Một trong những sản phẩm du lịch của Sa Pa (Lào Cai) vừa ra mắt là show thực cảnh “Vũ điệu dưới Trăng,” được tạo nên từ chất liệu văn hóa dồi dào của 5 nhóm dân tộc thiểu số nơi đây. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Show diễn là sản phẩm du lịch do Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Sơn phối hợp Ủy ban Nhân dân thị xã Sa Pa thực hiện, ra đời nhân dịp kỷ niệm 120 năm kể từ khi vùng đất Tây Bắc này bắt đầu được khai thác du lịch. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Show “Vũ điệu dưới Trăng” kéo dài 40 phút, được thực hiện tại Sân quần thị xã Sa Pa. Có 6 màn trình diễn, gồm 5 màn diễn riêng cho 5 dân tộc và 1 màn chào kết, tái hiện cuộc sống lao động-sản xuất, sinh hoạt, thực hành tín ngưỡng… bằng không khí huyền bí. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Đêm diễn khai thác chất liệu của tộc người Dao Đỏ, Mông, Tày, Giáy, Xá Phó và Kinh, được thể hiện qua trang phục, điệu nhảy, âm nhạc. Mở đầu bằng phần thể hiện của người Dao Đỏ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Các nghệ sỹ múa sẽ tái hiện điệu nhảy “Vạn Phù” của thầy cúng người Dao. Các cô gái trong trang phục cô dâu truyền thống cho thấy vẻ đẹp tâm hồn, nhẹ nhàng, e lệ. Chính qua những điệu múa và thanh âm đặc trưng (gồm tiếng tù và, kèn Pí lè và trống, chuông), người Dao Đỏ thể hiện tinh thần lạc quan của mình. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Nhiều khán giả kéo đến Sân quần của thị xã để xem, bất chấp thời tiết mưa nhiều đợt. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Màn tiếp theo của người Mông có điệu múa khèn và múa gậy sênh tiền quen thuộc. Âm thanh trầm bổng, du dương, đi kèm tiếng lách cách của đạo cụ khiến những bước chân của các diễn viên như lên thác xuống đèo. Các cô gái xúng xính váy áo thể hiện sự tinh tế song cũng không kém phần mạnh mẽ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Bên cạnh phần nghe, phần nhìn ở mỗi màn trình diễn được trợ giúp đắc lực bằng các yếu tố sân khấu: Máy tạo sương, ánh sáng màu sắc tương tác với điệu nhạc, tạo nhấn nhá, dẫn dắt cảm xúc khán giả. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Các khán giả của show diễn này thường rất tập trung, dõi theo từng chuyển động, diễn biến âm thanh, ánh sáng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Màn diễn của người Xá Phó nổi bật với tiếng sáo mũi, một thanh âm đặc sắc của dân tộc mà họ gìn giữ, trao truyền. Tiếng sáo hòa nhịp tiếng chày giã gạo bung bung, bang bang như tiếp thêm sức mạnh để người Xá Phó đoàn kết xây dựng bản làng bình yên, hạnh phúc, lan tỏa cả cảm giác an lành cho du khách từ phương xa.
Sau vẻ thanh bình của người Xá Phó là nét huyền bí, tâm linh của người Tày. Màn biểu diễn tái hiện một thầy Then say sưa thực hiện nghi lễ truyền thống.
Quanh ông là những điệu múa uyển chuyển trong nhịp đàn tính, cho thấy nét đẹp của đời sống văn hóa tâm linh, tình yêu quê hương đất nước của người Tày. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Trái với tông màu trầm đen, tràm, thì trang phục của những cô gái Giáy thường có sắc nổi bật như hồng, xanh, cam… khăn đội đầu cũng khá sáng màu. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Điệu múa quạt trong trang phục truyền thống của những cô gái dân tộc Giáy như những cánh chim liệng bay trên bầu trời. Động tác múa uyển chuyển như mây núi bồng bềnh, gửi gắm khát vọng tự do, tinh thần vượt khó để xây dựng cuộc sống ấm no, phồn thịnh. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Cuối cùng là màn diễn tổng kết của cả 5 dân tộc - “Vũ điệu chung vui.” Hòa chung trong tiếng nhạc rừng, lời hát đồng ca của các em thiếu nhi tạo nên khí thế đoàn kết, chung tay bảo tồn văn hóa, hăng say lao động sản xuất, mở rộng vòng tay đón bạn gần, xa đến với miền đất có đỉnh Fansipan. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Diễn viên của “Vũ điệu dưới trăng” gồm cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên, nhằm hỗ trợ tạo thêm thu nhập bà con dân tộc tại đây. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Sau dịp kỷ niệm 120 năm, thị xã Sa Pa chưa có kế hoạch cụ thể để tiếp tục khai thác show diễn này do có kinh phí lớn. Để làm cẩn thận, chỉn chu, show “Vũ điệu dưới trăng” đòi hỏi mức tiền bỏ ra lên đến hơn nửa tỷ đồng. (Ảnh minh họa: Minh Anh/Vietnam+)
Nhận thấy show diễn nhận được sự ủng hộ và quan tâm lớn, nhà quản lý nơi đây đang có những tính toán tiếp theo để tiếp tục khai thác sản phẩm du lịch đặc sắc này. Các phương án gồm tiếp quản show từ đơn vị tư nhân, thực hiện xã hội hóa để giảm gánh nặng chi phí... (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)