Khám phá danh tính thông qua nghệ thuật và đối thoại

Triển lãm sắp đặt âm thanh 'Non dénommeé' của nghệ sĩ Tanguy Sévat-Denuet, là một hành trình khám phá danh tính thông qua nghệ thuật và đối thoại, đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Triển lãm "Non dénommeé" của nghệ sĩ Tanguy Sévat-Denuet là thành quả của hai tháng lưu trú tại Villa Saigon, chương trình nghệ sĩ lưu trú của Viện Pháp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án được lựa chọn từ gần 200 hồ sơ gửi về Viện Pháp Việt Nam năm nay, mục đích của chương trình nhằm củng cố, thúc đẩy đối thoại nghệ thuật giữa hai nước Pháp và Việt Nam.

Đến triển lãm, khán giả sẽ được mời dẫn vào tham quan một ngôi nhà để tìm kiếm một chủ đề thân mật thuộc phạm vi gia đình, nhưng lại không được đặt tên trong không gian công cộng.

Triển lãm sắp đặt âm thanh "Non dénommeé" do Viện Pháp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức

Triển lãm sắp đặt âm thanh "Non dénommeé" do Viện Pháp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức

"Non dénommeé" là hành trình khám phá danh tính thông qua nghệ thuật và đối thoại. Những danh tính đa dạng được nghệ sĩ Tanguy thu thập để tạo thành một câu chuyện về thế hệ bắt nguồn từ lịch sử Đông Dương thời Pháp thuộc, một câu chuyện không tên được truyền đi giữa các thế hệ gia đình, khi mà dấu vết con lai trong mỗi thế hệ lúc ẩn lúc hiện.

Dự án nói đến sự nhận thức về mối quan tâm của các thế hệ sau muốn tìm hiểu về lịch sử gia đình nhưng lại đối mặt với sự mất mát của chính những người làm nên ký ức trong câu chuyện cội nguồn ấy.

Danh tính của chúng ta được xây dựng như thế nào vào buổi bình minh của thế kỷ 21 và đâu là những phương thức nối truyền di sản Pháp-Việt này, danh tính đó đã được định hình như thế nào trong suốt quá trình lãng quên hay chối bỏ, chấp nhận hay khẳng định.

Nghệ sĩ Tanguy cho hay lý do anh thực hiện dự án này bởi đây là một trào lưu khá được quan tâm tại Pháp thời gian gần đây và anh mong muốn mang tới Việt Nam, may mắn là dự án được Viện Pháp Việt Nam chấp thuận.

Những căn phòng được bố trí sắp đặt trong không gian triển lãm "Non dénommeé"

Những căn phòng được bố trí sắp đặt trong không gian triển lãm "Non dénommeé"

Tham quan triển lãm, khán giả cũng được trải nghiệm kết nối qua những gương mặt đại diện cho bốn, năm thế hệ. Mỗi thế hệ được liên kết bởi những chuyển động, di chuyển, trốn chạy, hay dịch chuyển của một người phụ nữ Việt Nam.

Đến với không gian triển lãm, men theo những bậc cầu thang của Bảo tàng, lắng nghe và tìm theo những âm thanh, tiếng nói xôn xao từ mỗi căn phòng, nơi trưng bày, trình diễn những bức ảnh, những đoạn hội thoại, những chiếc ghế tượng trưng cho mỗi vị trí của thành viên trong các gia đình ở mỗi thế hệ… Cùng dõi theo và hòa mình vào niềm vui, tiếng cười nói giữa các thế hệ khi cùng hội ngộ.

Mỗi căn phòng, mỗi câu chuyện, mỗi con người… đều là sự tình cờ mà Tanguy bắt gặp, nhưng đó cũng là những khởi nguồn đầy sự tin tưởng cho dự án của anh. Sự kết nối giữa các căn phòng chính là nhờ sợi dây kết nối tình cờ này, mối liên hệ tưởng chừng lỏng lẻo nhưng lại mang tính thuyết phục.

"Danh tính được xây dựng dần dần, thông qua những cuộc gặp gỡ, những hành trình, những chặng đường đời. Joelle và hai đứa con của cô, Zachary và Louna, mỗi người trình bày những gì tạo nên con người của họ ngày nay và đặc biệt là những gì mỗi người giữ kín với mẹ hoặc bà của mình. Cuối cùng điều gì đã được truyền lại từ văn hóa Việt Nam? Mọi người đều có hồi tưởng ký ức của họ." Đây là câu chuyện từ một căn phòng trong triển lãm "Non dénommeé".

Triển lãm là điểm khởi đầu chưa có kết thúc trong dự án nghệ thuật của nghệ sĩ Tanguy Sévat-Denuet. Sau triển lãm này, anh sẽ tiếp tục mạch nguồn của dự án để thông qua mỗi câu chuyện trong chuỗi dự án của mình, mọi người cùng tìm tới và biết đến những mối liên hệ đã từng có, sự trao truyền của thế hệ trước cho thế hệ sau về nguồn cội của mình, về những gì còn chưa được sáng tỏ…

Triển lãm được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 30/6/2024./.

Khánh Vân

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/kham-pha-danh-tinh-thong-qua-nghe-thuat-va-doi-thoai-20240626112118357.htm