Cua hạt đậu (Pinnotheres sp.) dài 8 - 12mm, phân bố ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài cua nhỏ bé này sống trọn vòng đời trên hay trong cơ thể các động vật không xương sống khác, như san hô.
Cua ký cư đỏ rạn san hô (Paguristes cadenati) dài 4cm, sống trên rạn san hô ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Đông Đại Tây Dương. Chúng cư trú trong các vỏ ốc trống để che chở cho phần bụng mềm cuộn lại.
Cua ký cư lông đỏ đốm trắng (Dadanus megistos) dài 13 - 20cm, được tìm thấy ở vùng biển ven bờ Đông Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Là loài “thuận tay trái”, chúng có càng bên trái lớn hơn.
Cua ký cư hải quỳ (Dadanus pedunculatus) dài 6 - 10cm, sống ở rạn san hô Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài này luôn cõng hải quỳ Calliactis trên vỏ. Hải quỳ cùng chia sẻ thức ăn với cua và tạo thành lớp ngụy trang bảo vệ cua.
Ghẹ nhung (Necora puber) dài 5 - 6,5cm, phổ biến ở khu vực có mực nước thấp ở các vùng bờ biển đá Đông Bắc Đại Tây Dương. Khá hiếu chiến, loài này có chân sau giống mái chèo, một đặc điểm giúp nhận diện các loài ghẹ.
Ghẹ xanh (Portunus pelagicus) dài 5 - 7cm, ưa thích các bờ biển cát hay bùn khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Giống như các họ hàng, loài cua bơi này săn mồi là động vật không xương sống khác. Con non của chúng sống ở vùng gian triều.
Cua san hô đốm to (Carpilius maculatus) dài 4,5 - 9cm, phân bố ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng là một trong ba loài cua có quan hệ họ hàng với nhau, có màu sáng, sống ở rạn san hô và có nhiều họ hàng hóa thạch.
Cua khúm núm xù xì (Calappa gallus) dài 4 - 6cm, phân bố ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài này thường đào hang trên cát. Do có tập tính dùng càng che mặt nên chúng còn được gọi là cua xấu hổ.
Cua nâu châu Âu (Cancer pagurus) dài 5 - 10cm, sống ngoài khơi các vùng biển châu Âu. Chúng có mai rộng đặc trưng, trông giống “vỏ bánh nướng”, có thể sống hơn 20 năm. Đây là loài cua châu Âu có vai trò quan trọng nhất về mặt thương mại.
Cua hải miên (Dromia personata) dài 4 - 5cm, sinh sống ở Đại Tây Dương. Loài này thường mang các mẩu hải miên để che giấu cơ thể. Chúng có chân sau tiêu giảm giống như ở các loài cua ký cư nguyên thủy họ hàng.
Cua đá cuội hoa (Leucosia anatum) dài 2 - 3cm, phân bố ở Ấn Độ Dương. Loài cua sặc sỡ này là thành viên của một họ gồm các loài của nhỏ, đa số có hình dạng tròn trịa như viên sỏi và có càng dài.
Cua nhện Nhật Bản (Macrocheira kaempferi) dài 30 - 40cm, phân bố ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Với sải chân dài 4m khi duỗi thẳng hết cỡ, chúng là loài động vật chân khớp lớn nhất thế giới. Loài này được cho là có thể sống tới 100 năm.
Cua đầu gai Panama (Stenorhynchus debilis) dài 1 - 3cm, được ghi nhận ở Đông Thái Bình Dương. Loài cua nhện nhỏ này có “mũi” dài, cuống mắt và đầu có gai. Chúng cư ngụ ở rạn san hô, chuyên ăn xác thối.
Cua đỏ đảo Christmas (Gecarcoidea natalis) dài 8 - 10cm, là loài cua đặc hữu ở các khu rừng trên đảo Christmas, hòn đảo thuộc Australia nằm ở Ấn Độ Dương. Sống trong hang, mỗi năm chúng di trú ra biển với số lượng khổng lồ để sinh sản.
Cua nước ngọt châu Âu (Potamon potamios) dài 4 - 5cm, phân bố ở phía Nam châu Âu. Chủ yếu sống trên cạn, chúng là thành viên của một họ lớn gồm nhiều loài cua lục địa Á – Âu sống ở vùng nước ngọt có tính kiềm.
Cáy (Uca vocans) dài 1 - 2cm, sống ở vùng biển bùn Tây Thái Bình Dương. Loài này cùng các họ hàng gần chuyên đào hang trên bờ biển. Chúng có cuống mắt dài đặc trưng.
Còng cơm Biển Đỏ (Ocypode saratan) dài 2 - 4cm, sống ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng là họ hàng xa của cáy. Cả hai nhóm này đều là các cư dân ở bờ biển, thường lẩn trốn rất nhanh khi thấy nguy hiểm.
Cà ra (Eriocheir sinensis) dài 5 - 6cm, có nguồn gốc ở Đông Á. Loài này được nhận dạng nhờ cặp càng có lông mịn bao phủ. Chúng đã được đưa vào Bắc Mỹ và châu Âu, trở thành loài xâm hại ở các khu vực này.
Cua nhện Thái Lan hay cua nhện tý hon (Limnopilos naiyanetri) dài 1cm, là loài cua bản địa Đông Nam Á. Có kích cỡ nhỏ và dễ sống trong điều kiện nhân tạo, chúng đã trở thành sinh vật cảnh được ưa chuộng trong các bể thủy sinh.
Cua huỳnh đế (Ranina ranina) dài 15 -20cm, được ghi nhận ở các vùng ven biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài này vùi mình dưới các tầng nền mịn như cát, chỉ có mắt nhô ra, để rình rập và tấn công các loài cá nhỏ sống ở đáy.
Cua dừa (Birgus latro) dài 30 - 40cm, cư trú ở các khu rừng trên đảo Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài cua họ hàng của tôm nhện này là động vật chân khớp lớn nhất trên cạn. Chúng dùng đôi càng lớn để ăn dừa.
Cua sứ hải quỳ (Petrolisthes ohshimai) dài 2cm, phân bố ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài này sống giữa đám hải quỳ Stichodactyla. Chúng thuộc nhóm giáp xác mười chân (gồm các loài tôm, cua), nhưng thực tế chỉ còn 8 chi, có họ hàng gần với tôm nhện hơn là cua thật.
P.V (Tổng hợp)