Bia Khiêm Cung Ký - Khiêm Lăng (lăng vua Tự Đức) được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2015. Bia Khiêm Cung Ký hình chữ nhật, hai mặt bia trang trí giống nhau nhưng bản khắc văn tự khác nhau. Đây là một tấm bia có kích thước đồ sộ, trọng lượng lớn nhất trong các bia cùng loại ở lăng vua thời Nguyễn.
Đây là tấm bia khắc bài văn bia do chính vua Tự Đức (1848-1883) soạn thảo năm 1871, nội dung bia ghi lại quá trình xây dựng lăng, mô tả cảnh quan lăng, đồng thời bày tỏ nỗi lòng của ông đối với đất nước... Đặc biệt, với 4.935 chữ Hán khắc trên hai mặt bia, bia Khiêm Cung Ký là tấm bia có số lượng văn tự khắc trên đá nhiều nhất. Đây cũng là tấm bia duy nhất lưu giữ nét bút của chính tác giả văn bia - vua Tự Đức.
Trán bia Khiêm Cung Ký hình khánh, chạm nổi đồ án “long vân” với hình mặt rồng chính diện ở phía trên và chòm đuôi xoắn ở phía dưới, xung quanh là hình mây và các đao lửa. Bốn góc có tai bia, chạm bốn hình rồng, trong đó hai tai bia phía trên chạm nổi đồ án “long thăng”; bốn tai bia phía dưới chạm nổi đồ án “hồi long”. Đường viền bia chạm nổi các đồ án “lưỡng long triều nhật”, “long thăng”, “long giáng”…
Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” tại chùa Thiên Mụ được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2020. Bia được chúa Nguyễn Phúc Chu dựng năm 1715 trong dịp đại trùng tu chùa Thiên Mụ, là một trong những di vật hiếm hoi thời chúa Nguyễn với những giá trị độc đáo còn được giữ gìn gần như nguyên vẹn.
Trên bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” khắc bài ký và minh của chúa Nguyễn Phúc Chu, gồm 1.250 chữ Hán (không bao gồm các chữ trên trán bia và các con dấu). Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” là một tác phẩm điêu khắc đá đặc sắc của Việt Nam vào đầu thế kỷ XVIII với kích thước đồ sộ nhất trong các bia đá thời chúa Nguyễn.
Cửu đỉnh được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam năm 2012. Cửu đỉnh là 9 đỉnh đồng được đúc từ năm 1835, hoàn thành 1837 dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841), đặt ở sân Thế Miếu – Đại Nội Huế. Trên thân mỗi đỉnh đều được trang trí 17 hình đúc nổi và 2 chữ Hán mang tên đỉnh, ứng với miếu hiệu của các vị vua được thờ trong Thế Miếu.
Cửu đỉnh gồm: Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Trên miệng mỗi đỉnh khắc 2 dòng chữ Hán, ghi niên đại đúc và trọng lượng của đỉnh. Trong đó, Cao đỉnh cao 2,5m, nặng 2.601kg - là đỉnh cao và nặng nhất. Huyền đỉnh cao 2,31m, nặng 1.935kg - là đỉnh thấp và nhẹ nhất.
Đáng chú ý, mặc dù Cửu đỉnh giống nhau về hình dáng như đỉnh hình bầu tròn, 3 chân, có hai quai, nhưng giữa các đỉnh có sự đa dạng, phong phú về kiểu thức và chủ đề trang trí, thể hiện bao quát các hình ảnh của vũ trụ, sinh vật, thực vật, địa danh sông núi, đồ tạo tác... được chạm nổi tinh xảo. Cửu đỉnh là đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam vào thế kỷ XIX.
Cửu vị thần công thời Nguyễn được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2012. Cửu vị thần công là tên gọi chung 9 khẩu đại pháo được đúc năm 1803 dưới triều vua Gia Long (1802-1820), có kích thước tương tự nhau, mỗi khẩu dài khoảng 5,15m, nặng trên 10 tấn, được đặt trên giá súng bằng gỗ lim.
Mỗi khẩu thần công đều được khắc tên ở đuôi súng theo thứ tự từ 1 đến 9 tương ứng với tứ thời và ngũ hành. 4 khẩu bên trái (sau cửa Thể Nhơn) có thứ tự từ 1 đến 4 được đặt tên theo tứ thời (xuân, hạ, thu, đông), 5 khẩu bên phải (sau cửa Quảng Đức) có thứ tự từ 5 đến 9 được đặt tên theo ngũ hành (mộc, hỏa, thổ, kim, thủy).
Trên thân mỗi khẩu có đúc chữ với nội dung mô tả về cách sử dụng thuốc súng, phương pháp bắn và tên của những người tham gia đúc súng. Vào năm 1816, vua Gia Long sắc phong cho 9 khẩu đại pháo này danh hiệu “Thần Uy Vô Địch Thượng Tướng Quân”. Danh hiệu này cùng niên đại sắc phong đều được chạm nổi thêm trên phần đai cuối thân của 9 khẩu.
Đại Hồng chung chùa Thiên Mụ được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013. Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Phúc Chu, pháp danh Hưng Long, cho đúc vào năm 1710 để cúng dường Tam bảo.
Chuông nặng khoảng 1.986kg, cao 2,5m, đường kính miệng 1,4m, có hình dáng cân đối; hoa văn trên thân chuông được chạm trổ tinh xảo, thể hiện ước nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái, dân an…
Bộ sưu tập Vạc đồng thời chúa Nguyễn gồm 10 chiếc với kích thước và trọng lượng khác nhau, được đúc dưới thời chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687).
Những chiếc vạc được đúc vào những thời điểm khác nhau trong thế kỷ XVII, chiếc có niên đại sớm nhất là năm 1659 và chiếc có niên đại muộn nhất là năm 1684. Bộ sưu tập Vạc đồng thời chúa Nguyễn được công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam vào năm 2015.
Duy Lợi