Khám phá kiến trúc đặc biệt của tháp cổ Chiềng Sơ

Tháp cổ Chiềng Sơ là di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo, được xây dựng bởi tình đoàn kết hai dân tộc Việt - Lào. Tháp hiện tọa lạc tại bản Nà Muông, xã Chiềng Sơ, huyện Ðiện Biên Ðông, tỉnh Điện Biên. Ngày 14/04/2011, tháp Chiềng Sơ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 1255/QĐ-BVHTTDL.

Công trình tháp cổ này được công nhận là di tích cấp quốc gia. (Ảnh CTV)

Công trình tháp cổ này được công nhận là di tích cấp quốc gia. (Ảnh CTV)

Tháp Chiềng Sơ là tháp cổ, tiềm ẩn nhiều giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa còn tồn tại đến ngày nay. Tháp Chiềng Sơ hàm chứa giá trị nghệ thuật rất cao về mặt kiến trúc. Kiểu dáng của tháp kết hợp với những họa tiết hoa văn cho thấy sự gửi gắm những tư duy sáng tạo của cha ông, những dụng ý nghệ thuật và nhân sinh quan về cuộc sống của những người trực tiếp xây dựng nên tháp của đồng bào hai dân tộc Việt - Lào nói chung. Tháp Chiềng Sơ còn để lại giá trị lịch sử to lớn bởi đã giúp các nhà nghiên cứu tìm ra và khẳng định về tình đoàn kết gắn bó lâu đời giữa hai dân tộc anh em Việt - Lào.

Tương truyền, tháp Chiềng Sơ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV-XVI. Ðến nay, chưa có tư liệu lịch sử cụ thể nào khẳng định niên đại khởi dựng của tháp. Tuy nhiên, có một điều có thể khẳng đinh, đó là việc xây dựng tháp có sự tham gia của bàn tay nghệ thuật tài ba và sáng tạo của đồng bào Thái địa phương. Một điều bí ẩn khác cũng góp phần tạo nên sức thu hút cho tháp; đó là mục đích xây dựng tháp. Có giả thuyết cho rằng tháp là nơi thờ cúng của người Thái cổ, cũng có ý kiến cho rằng đây là lăng mộ của một vị thủ lĩnh. Theo các cụ cao niên trong bản, năm 1960, khi làm mương phai, người dân còn phát hiện một lò gạch bị vùi lấp bên suối với nhiều viên gạch còn nguyên vẹn, cách tháp chừng 100m. Lò gạch này được cho là nơi làm gạch cho xây dựng tháp; đến nay, lò gạch đã bị phá hủy hoàn toàn.

Kiên trúc tháp Chiềng Sơ có hình nậm rượu, phần dưới to, phần trên nhỏ dần. Tháp cao 10,5m, bốn mặt xung quanh chân tháp được đặt 2 chú voi ở đằng trước và 2 chú chó ở đằng sau. Vật liệu xây dựng tháp chủ yếu bằng gạch và vôi vữa mật; gạch để xây tháp cũng có hai loại: gạch chỉ loại cỡ lớn, dày dùng để xây dưới chân tháp, còn loại gạch nhỏ và mỏng dùng để xây trên thân, ngọn tháp. Đây là sự lựa chọn đáng chú ý trong phong cách kiến trúc của cha ông xưa, để tháp không chỉ tạo được kiểu dáng mềm mại mà còn có thế nâng đỡ chắc chắn.

Phần thân tháp được trang trí bằng những họa tiết hoa văn tinh xảo, nổi bật là hình ảnh tòa sen 6 lớp cách điệu, tượng trưng cho sự thanh cao, thoát tục. (Ảnh CTV)

Phần thân tháp được trang trí bằng những họa tiết hoa văn tinh xảo, nổi bật là hình ảnh tòa sen 6 lớp cách điệu, tượng trưng cho sự thanh cao, thoát tục. (Ảnh CTV)

Chân tháp có hình vuông, nhìn nhiều tầng xếp lên nhau làm cho dáng của tháp thêm phần chắc chắn; xung quanh chân tháp không trang trí hoa văn. Phần thân tháp nhỏ hơn, được trang trí những họa tiết hoa văn, nổi bật là một tòa sen có sáu lớp chồng lên nhau đội lấy tòa tháp cùng với những đường nét hoa văn chìm nổi cách điệu hình chim muông, hoa lá theo bố cục từng phần rất hài hòa. Những họa tiết hoa văn này được bố trí hài hòa quanh thân tháp nhằm tạo điểm nhấn và tôn lên vẻ đẹp của tháp; đồng thời tạo sức hấp dẫn và lôi cuốn người xem khi được chiêm ngưỡng di tích kiến trúc nghệ thuật này. Ðặc biệt hơn cả là những con rồng được đắp nổi uốn mình quanh thân tháp; đầu và đuôi rồng chụm vào nhau tạo thành hình số tám. Những con rồng này mang trên mình lớp vảy rất đặc trưng, không giống bất cứ phong cách thể hiện nào qua các thời kỳ lịch sử ở Việt Nam. Hình ảnh con rồng có kích thước nhỏ tương tự như những con rắn mà văn hóa Ấn Ðộ giáo tôn thờ.

Từ phần chính của thân tháp trở lên trên được xây theo kiểu kiến trúc hình ống dạng hình lục giác, xung quanh là đường tiếp tuyến xen lẫn hình cánh sen chạy liên hoàn quanh thân tháp. Thân tháp có 3 tầng, các mặt của mỗi tầng được xây trát phẳng không trang trí hoa văn. Phần chính giữa của mỗi tầng được xây phình to ra trông giống hình những búp sen non. Ở giữa phần giáp nối của mỗi tầng đều được trang trí hoa văn; các hoa văn được cách điệu hình cánh sen, hình lưỡi mác, hình mặt trời và các hình hoa lá khác. Điểm khác biệt độc đáo là bên trong các cánh sen và lưỡi mác có gắn những miếng gương nhỏ để khi mặt trời chiều vào tỏa ánh hào quang ra xung quanh. Tầng trên cùng (ngọn tháp) có kích thước được thu nhỏ để tạo nên vẻ đẹp mềm mại và thanh tú của tháp.

Tháp Chiềng Sơ là một công trình kiến trúc cổ độc đáo của huyện Điện Biên Đông nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung. (Ảnh CTV)

Tháp Chiềng Sơ là một công trình kiến trúc cổ độc đáo của huyện Điện Biên Đông nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung. (Ảnh CTV)

Có thể khẳng định, tháp Chiềng Sơ là một công trình kiến trúc cổ độc đáo của huyện Điện Biên Đông nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung. Ngọn tháp đã hiên ngang tồn tại qua nhiều thế kỷ, là một minh chứng về thành quả lao động tuyệt vời của thế hệ cha ông. Đó không chỉ đơn thuần là một tòa tháp mà còn ẩn chứa những tính toán thông minh, sáng tạo để giữ cho công trình có thể vững vàng sau nhiều năm. Đến tham quan tháp, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một công trình ấn tượng với kiểu dáng và các chi tiết hoa văn độc đáo, thể hiện những tư tưởng nghệ thuật và tư duy sáng tạo của cha ông. Du khách phải trực tiếp đến tham quan mới cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp cầu kỳ, tinh xảo mà công trình này mang lại. Ngày nay, đây cũng là địa điểm check in ở Điện Biên rất độc đáo mà du khách không thể bỏ qua.

Khánh Diệp

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/kham-pha-kien-truc-dac-biet-cua-thap-co-chieng-so-389830.html