Khám phá kiến trúc Lam Kinh
Giếng cổ có nước trong xanh, quanh năm không cạn, cung cấp nước cho điện Lam Kinh. Ảnh: MINH NGUYỆT
Sau khi chiến thắng giặc Minh (1427), Lê Lợi và các vua nhà Lê cho xây dựng tại quê nhà Lam Sơn một khu vực thờ cúng tổ tiên. Nơi đây trở thành thánh địa của nhà Lê, kéo dài 360 năm (1428-1788), một vương triều cường thịnh, lâu dài nhất của chế độ phong kiến Việt Nam.
Nơi địa linh nhân kiệt
Lên ngôi Hoàng Đế, Lê Lợi giữ tên nước là Đại Việt, đổi tên Thăng Long thành Đông Kinh và chọn Lam Kinh để xây dựng nơi an táng các vua và hoàng hậu, cũng như là nơi thiết triều mỗi khi vua về đây…
Lam Kinh nằm ở phía bắc huyện Thọ Xuân, phía nam huyện Ngọc Lặc, cách TP Thanh Hóa khoảng 50km về phía tây. Lam Kinh là quê hương của Lê Lợi, là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh. Mặt khác, Lam Kinh còn hội đủ các yếu tố về mặt phong thủy. Phía trước có dòng sông Chu lượn vòng cánh cung tụ thủy, phía bắc tựa vào núi Đầu Voi làm hậu chẩm, phía nam có núi Mục là tiền án, lại thêm núi Rồng bên phải và núi Hổ bên trái. Mỗi ngọn núi, mỗi con sông ở vùng đất này đều gắn với những sự tích về truyền thuyết các anh hùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Theo truyền thuyết, cụ tổ của vua tên là Hối, trước ở thôn Như Ám, một hôm thấy đàn chim lượn trên vùng đất Lam Sơn, trông giống như đám người hội tụ. Cụ nghĩ “chỗ này tất là nơi đất lành” nên dời nhà đến ở, khai phá ruộng vườn, chăm lo cấy cày và xây dựng được sản nghiệp lớn, từ đấy đời đời hùng cứ một phương. Sau này Lê Lợi dựng đô, mở nước cũng từ căn cơ này.
Ngày nay, Lễ hội Lam Kinh được tổ chức vào ngày 22/8 âm lịch với tầm quốc gia.
Kiến trúc Lam Kinh
Lam Kinh rộng khoảng 141ha, trung tâm chia làm 2 khu, phía trước gồm điện Lam Kinh và các Thái miếu, phía sau là lăng mộ các vua và hoàng hậu. Điện Lam Kinh phía sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên núi non xanh biếc. Phía trước có con sông Ngọc phát nguồn từ Tây Hồ chảy vòng trước mặt, chảy từ bên phải qua trước điện, ôm vòng lại như cánh cung, có cầu Bạch Kiều bắc qua sông vào khu chánh điện.
Phía sau chánh điện là các công trình Thái miếu, đây là nơi tế lễ và nơi ở của vua. Sau Thái miếu là khu lăng mộ, ngăn cách với khu điện là các bậc thành; có 7 lăng mộ vua và hoàng hậu đều có bia ghi công đức.
Ngày 22/8/1433 (năm Quý Sửu), Lê Lợi băng hà ở Thăng Long, thi hài ông được đưa về quê an táng. Mộ Lê Lợi nằm ở giữa, chếch hướng tây là mộ vua Lê Hiến Tông, hướng đông bắc là mộ vua Lê Túc Tông, rồi mộ vua Lê Thái Tông... Các mộ ở đây được xây dựng theo quy tắc nhất định: Mặt bằng hình chữ nhật, phía sau cùng là mộ đất bó gạch, hai bên đường thần đạo có tượng người và thú đối nhau. Kích thước các tượng nhỏ, cao không quá 1,2m, trong một ngôi mộ thường có tượng hổ quỳ, tê giác, ngựa, lân, quan hầu, đăng đối từng đôi một.
Đặc biệt là bia Vĩnh Lăng (Lê Lợi) nằm cách mộ 300m, được xây dựng vào tháng 10/1433, là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tiêu biểu, mang tư tưởng Nho giáo. Bia hình chữ nhật dựng đứng, mặt trước bia khắc bài viết do Nguyễn Trãi soạn thảo, ngắn gọn 750 chữ; nội dung ca ngợi về gia tộc, ngày mất, thân thế, sự nghiệp của Lê Thái Tổ. Dưới đế bia là rùa trong tư thế đang bơi, đầu vươn cao, lưng nhô lên, lộ rõ 4 chân và 6 móng to khỏe, móng thứ 6 lõm vào giống hình giọt nước, đuôi rùa to, uốn lượn mềm mại. Bia và rùa đá Vĩnh Lăng được đánh giá là một trong những tài liệu quý về nghệ thuật trang trí, điêu khắc thời nhà Lê.
Nhìn toàn cảnh kiến trúc, điêu khắc ở Lam Kinh có kích thước nhỏ, ngay như lăng Lê Lợi cũng chỉ dài 24,7m, rộng 24m, trông giản dị, có tính tượng trưng nhưng không kém phần tôn nghiêm và trang trọng.
Trải qua hơn 6 thế kỷ, khu di tích Lam Kinh gần như bị phá hủy. Ngày 27/10/1994, Chính phủ có quyết định phê duyệt dự án Tu bổ, khôi phục, tôn tạo khu di tích lịch sử, văn hóa Lam Kinh. Sau nhiều năm được bảo tồn, phục dựng, nhiều hạng mục công trình được hoàn thành đưa vào khai thác như: Đập nhà Lê, sông Ngọc, cầu Bạch Kiều; các khu lăng mộ vua và hoàng hậu; 5 tòa nhà Thái miếu, trồng cây xanh, đường đi... Đặc biệt, chánh điện được phục dựng hoàn thành năm 2015. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ nhất Lam Kinh, có kết cấu cột, tường bằng gỗ, mái lợp ngói, được chạm trổ tinh vi, khu ngự triều được dát vàng lộng lẫy. Tại đây còn có cây ổi biết cười, cây đa thị trên 300 năm tuổi là cây di sản quốc gia.
Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận Khu di tích lịch sử và kiến trúc Lam Kinh là di sản quốc gia đặc biệt. Hiện nay, Lam Kinh là địa chỉ du lịch hấp dẫn của tỉnh Thanh Hóa.
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/304586/kham-pha-kien-truc-lam-kinh.html