Khám phá trời Âu bằng tham gia chương trình tình nguyện quốc tế

Tạm xa Việt Nam 10 tháng, hai nữ sinh GenZ quyết định tham gia chương trình tình nguyện quốc tế 'Service Civique' tại Pháp, của tổ chức 'Délégation Catholique pour la Coopération (DCC)' để khám phá những điều mới mẻ ở một đất nước thuộc châu Âu.

Nguyễn Ngọc Tường Vy (năm thứ hai, khoa Văn hóa học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) quyết định tạm dừng việc học đại học ở Việt Nam để tham gia chương trình tình nguyện quốc tế. Đây là một quyết định khá mạo hiểm nhưng cũng là một trải nghiệm đầy thú vị đối với cô. Còn với Ngô Thị Kiều Oanh (cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Pháp, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM), cô biết đến và tham gia chương trình ngay khi tốt nghiệp, với mong muốn được tìm hiểu thêm về một vùng đất mới.

Thoát khỏi vùng an toàn của chính mình

Được sống trong sự bảo bọc của gia đình từ bé, Tường Vy tự nhận thấy mình còn quá non trẻ khi bước ra đời. Vì vậy, cô luôn muốn phá bỏ “cái kén” của chính mình để bước ra “thế giới” rộng lớn bên ngoài: Tường Vy chọn Pháp chỉ đơn giản là vì bản thân mình muốn đi Pháp. “Và rồi chương trình này xuất hiện như một định mệnh đến với mình. Ở Việt Nam, mình vẫn có cảm giác quá quen thuộc, quá an toàn vì mình vẫn còn gần gia đình, gần bạn bè. Nhiều lần mình cũng tự hỏi bản thân rằng: “Nếu như mình đi sang một đất nước khác, ở đó không phải là ngôn ngữ quen thuộc của mình, không một ai thân cận với mình thì liệu mình có thể vượt qua được không?” Cho nên, mình muốn đi nước ngoài để thật sự phá bỏ rào cản đó. Mình muốn xem thử bản thân có tự xoay sở, tự sống ở một nơi xa lạ được không”, Tường Vy chia sẻ.

Tường Vy luôn quan niệm đi để trưởng thành. (Ảnh: NVCC)

Tường Vy luôn quan niệm đi để trưởng thành. (Ảnh: NVCC)

Và khi thoát ra khỏi vùng an toàn của chính mình thì cô lại thấy mình trưởng thành hơn: “Thật ra trước giờ mình là người rất hay sợ, mà một khi đã sợ, mình sẽ chạy trốn, mình ít khi nào dám đối diện với nỗi sợ của mình. Như việc sợ ở một mình chẳng hạn, nhưng qua đến đây rồi, mình đã quen với việc ngủ một mình”.

Tường Vy tự nhận thấy bản thân đạt được rất nhiều khi cố gắng thoát ra khỏi vùng an toàn. Cô kết giao thêm nhiều bạn bè quốc tế hơn. Ở môi trường có nhiều tư tưởng sống, nhiều nền văn hóa giao thoa với nhau, Tường Vy được mở mang thêm nhiều điều, khiến tính cách cô cũng cởi mở hơn nhiều so với trước. “Không hiểu sao ngày trước mình rất ít đi du lịch nhưng bây giờ mình lại mong muốn được xê dịch đến thế!”, Tường Vy tâm sự.

Trân trọng những điều mình đang có

Đối diện với những khó khăn khi một mình đến Pháp, Tường Vy đón nhận những điều ấy một cách nhẹ nhàng, lạc quan: “Công việc hằng ngày của mình là giúp đỡ những người có vấn đề về sức khỏe tinh thần. Ở đây, mình được sống chung với họ như một gia đình. Mình phải chỉ dẫn cho họ cách giải quyết những vấn đề nhỏ trong cuộc sống thường nhật. Những công việc này giúp mình học được cách lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn. Nhờ vậy mà mình trở nên kiên nhẫn hơn, điềm đạm hơn”, Tường Vy bộc bạch.

Chương trình tình nguyện này giúp Tường Vy biết trân trọng cuộc sống của mình hơn. (Ảnh: NVCC)

Chương trình tình nguyện này giúp Tường Vy biết trân trọng cuộc sống của mình hơn. (Ảnh: NVCC)

Nhớ lại trước đây, ngày đầu tiên khi gặp những người bệnh thì Vy đã bị sốc và “đứng hình” tại chỗ. Vy không biết giải quyết như thế nào mỗi khi họ rơi vào trạng thái bất ổn về tâm lý. Nhưng sau đó, Vy đã học được kỹ năng quan sát, giữ bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc để giúp họ vượt qua. Nhờ hoạt động tình nguyện này mà Vy cảm thấy biết ơn những điều mình đang có, Vy nhận ra nhiều điều khiến mình trân trọng cuộc sống này hơn.

