'Khám phá' đại dương trên mặt đất

Công nghệ nuôi sinh vật biển quy mô lớn phục vụ cho mục đích trưng bày tài nguyên biển được các nhà khoa học Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì.

Cả đại dương được thu nhỏ trong những chiếc bể với thể tích khác nhau.

Cả đại dương được thu nhỏ trong những chiếc bể với thể tích khác nhau.

Bể nuôi sinh vật biển cực lớn

Ứng dụng công nghệ nuôi sinh vật biển ở quy mô lớn được triển khai tại Khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa, Bảo tàng Hải dương học, Viện Hải dương học. Khu trưng bày này có tiền thân là đường hầm xuyên qua núi Cảnh Long (Bảo Đại) có chiều dài 120m, chiều rộng 8 - 12m và độ cao 5m. Đây là nơi do người Pháp xây dựng vào những năm 1930 để vận chuyển hàng hóa từ cảng biển Nha Trang sang núi Cảnh Long. Đường hầm hiện nay được cải tạo, thiết kế và bố cục cho mục tiêu trưng bày giới thiệu những thành quả ứng dụng khoa học công nghệ nuôi sinh vật biển của Viện cũng như sự phong phú về tài nguyên biển ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

PGS.TS Đào Việt Hà, Viện Hải dương học cho biết, các thiết bị được đầu tư trong hệ thống bể nuôi này khá hiện đại với các bể kính cường lực cao nhập ngoại, hệ thống lọc tách bọt (protein skimmer) tuần hoàn tự động, hệ thống lọc cát, lọc sinh học, máy sục khí luân phiên, sục ozone và hệ thống đèn UV khử trùng. Đặc biệt, các bể nuôi có quy mô lớn, khác hẳn các nghiên cứu của Viện từ trước đến nay.

4 bể nuôi có hình dạng và bố cục tương thích với không gian và theo hình dạng, kích thước của đường hầm. Bao gồm 2 bể áp tường 98 m3 và 55 m3, 1 bể bán nguyệt 15 m3 và 1 bể vòm 165 m3. Tuy nhiên, đường hầm được người Pháp đào xuyên qua núi cách đây gần 100 năm với mục đích để vận chuyển hàng bằng các xe goong nên khá thấp và hẹp - đây chính là thách thức đối với đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật viên của Viện Hải dương học trong công tác thiết kế, lắp đặt và vận hành tổ hợp các bể nuôi này.

Phía trên cùng của hầm được tận dụng cải tạo lại để phục vụ công tác vận hành, giám sát kỹ thuật. Mặt khác, do hầm có địa thế khá thấp, ít thông khí, khó thoát nước, dễ bị ngập lụt nhất là vào thời kỳ mưa bão hàng năm… nên đòi hỏi bổ sung kỹ thuật và thiết bị cũng như cải tạo lại một số hạng mục hạ tầng để bảo đảm khả năng thoát nước, điều nhiệt và hành lang giao thông phù hợp với quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, an toàn cho khách tham quan, sinh vật nuôi và các tài sản, thiết bị.

TS Đào Việt Hà chia sẻ, từ bài học kinh nghiệm đầu tiên khi vận hành thành công hệ thống bể trụ kích thước lớn nhất Việt Nam (chiều cao 4,3m, đường kính 3m, thể tích nuôi 30m3) vào cuối năm 2019; nhóm nghiên cứu đã từng bước thực hiện các công đoạn kỹ thuật cần thiết bao gồm lắp đặt hệ thống thiết bị và thử nghiệm vận hành đánh giá sức chịu tải của những khối nước khổng lồ với tốc độ dòng chảy tối đa ở từng bể nuôi. Khi hệ thống đã ổn định, kết cấu nền đáy phù hợp và các sinh cảnh theo chủ đề nhất định được xây dựng. Các loài cá được thả ở mật độ từ thấp đến cao cùng với sự điều chỉnh các thông số kỹ thuật của hệ thống nuôi (tốc độ dòng, tốc độ lọc, lưu lượng nước, cường độ ánh sáng và lượng thức ăn thích hợp…) nhằm bảo đảm sinh vật thích nghi tốt.

Bể nuôi sinh vật biển được thiết kế nhằm phục vụ nhu cầu khám phá của công chúng.

Bể nuôi sinh vật biển được thiết kế nhằm phục vụ nhu cầu khám phá của công chúng.

Khám phá đại dương trên mặt đất

Với chủ đề “Sức sống đại dương”, tổ hợp các bể nuôi cỡ lớn với công nghệ và thiết bị hiện đại này đã khắc họa sự phong phú, đa dạng và vẻ đẹp thế giới sinh vật biển của các hệ sinh thái đáy đặc trưng cho biển đảo Việt Nam nói chung và quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa nói riêng. Ở bể trụ Acrylic, điều gây ấn tượng đối với du khách là đàn cá Tai tượng thuộc giống Platax kích thước lớn bơi lượn theo đàn thành vòng tròn do kỹ thuật thiết kế tạo dòng chảy chuyển tiếp. Bể áp tường kích cỡ lớn lại thể hiện tính đa dạng thành phần loài của cá khu hệ sinh thái rạn san hô biển Việt Nam như cá bò Picasso, cá Bướm, cá Kẽm, cá Bàng chài…

Tại đây, người xem sẽ có được cảm giác thích thú khi được tận mắt chứng kiến thời khắc vô số con cá chụm lại như một khối cầu nhiều màu khi được cho ăn vào giờ nhất định trong ngày. Thậm chí, có những chú cá thân thiện và dạn dĩ còn quấn quýt, uốn lượn nhẹ nhàng theo bàn tay dẫn dắt của người chăm sóc.

Ở bể áp tường nhỏ hơn (55 m3), nền đáy và cảnh quan được thiết kế mô tả hình dạng đặc trưng của rạn san hô dạng vòng “Atoll” - thường gặp tại vùng biển Trường Sa. Ấn tượng tại hồ này là cảm giác êm đềm khi nhìn đàn cá Khế vằn màu vàng óng ả tung tăng lượn quanh kẽ đá dưới những tia nắng xuyên qua làn nước tạo nên khung cảnh mờ ảo, và lấp ló bóng những chú cá Chình biển khổng lồ giấu mình trong hốc thò đầu nghiêng ngó...

Tiếp theo, bể bán nguyệt, trưng bày đa dạng sinh học các loài san hô mềm ở vùng biển Trường Sa với cách bố cục hệ thống ánh sáng chuyên biệt khiến cho khách tham quan như lạc vào một công viên đáy biển với những đóa hoa khổng lồ của biển cả. Điểm nhấn ấn tượng là đoạn 25 m đường hầm hẹp nhất được thiết kế dạng bể kính vòm, nuôi thả những loài cá dữ kích thước lớn đem lại cảm giác vừa thích thú vừa sợ hãi khi thấy bóng những con cá mập với hàm răng sắc nhọn vút qua đầu, hay những chiếc đuôi cá đuối chứa đầy gai độc ngoe nguẩy sát bên cạnh…

“Sau khi thiết kế, xây dựng thành công, các nhà khoa học vẫn tiếp tục nghiên cứu để vận hành, duy trì, chăm sóc sinh vật biển cũng được trình diễn giúp công chúng hiểu thêm về những thành quả ứng dụng công nghệ khoa học - kỹ thuật hiện đại trong nuôi sinh vật biển, đem đến những trải nghiệm ấn tượng cho khách tham quan”, PGS.TS Đào Việt Hà, Viện Hải dương học cho biết.

Mai Nhật

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/kham-pha-dai-duong-tren-mat-dat-f0llXlunR.html