Khám phá làng chài cổ Nam Ô

Cách trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 10km có một làng chài cổ nổi tiếng với những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời còn hiện hữu cùng nghề làm mắm truyền thống nức tiếng… Đó là làng chài Nam Ô nằm bên vịnh Đà Nẵng, dưới chân đèo Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.

Người dân làng Nam Ô bao đời nay gắn bó với nghề khai thác và đánh bắt thủy hải sản, làm mắm truyền thống mà có cơm no áo ấm. Ở làng Nam Ô, người chồng đi biển đem về một thúng đầy cá tôm, người vợ mang ra chợ bán hoặc phơi khô, muối mắm. Trải qua nhiều thế kỷ, Nam Ô vẫn còn sự hiện hữu của những di tích văn hóa lịch sử mang đậm dấu ấn tâm linh của làng biển như: giếng Chăm cổ, dinh Cô Hồn (miếu Âm Linh), lăng Ông (lăng cá Ông), miếu bà Liễu Hạnh, Nghĩa trũng Nam Ô, mộ tiền hiền… với nhiều lễ hội đặc sắc hằng năm, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa lịch sử, văn hóa tâm linh tại khu vực. Và nơi đây cũng là ngôi làng chài cổ duy nhất của TP. Đà Nẵng.

Miếu Âm Linh ban đầu được xây dựng để thờ cúng những tử sĩ trong kháng chiến chống Pháp. Sau này, ngư dân trong làng mở rộng thờ chiến sĩ tử trận qua các thời kỳ, những hương hồn xiêu mồ lạc nấm của các chư phái tộc trong làng. Vì thế, miếu Âm Linh là di tích có giá trị văn hóa lịch sử, chứa đựng tính nhân văn, nhân đạo của dân làng Nam Ô. Rằm tháng giêng hằng năm, dân làng Nam Ô tự nguyện đóng góp kinh phí để làm lễ tế âm linh tại miếu Âm Linh, cầu mong cho làng xóm an bình, điều lành đem đến, điều dữ tránh đi.

Một góc làng chài Nam Ô - Ảnh: báo Hải Quân Việt Nam

Một góc làng chài Nam Ô - Ảnh: báo Hải Quân Việt Nam

Nơi đây có lễ tế cầu ngư tại Lăng Ông được tổ chức vào ngày 15-2 âm lịch hằng năm, là dịp để dân làng Nam Ô bày tỏ lòng thành kính với cá Ông, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, hy vọng về những chuyến ra khơi thuận lợi, đầy tôm cá.

Năm 2020, cụm di tích lịch sử Nam Ô được xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố Đà Nẵng bao gồm: đình làng Nam Ô, lăng Ông, miếu Âm Linh, Nghĩa trũng Nam Ô, miếu bà Liễu Hạnh, miếu bà Bô Bô, giếng Lăng.

Không ai nhớ rõ hình thành từ năm nào, chỉ biết nghề làm nước mắm song hành với nghề đi biển đánh cá của bao thế hệ người dân làng Nam Ô. Vốn nổi tiếng với khu vực làng chài xưa của thành phố, làng nghề truyền thống nước mắm đặc trưng và các món ăn dân dã (hải sản tươi sống, gỏi cá, bún cá, rong biển…) không chỉ hấp dẫn khách du lịch mà còn là điểm đến thú vị đối với người dân thành phố Đà Nẵng.

Năm 2009, làng nghề nước mắm Nam Ô được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận và cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đến năm 2019, Làng nghề nước mắm Nam Ô được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện nay, người dân Hội làng nghề nước mắm Nam Ô có hơn 60 hộ tham gia sản xuất và các hợp tác xã, công ty.

Những di tích lịch sử lâu đời, những giọt nước mắm mặn mòi là linh hồn của làng chài cổ Nam Ô. Vì thế, dù đứng trước nhiều khó khăn nhưng dân làng vẫn cố gắng bám biển, bám nghề để giữ làng, lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử truyền thống cho thế hệ mai sau. Ngày nay, các thế hệ người dân của làng Nam Ô đều cùng chí hướng chung tay phát triển làng nghề truyền thống gắn các di tích lịch sử, truyền thống yêu nước với hoạt động du lịch, làm kinh tế hiệu quả.

Nằm ở ven biển phía Tây Bắc vịnh Đà Nẵng, khu vực Nam Ô có điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch; được bao bọc bởi núi, sông, biển, cây cối xanh tươi, khí hậu mát mẻ, đặc biệt là khu vực ghềnh đá với nhiều cảnh quan hấp dẫn, thú vị thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Thanh Trà (tổng hợp)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/383/131896/kham-pha-lang-chai-co-nam-o