Khám sức khỏe định kỳ toàn dân, bước ngoặt phòng ngừa bệnh tật
HNN - Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại mục tiêu phấn đấu để mỗi người dân được kiểm tra sức khỏe ít nhất 1 lần/năm và nâng dần mức tuổi thọ trung bình của người dân.

Khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Phú Vang. Ảnh: Minh Trí
Sáng 17/4, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 thành phố Hà Nội (Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại mục tiêu phấn đấu để mỗi người dân được kiểm tra sức khỏe ít nhất 1 lần/năm và nâng dần mức tuổi thọ trung bình của người dân. Tổng Bí thư Tô Lâm còn yêu cầu lãnh đạo cấp xã tới đây phải nắm được tình hình sức khỏe của người dân, mỗi năm người dân có được đi khám sức khỏe ít nhất một lần không, có bao nhiêu người trong năm chưa được đến cơ sở y tế, làm sao phải mời được bác sĩ đến trung tâm y tế kiểm tra sức khỏe cho người dân...
Tổng Bí thư nói đại ý, nếu toàn dân ai cũng được kiểm tra sức khỏe thì chủ tịch UBND các xã, phường lúc đó sẽ nắm được trên địa bàn mình quản lý có bao nhiêu người bị bệnh tim, bao nhiêu người bệnh gan, bao nhiêu người cao huyết áp..., để từ đó có kế hoạch bảo vệ sức khỏe Nhân dân hiệu quả hơn.
Từ yêu cầu này của Tổng Bí thư, có thể thấy việc “mỗi năm người dân phải được kiểm tra sức khỏe ít nhất một lần” không đơn thuần là mục tiêu y tế. Đó là lời cam kết biến mô hình chính quyền hai cấp – tỉnh và xã – thành bộ máy phục vụ Nhân dân bằng những dịch vụ cụ thể, hữu hình.
Khi mọi thủ tục hành chính được “kéo” xuống cấp xã, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu trở thành chỉ số trực tiếp phản ánh hiệu lực cải cách: xã, phường có giải quyết việc của dân nhanh hơn, gần hơn, minh bạch hơn hay không. Nói cách khác, y tế dự phòng lấy cộng đồng làm trung tâm chính là “phép thử” sớm nhất, sinh động nhất cho khẩu hiệu “tinh gọn nhưng hiệu quả”.
Mục tiêu phấn đấu để mỗi người dân được kiểm tra sức khỏe ít nhất 1 lần/năm còn đánh dấu sự dịch chuyển từ mô hình điều trị sang mô hình phòng ngừa trong y tế.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn dân số già hóa với gánh nặng bệnh không lây nhiễm tăng nhanh; ước tính cứ 4 ca tử vong thì 3 ca liên quan trực tiếp đến tim mạch, ung thư, đái tháo đường hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Khám sàng lọc hàng năm giúp phát hiện sớm, can thiệp sớm, giảm chi phí y tế dài hạn và giảm tải bệnh viện tuyến trên.
Khi Chủ tịch UBND xã nắm trong tay bản đồ sức khỏe cộng đồng – biết bao nhiêu người tăng huyết áp, bao nhiêu ca nguy cơ đột quỵ… địa phương có thể chủ động tổ chức truyền thông dinh dưỡng, lớp tập thể dục, hoặc thậm chí thương thảo với siêu thị để giảm giá thực phẩm lành mạnh. Mục tiêu phấn đấu để mỗi người dân được kiểm tra sức khỏe ít nhất 1 lần/năm đòi hỏi “mọi thủ tục phải ở cấp xã”, biến trạm y tế xã thành bản lề của cải cách hành chính.
Người dân không còn cảnh xếp hàng tại bệnh viện thành phố chỉ để xin giấy khám sức khỏe lao động; doanh nghiệp địa phương không mất một ngày “chạy giấy” cho hồ sơ vệ sinh an toàn thực phẩm. Thông qua hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử liên thông, xã có thể ký số kết quả, gửi lên cổng dịch vụ công, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch.
Mục tiêu này cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức. Đầu tiên là năng lực trạm y tế xã với việc phần lớn đang thiếu bác sĩ thường trú, thiết bị xét nghiệm cơ bản. Tiếp đến là nguồn lực tài chính cũng như chuyển đổi số. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là tư duy “có tầm nhìn lâu dài, vì nước, vì dân” phải thấm vào từng cán bộ cơ sở, như Tổng Bí thư Tô Lâm liên tục yêu cầu đối với lãnh đạo các địa phương trong các chỉ đạo gần đây liên quan đến chuyện sáp nhập phường xã, tỉnh thành. Khi Chủ tịch UBND xã coi việc theo dõi huyết áp người cao tuổi hay tư vấn cai thuốc lá cho thanh niên là “hồ sơ công việc” chứ không phải “việc ngành y”, chính quyền lúc đó mới thực sự gần dân, do dân, vì dân.
Mục tiêu phấn đấu để mỗi người dân được kiểm tra sức khỏe ít nhất 1 lần/năm mà Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra không chỉ bảo vệ mạng sống, giảm chi phí điều trị, mà còn là tiêu chuẩn vàng đánh giá thành công của mô hình chính quyền hai cấp.
Nếu chúng ta biến trạm y tế xã thành “cửa ngõ” của hệ thống y tế dự phòng, Việt Nam sẽ tiến thêm một bước dài trên con đường nâng tuổi thọ trung bình cho người dân, xây dựng quốc gia thịnh vượng, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.