Khám phá quá trình chuẩn bị sinh của phi tần nhà Thanh: Không thể thiếu 2 món đồ đặc biệt giúp mẹ tròn con vuông
Sau khi các phi tần nhà Thanh mang thai, họ phải thực hiện hàng loạt chuẩn bị đậm bản sắc của người Mãn Châu.
Trong hậu cung nhà Thanh ở Trung Quốc, phi tần sinh hạ được xem là việc vô cùng quan trọng để nối dõi tông thất, Hoàng đế sở hữu tam cung lục viện, nhiều vợ đông con là chuyện bình thường.
Nếu tính từ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Hoàng Thái Cực cho đến Hàm Phong đế, 9 vị Hoàng đế có tổng cộng 249 phi tần, sinh được 195 con, trong đó có 113 hoàng tử và 82 công chúa.
Trong các tư liệu nhà Thanh được lưu trữ trong Cố cung, có hai tập hồ sơ ghi chép về việc mang thai và sinh con của các phi tần, từ đó giúp hậu thế hiểu thêm về phong tục sinh đẻ của phi tần nhà Thanh.
1. Đãi ngộ đặc biệt sau khi mang thai
Sau khi có thai, khẩu phần ăn của phi tần được tăng thêm nửa phần so với khẩu phần bình thường trước đó. Giai đoạn trước ngày lâm bồn, mẹ ruột của phi tần mang thai được phép vào cung chăm sóc con gái, cho đến khi đứa con đầy tháng thì có thể xuất cung. Thái giám tổng quản sẽ dành sự lưu ý nhiều hơn, kính sự phòng và ngự dược phòng luôn cử người túc trực ngày đêm.
Đồng thời, phi tần mang thai sẽ tạm thời bị hạn chế cử chỉ hành vi, cũng có thêm các bước như nói chuyện, xoa bụng… để giúp hoàng tử, công chúa ra đời trong tình trạng tốt nhất, thông minh và khỏe mạnh.
Ảnh minh họa.
2. Công tác chuẩn bị trước khi sinh
Sau khi các phi tần nhà Thanh mang thai, họ phải thực hiện hàng loạt chuẩn bị đậm bản sắc của người Mãn Châu.
Đào hố hỷ
Một cái "hố hỷ" được đào bên cạnh nơi ở của phi tần mang thai. Đào xong lại thả xuống đôi đũa (có nghĩa là sớm sinh quý tử), lụa đỏ, trang sức vàng bạc... “Hố hỷ” này cũng chính là nơi chôn nhau thai và dây rốn sau khi sinh con.
Chọn ma ma
Ma ma là cách gọi của những người phụ nữ từng kết hôn hoặc sinh con đủ trai và gái theo phong tục của người Mãn Châu.
Người bấy giờ tin rằng những ma ma này sẽ mang lại cát tường cho các sản phụ, tạo thêm nhiều phúc lành để sinh nở mẹ tròn con vuông. Các ma ma đều ở độ tuổi từ 20 đến 40, nhiệm vụ của họ là túc trực tại tẩm cung và chăm sóc trực tiếp cho phi tần mang thai.
Chuẩn bị đồ sinh
Đồ sinh ở đây chính là quần áo của trẻ mới ra đời, bao gồm quần, áo, yếm… chủ yếu được làm bằng tơ lụa thượng hạng để các hoàng tử, công chúa mặc lên người có cảm giác tốt nhất, không bị khó chịu.
Chuẩn bị dụng cụ “phụ sinh”
Những dụng cụ này chủ yếu bao gồm thùng gỗ lớn, bát gỗ, đồ sinh, thảm đen và các vật dụng khác.
Trong đó đặc biệt nhất là hai món hộ sinh không thể thiếu trong ngày lâm bồn của phi tần nhà Thanh: Đá dễ sinh và đao gỗ.
Đá dễ sinh, cái tên vừa nghe đã hiểu ngay tác dụng là gì. Loại đá này được lấy trên núi Trường Bạch, một ngọn núi lửa có hồ Thiên Trì (hồ trời) nổi tiếng. Đá dễ sinh chính là loại đá núi lửa giàu bọt khí, có đặc tính nổi trên mặt nước. Người dân xung quanh núi thường gọi là đá nổi. Người Mãn Thanh mượn đặc tính nổi bồng bềnh trên nước, ung dung theo dòng chảy của đá mà liên tưởng đến sự dễ dàng, thuận buồm xuôi gió. Họ thường đặt đá này trước cửa phòng sinh của phi tần, mong mẹ tròn con vuông, sinh nở suôn sẻ.
Đao gỗ được làm từ gỗ cây hòe mọc trên núi Trường Bạch. Người Trung Hoa thời bấy giờ quan niệm cây hòe có tác dụng xua đuổi tà ma, còn đại diện cho sự trung thành và đáng tin cậy.
Trong ngày phi tần lâm bồn, đao gỗ hòe đính thêm chỉ đỏ được treo trên cửa phòng sinh, ngăn cản tà ma đến quấy phá, giúp đứa bé sinh ra khỏe mạnh, không bị dị dạng, thai phụ sinh nở cũng thuận lợi hơn.
Video: Khám phá đoạn đường ‘bậc thanh lên thiên đường’ của Vạn Lý Trường Thành. Nguồn: Yang Fang/Tiền phong.