Còn với Kiều Oanh, được giúp đỡ những người bệnh nơi đây là điều hạnh phúc đối với cô. Kiều Oanh trải lòng: “Mình học được rất nhiều điều, nhưng điều mình muốn chia sẻ nhất là học cách yêu thương. Khi nhìn vào những người mắc bệnh về sức khỏe tinh thần, lúc đầu, mình luôn thấy họ là những người luôn ồn ào, phiền phức. Thật khó để có thể yêu thương họ, thật khó để tìm ra vẻ đẹp nơi họ. Những ngày qua ngày, mình dần thấu cảm được nỗi lòng của họ, bởi không ai mong muốn bản thân mắc bệnh cả. Và rồi, mình đã khám phá ra những vẻ đẹp của họ, có khi là sự đơn sơ, có khi là sự chân thành, hay là sự quan tâm đến người khác. Cứ thế, mình cảm thấy yêu mến họ, như những người anh chị em của mình vậy. Càng có tình thương với họ, mình lại càng trân trọng cuộc sống của mình hơn”.

Kiều Oanh với mong muốn đi đến vùng đất mới để học hỏi những điều mới. (Ảnh: NVCC)

Kiều Oanh với mong muốn đi đến vùng đất mới để học hỏi những điều mới. (Ảnh: NVCC)

Tình nguyện quốc tế: Khó hay dễ?

Kiều Oanh cho rằng, chương trình tình nguyện quốc tế này “vừa khó, vừa dễ:: “Thứ nhất, đây là chương trình được tổ chức chi trả toàn bộ chi phí nên tỉ lệ chọi khá cao vì có nhiều tình nguyện viên đến từ các quốc gia trên thế giới. Thứ hai, công việc tình nguyện ở đây khá chuyên biệt khi phải tiếp xúc và chăm sóc người bệnh. Và thứ ba là yêu cầu về ngoại ngữ nên có thể sẽ làm “nhụt chí” nhiều người. Tuy nhiên, nếu hiểu rõ được bản chất của chương trình mà mình dự định tham gia và tìm ra được những khó khăn, giải pháp để vượt qua nó thì bạn đã một phần chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được mình đã sẵn sàng cho hoạt động này và tỉ lệ được trúng tuyển sẽ tăng lên”.

Đây là chuyến đi xa với nhiều trải nghiệm thú vị và sâu sắc của hai cô gái. (Ảnh: NVCC)

Đây là chuyến đi xa với nhiều trải nghiệm thú vị và sâu sắc của hai cô gái. (Ảnh: NVCC)

Nói về bí quyết để trúng tuyển, Tường Vy chia sẻ thêm: “Mình cũng không có cách gì cao siêu. Xét về profile thì bản thân mình chỉ tham gia các hoạt động tình nguyện thuộc câu lạc bộ ở trường và các hoạt động thuộc cộng đồng Pháp ngữ nói chung. Đối với chương trình mình tham gia thì mình phải gửi cho Ban Tổ chức bản CV và một lá thư động lực. Trong lá thư, mình có trình bày về nguyên nhân mình muốn tham gia, mức độ tìm hiểu của mình đối với chương trình này, với tổ chức và cuối cùng là trình bày khả năng mình có để đáp ứng được nhiệm vụ. Đối với nguyên nhân, mình sẽ cố gắng trình bày cụ thể nhất mục đích và mong muốn của bản thân. Vì mình nghĩ, tổ chức sẽ dựa vào những điều đó để đánh giá sự phù hợp của mình với chương trình của họ. Và tất nhiên, khả năng ngoại ngữ cũng là một điều vô cùng quan trọng, bởi lẽ nó là điều cơ bản nhất, thể hiện cho việc mình có thể tự xoay sở ở một quốc gia khác hay không”.

Gặp gỡ thêm nhiều người mới và có cùng chí hướng cũng là điều mà Tường Vy trân quý. (Ảnh: NVCC)

Gặp gỡ thêm nhiều người mới và có cùng chí hướng cũng là điều mà Tường Vy trân quý. (Ảnh: NVCC)

Học cách yêu thương là điều ý nghĩa nhất mà Kiều Oanh rút ra được khi tham gia chương trình tình nguyện này. (Ảnh: NVCC)

Học cách yêu thương là điều ý nghĩa nhất mà Kiều Oanh rút ra được khi tham gia chương trình tình nguyện này. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về quan điểm người hướng nội không phù hợp với hoạt động cộng đồng, Tường Vy cho biết, cô cảm thấy hướng nội hay hướng ngoại không phải là vấn đề lớn. Với Vy quan trọng là bản thân người trẻ tìm thấy được sự phù hợp với mình thì hoàn toàn có thể thực hiện tốt mục tiêu. “Người hướng nội vẫn có thể phù hợp với hoạt động cộng đồng đặc biệt là những công việc liên quan đến con người. Một người hướng nội sẽ biết dành thời gian cho bản thân mình và họ sẽ có một sự kiên nhẫn nhất định trong công việc và cuộc sống. Chính vì vậy mà khi làm việc với những người gặp vấn đề về sức khỏe tâm lý, họ hoàn toàn có cách xử lý khéo léo để giúp cho người bệnh bình tĩnh và kiểm soát được hành vi, cảm xúc của mình tốt hơn”, Vy chia sẻ.

Hồng Hoa

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/kham-pha-troi-au-bang-tham-gia-chuong-trinh-tinh-nguyen-quoc-te-post1570976.tpo