Khám phá công dụng chữa bệnh từ hạt vải
Mùa vải đang vào chính vụ, nhưng bạn đã bao giờ giữ lại hạt và sử dụng chúng như một loại thảo dược chữa bệnh?
1. Lợi ích của hạt vải với sức khỏe
Theo 'Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam' của GS. Đỗ Tất Lợi, hạt vải (lệ chi hạch) là một vị thuốc được sử dụng từ lâu đời.
Lệ chi hạch có vị ngọt, chát, tính ôn, không có độc, có tác dụng tán hàn, thấp kết khí, là thuốc chữa âm nang sưng đau (thoát vị), chữa tiêu chảy cho trẻ em.
Ngoài ra, hạt vải còn có nhiều tác dụng với sức khỏe, bao gồm:
1.1. Hạt vải có đặc tính chống oxy hóa mạnh
Chuyên gia dinh dưỡng Avni Kaul tại Ấn Độ cho biết, chiết xuất từ hạt vải rất giàu polyphenol, flavonoid và proanthocyanidin, hoạt động như những chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong cơ thể.
Chất chống oxy hóa đóng vai trò quan trọng trong việc vô hiệu hóa các gốc tự do có hại, do đó làm giảm căng thẳng oxy hóa, giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như ung thư, tiểu đường và bệnh tim mạch.
Người ta biết rằng quả vải rất tốt cho tóc nhưng hạt vải lại có lợi cho sức khỏe của da. Kaul giải thích rằng, hàm lượng polyphenol cao có trong các chất chiết xuất hạt vải góp phần cải thiện độ đàn hồi và hydrat hóa của da, đồng thời làm giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn.
Hơn nữa, các chất chiết xuất hạt vải có đặc tính kháng khuẩn, có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng da và thúc đẩy làn da khỏe mạnh hơn.
1.2. Hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Nghiên cứu cũng cho thấy chiết xuất hạt vải có thể có tác động tích cực đến sức khỏe tim mạch. Kaul cho biết, những chất chiết xuất này có tác dụng điều chỉnh mức cholesterol, giảm viêm và tăng cường lưu lượng máu.
Bạn có thể kết hợp chiết xuất hạt vải vào chế độ ăn uống để giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh tim và duy trì hệ thống tim mạch khỏe mạnh.
1.3. Tiềm năng chống bệnh đái tháo đường
Một số nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng chiết xuất hạt vải có khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu, tăng cường độ nhạy insulin và giảm các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Đối với những người đang điều trị hoặc có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, việc kết hợp chiết xuất hạt vải với chế độ ăn uống lành mạnh giúp quản lý tốt lượng đường trong máu.
2. Cách sử dụng hạt vải như thế nào?
Hạt vải thường được sử dụng dưới dạng tán bột mịn. Bạn có thể tự chuẩn bột mịn hạt vải tại nhà bằng cách làm sạch hoàn toàn hạt và để khô. Sau khi sấy khô, nghiền hạt thành bột mịn bằng máy xay sinh tố hoặc máy xay gia vị. Bột hạt vải tự làm này có thể được thêm vào sinh tố, sữa chua hoặc thậm chí dùng làm gia vị cho nhiều món ăn khác nhau.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là hạt vải nên được sử dụng ở mức độ vừa phải, tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Theo lương y Thái Hư, tác giả của nhiều cuốn sách về đông y dược cổ truyền Việt Nam, hạt vải có thể được dùng theo những cách sau:
Để hỗ trợ chữa trị và phòng ngừa biến chứng bệnh đái tháo đường: Hạt vải sấy khô, tán mịn, dùng 10g/lần, 3 lần/ngày trong vòng 3 tháng.
Với bệnh đau dạ dày mạn tính: Có thể sử dụng hạt vải sấy khô, tán mịn, dùng 6g/lần, 3 lần/ngày với nước ấm.
Chữa tinh hoàn sưng đau: Hạt vải đốt thành than nghiền với rượu cho uống, mỗi ngày 4-6g. Hoặc sử dụng 49 hạt vải thái mỏng, sấy khô, tán nhỏ, trần bì 36g, lưu hoàng 16g đều sấy khô tán nhỏ, dùng nước cơm thêm ít muối làm thành viên bằng hạt đậu xanh, lúc nào đau uống 9 viên thuốc này, dùng rượu mà chiêu thuốc.
Mời bạn xem tiếp video: