Khám phá con đường hợp tác hiệu quả

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang trong chuyến công du kéo dài 4 ngày tới 3 nước Trung Đông là Ảrập Xêút, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Qatar nhằm thúc đẩy quan hệ, tăng cường hợp tác với các quốc gia sản xuất dầu mỏ quan trọng, đồng thời bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng lẫn nguyên liệu ổn định cho các ngành công nghiệp và nền kinh tế đất nước mặt trời mọc trong tương lai.

Bảo đảm nguồn năng lượng ổn định

Thị trường năng lượng toàn cầu gần đây bị cản trở bởi nhiều bất ổn, phần lớn là do chiến sự ở Ukraine và một số yếu tố địa chính trị khác. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm nguồn năng lượng, Nhật Bản đặt mục tiêu tăng cường quan hệ với các quốc gia sản xuất dầu mỏ chủ chốt ở khu vực dồi dào năng lượng Trung Đông. Chuyến thăm của Thủ tướng Fumio có sứ mệnh thúc đẩy các mối quan hệ bền chặt hơn, đồng thời khám phá con đường hợp tác hiệu quả. Ba quốc gia Trung Đông chiếm hơn 80% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản. Theo dự kiến, chuyến thăm trên được ông Kishida lên kế hoạch từ tháng 8 năm ngoái, song đã phải hoãn lại do ông nhiễm Covid-19.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang có chuyến công du 3 nước Trung Đông. Nguồn: AP

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang có chuyến công du 3 nước Trung Đông. Nguồn: AP

Khía cạnh đáng chú ý trong các cuộc thảo luận của đất nước mặt trời mọc với Ảrập Xêút, UAE và Qatar là việc nhấn mạnh vào đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Các quốc gia sản xuất dầu mỏ quan trọng ở Trung Đông này đang tăng cường đầu tư vào các sáng kiến năng lượng tái tạo, giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, và tạo ra các ngành công nghiệp bền vững. Nhật Bản, quốc gia đi đầu thế giới về công nghệ khử carbon, dự kiến sẽ cung cấp kiến thức chuyên môn và hỗ trợ cho những nỗ lực đó.

Trong chuyến thăm đầu tiên tới Trung Đông kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 10.2021, Thủ tướng Kishida nêu bật cam kết của Nhật Bản trong việc tích cực hỗ trợ giới thiệu và triển khai các nguồn năng lượng tái tạo. Nước này mong muốn đạt được trung hòa carbon vào năm 2050. Bằng cách cung cấp công nghệ khử carbon tiên tiến, Nhật Bản đặt mục tiêu đóng góp vào quá trình chuyển đổi của Trung Đông sang lĩnh vực năng lượng bền vững và thân thiện với môi trường hơn.

Bắt tay với 3 ông lớn dầu mỏ Trung Đông

Thực tế, Ảrập Xêút và UAE đang nỗ lực giảm phụ thuộc nguồn thu vào dầu mỏ, đồng thời tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế, do giá dầu có thể giảm trong tương lai trong bối cảnh thế giới thúc đẩy xu hướng giảm carbon. Bản thân Ảrập Xêút và Nhật Bản đang tăng cường hợp tác theo khuôn khổ Tầm nhìn Ảrập Xêút - Nhật Bản năm 2030, được cả hai đưa ra vào năm 2016; năm 2022, hai quốc gia ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế carbon tuần hoàn, tái chế carbon, nhiên liệu hydro sạch và amoniac.

Trong khi đó, mối quan hệ chiến lược giữa Nhật Bản và UAE có từ hơn 50 năm trước. Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với UAE vào năm 1971. Đại sứ quán UAE tại Tokyo khánh thành tháng 12.1973, Đại sứ quán Nhật Bản khánh thành tại Abu Dhabi tháng 4.1974. Mối quan hệ kinh tế song phương ngày càng phát triển mạnh mẽ theo thời gian và Nhật Bản giờ trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của UAE. Ngoài năng lượng, chuyến thăm UAE của Thủ tướng Nhật Bản dự kiến sẽ còn thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực phi dầu mỏ như du lịch, văn hóa, khoa học, vũ trụ và giáo dục... Trong dịp này, nhà lãnh đạo Kishida còn muốn đề xuất sáng kiến Trung tâm năng lượng xanh toàn cầu mà theo ông sẽ “kết hợp các thế mạnh tương ứng của hai quốc gia - một mặt là lợi thế địa lý, các nguồn năng lượng tái tạo chi phí thấp lẫn khả năng đầu tư mạnh mẽ của UAE và Trung Đông, còn mặt khác là các công nghệ khử cacbon tiên tiến của Nhật Bản”. Mục đích là “biến Trung Đông thành trung tâm toàn cầu trong chuỗi cung ứng nhiên liệu và tài nguyên khoáng sản thế hệ tiếp theo”, ông Kishida nói.

Đối với Qatar, bên cạnh bắt tay về năng lượng, nhất là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), Nhật Bản và Qatar còn mở rộng hợp tác kinh tế trong các lĩnh vực khác. Các công ty Nhật Bản ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào Qatar, đặc biệt trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, xây dựng, tài chính và công nghệ. Các kế hoạch phát triển đầy tham vọng của Qatar, bao gồm Tầm nhìn Quốc gia Qatar 2030, đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia và đóng góp chuyên môn vào nhiều dự án khác nhau.

Trong lịch trình, Thủ tướng Kishida gặp song phương với Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman, Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed al-Nahyan và Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad al-Thani. Trong chặng dừng chân đầu tiên của nhà lãnh đạo Nhật Bản, nước này và Ảrập Xêút đã nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ năng lượng. Tiếp đến, trong chuyến thăm UAE, Nhật Bản và UAE ra tuyên bố chung về bảo vệ môi trường khi Abu Dhabi chuẩn bị đăng cai Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vào tháng 11 tới. Ngoài ra, ông còn kêu gọi Qatar tiếp tục cung cấp ổn định LNG cho Nhật Bản, bởi quốc gia này hiện là một trong những nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, chuyến thăm Trung Đông mới nhất còn là cơ hội để Thủ tướng Kishida nhắc lại lập trường của Nhật Bản về duy trì, củng cố trật tự quốc tế tự do, cởi mở dựa trên pháp quyền. Bằng cách bảo vệ một hệ thống toàn cầu dựa trên luật lệ, xứ sở Phù Tang hướng tới mục tiêu thúc đẩy ổn định, công bằng và hợp tác trên trường quốc tế trước những thách thức toàn cầu.

Nhân dịp này, Thủ tướng Kishida còn tham gia các cuộc thảo luận với Tổng thư ký Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), tổ chức bao gồm 6 quốc gia vùng Vịnh. Một trong những nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự là khả năng nối lại các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do, vốn đã bị đình trệ trong hơn một thập kỷ; khi Nhật Bản tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực, khả năng phục hồi các cuộc đàm phán này có thể tạo ra cơ hội mới cho thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và các nước GCC. Thủ tướng Kishida dự định đề xuất tổ chức các cuộc thảo luận định kỳ cấp ngoại trưởng giữa Nhật Bản và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/kham-pha-con-duong-hop-tac-hieu-qua-i336460/