Diễn biến mới trong việc hoàn thiện cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe

Tuyến cao tốc CT.07, đoạn Hà Nội Thái Nguyên có tổng chiều dài khoảng 70,60 km, đi qua 3 địa phương là TP. Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên hiện có quy mô 4 làn xe.

Một đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Một đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 4108/VPCP - CN gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng về đề xuất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cao tốc CT.7 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên theo phương thức PPP.

Công văn cho biết, đối với kiến nghị của Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cao tốc CT.07, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên theo phương thức PPP, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì xử lý, báo cáo Thủ tướng trước ngày 19/5/2025.

Trước đó, vào tháng 3/2025, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành đã có văn bản Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chấp thuận cho đơn vị này là nhà đầu tư lập đề xuất Dự án đầu tư hoàn chỉnh cao tốc CT.07, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc 6 làn xe hoàn chỉnh, theo hình thức PPP bằng chi phí của nhà đầu tư.

Trường hợp Dự án không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì nhà đầu tư chịu mọi chi phí, rủi ro của việc lập đề xuất dự án.

Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành cam kết hoàn thành hồ sơ lập đề xuất dự án trong 4 tháng, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Nhà đầu tư, bằng kinh nghiệm và sự hiểu biết chuyên sâu về đầu tư dự án PPP sẽ tổ chức thực hiện công việc đúng tiến độ, chuyên nghiệp và hiệu quả; đồng thời sẽ tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.

Tuyến cao tốc CT.07 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên dài 70,6 km, bao gồm 2 phân đoạn: đoạn 1 từ nút giao Ninh Hiệp (giao với Quốc lộ 1 mới về phía Bắc cầu Phù Đổng) đến nút giao Tân Lập, được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chỉnh phủ Việt Nam; đoạn 2 từ nút giao Tân Lập đến nút giao Tân Long được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng năm 2014.

Trong đó, đoạn Hà Nội (Km0+00) - Sóc Sơn (Km25+680) có quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc 100 km/h; mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh với 2 dải dừng khẩn cấp.

Đoạn Sóc Sơn (Km25+680) - Thái Nguyên (Km61+250) có quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế giai đoạn 1 là 80 km/h; mặt cắt ngang 2 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, điều chỉnh vị trí vạch sơn thành 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường ô tô với 2 làn dừng khẩn cấp.

Đoạn Km61+250 - Km62+410 có quy mô đường cao tốc loại, vận tốc thiết kế giai đoạn 1 là 80 km/h; mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh với 2 dải dừng xe khẩn cấp.

Đoạn Tân Lập (Km62+410) - Tân Long (Km70+600) có quy mô đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h; mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh với 2 dải dừng xe khẩn cấp.

Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường bộ cao tốc CT.07 Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng có quy mô 4-6 làn xe hoàn chỉnh, trong đó đoạn Hà Nội - Thái Nguyên quy mô 6 làn xe; thời gian đầu tư trước năm 2030.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dien-bien-moi-trong-viec-hoan-thien-cao-toc-ha-noi---thai-nguyen-len-6-lan-xe-d283616.html