Khám phá sắc thái văn hóa Mường trong ngày Xuân Ất Tỵ

Trong không gian Tết Ất Tỵ ấm cúng, du khách có cơ hội tìm hiểu những nét đặc sắc trong văn hóa của người Mường; tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn…

Ngày 2/2 (tức mùng 5 Tết Ất Tỵ), tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tiếp tục diễn ra các hoạt động trải nghiệm sắc thái văn hóa Mường, Hòa Bình.

Nổi bật là các hoạt động trình diễn, giao lưu tại khu vực trước tòa nhà Cánh diều. Du khách có cơ hội tìm hiểu những nét đặc sắc trong văn hóa của người Mường: Hát sắc bùa, cồng chiêng, đâm đuống, hát đập bông bông… thông qua hoạt động trình diễn và giao lưu trực tiếp với các nghệ nhân người Mường.

 Các nghệ nhân người Mường trình diễn điệu múa dân gian

Các nghệ nhân người Mường trình diễn điệu múa dân gian

Tại không gian nhà rông của dân tộc Ê đê, nhà Tày, nhà H'mông em nhỏ sẽ được chơi các trò chơi dân gian hấp dẫn như nhảy sạp, cỏ búng, đánh chỏ, đánh mảng, đập phủ phủ… Đây là các trò chơi dân gian truyền thống, được người Mường bảo tồn, lưu giữ và thực hành trong những ngày Xuân.

Không gian phía sau tòa nhà Trống đồng là khu vực ẩm thực của dân tộc Mường. Tại đây, du khách được thưởng thức các món ẩm thực dân tộc đặc trưng: Pa pỉnh tộp, pịa trâu, cá đày khay ớt, xôi màu, gà ớt thập cẩm…

 Không gian bếp của người Mường được tái hiện tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Không gian bếp của người Mường được tái hiện tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Theo các nghệ nhân ẩm thực xứ Mường, dân tộc Mường thường sống trong những thung lũng gần sông, suối. Trong môi trường như vậy, người Mường gắn bó với thiên nhiên và tạo nên những món ăn đặc trưng của dân tộc mình.

Người Mường thích ăn thức ăn có vị chua: Quả cà muối chua với cá; rau cải muối dưa, quả đu đủ muối dưa tép; rau sắn muối dưa cá; lá lồm nấu thịt trâu, bò; lá bểu, lá chua khao nấu cá suối; muối thịt trâu, tiết bò... Ngoài ra, người Mường cũng hay sử dụng ớt. Ớt được băm lẫn với lòng cá hay đầu, tiết luộc, ruột cắt nhỏ của gà, vịt... để làm gia vị trong nhiều món ăn.

 Đồng bào dân tộc Mường dựng cây bông - biểu tượng của vũ trụ, thường được sử dụng trong lễ hội Pôồn Pôông

Đồng bào dân tộc Mường dựng cây bông - biểu tượng của vũ trụ, thường được sử dụng trong lễ hội Pôồn Pôông

Theo ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Di sản văn hóa Mường, trong những năm gần đây, nhu cầu vui chơi giải trí của người dân tăng nhanh, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, đơn vị tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa Mường sẽ tạo thêm sự phong phú cho sân chơi ngày Tết, đồng thời góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa dân tộc Mường tới công chúng Thủ đô.

Bên cạnh các hoạt động trình diễn văn hóa Mường, trong dịp này tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn diễn ra các chương trình vui Xuân Ất Tỵ 2025 với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị.

Một số hình ảnh trong chương trình “Vui Xuân Ất Tỵ: Sắc thái văn hóa Mường, Hòa Bình” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam:

 Du khách hào hứng trải nghiệm nhảy sạp

Du khách hào hứng trải nghiệm nhảy sạp

 Khu vực bày chiêng Mường là điểm thu hút các em nhỏ

Khu vực bày chiêng Mường là điểm thu hút các em nhỏ

 Một gia đình trải nghiệm trò đâm đuống

Một gia đình trải nghiệm trò đâm đuống

 Du khách khám phá bộ lịch Tre (lịch Đoi/Roi) của người Mường Hòa Bình

Du khách khám phá bộ lịch Tre (lịch Đoi/Roi) của người Mường Hòa Bình

 Trò chơi đi cầu thăng bằng là một thử thách thật sự không chỉ với trẻ em mà cả người lớn

Trò chơi đi cầu thăng bằng là một thử thách thật sự không chỉ với trẻ em mà cả người lớn

 Không gian tái hiện cối giã gạo bằng sức nước

Không gian tái hiện cối giã gạo bằng sức nước

 Gian hàng ẩm thực Mường thu hút nhiều du khách

Gian hàng ẩm thực Mường thu hút nhiều du khách

 Các em nhỏ trải nghiệm nặn tò he

Các em nhỏ trải nghiệm nặn tò he

 Trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam diễn ra nhiều chương trình vui Xuân hấp dẫn, thú vị

Trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam diễn ra nhiều chương trình vui Xuân hấp dẫn, thú vị

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kham-pha-sac-thai-van-hoa-muong-trong-ngay-xuan-at-ty-post332717.html