phim tư liệu, tham quan mô hình nuôi rắn có thuyết minh cùng thao tác lấy nọc rắn của các cô, chú nhân viên trại rắn, em cùng các bạn nhận biết được nhiều loài rắn có độc, rắn không độc để biết cách phòng tránh. Chuyến tham quan Trại rắn Đồng Tâm rất là bổ ích với học sinh chúng em".
Phát huy thế mạnh sẵn có, Trại rắn Đồng Tâm nghiên cứu thiết kế xây dựng vườn thuốc nam, cây cảnh, nhà nuôi thú, vườn chim theo lối vườn bách thú, bách thảo hài hòa với các khu nuôi trăn, rắn, thú nguy hiểm (gấu, beo), khu nuôi hươu, nai, ngựa, đà điểu, chim kiểng, khu vực tham quan, sản xuất, bán hàng lưu niệm.
Đặc biệt, trong khuôn viên có bảo tàng rắn xây dựng năm 1996 trưng bày gần 100 loài rắn quý hiếm, lưu giữ tiêu bản của hầu hết các loại rắn hiện có ở Việt Nam. Tháng 8/2005, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận đây là bảo tàng rắn đầu tiên, là nơi lưu giữ nhiều loài rắn nhất Việt Nam, với hơn 40 loài rắn đặc trưng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đến với Trại rắn Đồng Tâm, ngoài việc tham quan rắn và các loại thú quí hiếm, đây còn là dịp để du khách tìm hiểu thêm về cây, con thuốc là nguồn dược liệu vô cùng quí giá đang được lưu trữ và nhân giống để phục vụ nghiên cứu khoa học và chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân. Với những lợi thế của mình, hàng năm, trại rắn đã đón nhận hàng nghìn học sinh, sinh viên các trường ở các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh…, đến tham quan học tập, nghiên cứu khoa học.
Điểm du lịch sinh thái Trại rắn Đồng Tâm được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công nhận là điểm du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao năm 2022. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đang làm thủ tục đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ công nhận Điểm du lịch Trại rắn Đồng Tâm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao.
Thượng tá Nguyễn Hồng Phúc, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu (Trại rắn Đồng Tâm), Cục Hậu cần Quân khu 9, cho biết: "Trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban Giám đốc định hướng Trại rắn Đồng Tâm trở thành một trong những "Điểm đến du lịch chất lượng cao, đem đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo, phát triển theo hướng bền vững…" theo xu hướng phát triển của Du lịch ASEAN đến 2025. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiếp tục mở rộng thị trường thông qua chương trình kích cầu du lịch, hợp tác với các công ty lữ hành trong và ngoài nước, bằng những chính sách ưu đãi nhất có thể; đồng thời, tập trung phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo hướng du lịch - giáo dục - học đường và du lịch - chăm sóc sức khỏe.
Bài: Hữu Chí
Ảnh: Hữu Chí - TTXVN phát
Video: Hữu Chí
Biên tập: Kỳ Thư
Trình bày: Nguyễn Hà
19/01/2025 06:10