Khám sức khỏe tình cờ phát hiện u hiếm gặp

Nam bệnh nhân tình cờ phát hiện mắc u tế bào hạt ở vú phải khi đến khám sức khỏe. Đây là một căn bệnh hiếm gặp.

Bệnh nhân mắc u tế bào hạt là N.V.A, 41 tuổi (ở Đống Đa, Hà Nội) có tiền sử tăng huyết áp điều trị thường xuyên. Cuối tháng 9/2022, người bệnh đau đầu dữ dội vùng thái dương, kèm buồn nôn, nôn nhiều, sợ ánh sáng, không yếu liệt.

Bệnh nhân đến khám tại một bệnh viện ở Hà Nội, được chẩn đoán là theo dõi đau đầu do căng thẳng và đã điều trị nội khoa theo đơn của bác sĩ, tình trạng đau đầu thuyên giảm. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn còn lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mình nên đến khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Bạch Mai.

Quá trình thăm khám tình cờ phát hiện khối u vú phải, bệnh nhân nhập viện vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục chẩn đoán và điều trị.

Qua thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cần thiết chẩn đoán xác định bệnh nhân mắc u tế bào hạt vú phải lành tính/ tăng huyết áp.

Bệnh nhân được hội chẩn chuyên khoa phẫu thuật lồng ngực và được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u vú phải. Sau phẫu thuật, vết thương liền tốt, không gặp các biến chứng hậu phẫu.

Bệnh nhân tiếp tục được hội chẩn hội đồng đa chuyên khoa tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, quyết định theo dõi định kỳ sau phẫu thuật.

U tế bào hạt thường gặp nhất ở da, mô dưới da, khoang miệng và đường tiêu hóa nhưng cũng có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Ảnh minh họa.

U tế bào hạt thường gặp nhất ở da, mô dưới da, khoang miệng và đường tiêu hóa nhưng cũng có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Ảnh minh họa.

U tế bào hạt thường thấy ở nữ giới

Theo PGS.TS.Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai, u tế bào hạt (Granular cell tumor) là những khối u hiếm gặp có nguồn gốc từ tế bào Schwann. U thường gặp nhất ở da, mô dưới da, khoang miệng và đường tiêu hóa. Tuy nhiên, các khối u này có thể xảy ra bất cứ ở đâu trong cơ thể, bao gồm vú, bàng quang, hệ thần kinh, đường hô hấp và hệ tiết niệu.

Loại khối u này có thể gặp ở tất cả các nhóm tuổi và giới tính, nhưng thường được tìm thấy ở nữ giới khoảng 40-60 tuổi.

Những khối u tế bào hạt thường xuất hiện dưới dạng các nốt sần đơn độc, không đau, có kích thước nhỏ hơn 3-4cm và đa số phát hiện tình cờ do ít có triệu chứng trên lâm sàng.

Hiện tại chưa có báo cáo hay thống kê đầy đủ nào về số lượng cũng như tỉ lệ phát hiện u tế bào hạt trên thế giới, chủ yếu là những báo cáo về các ca hoặc chuỗi ca lâm sàng riêng rẽ.

Đa số u tế bào hạt là lành tính, tuy nhiên dựa trên những tiêu chí về mô bệnh học hoặc sự xuất hiện của các tổn thương di căn, 1-2% các tổn thương này có thể là ác tính, tiên lượng xấu, ít lựa chọn điều trị ngoài phẫu thuật cắt bỏ.

Trước đây, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai đã từng điều trị cho trường hợp mắc u tế bào hạt ở buồng trứng. Đặc trưng lâm sàng của loại mô bệnh học này là tình trạng rong kinh rong huyết kéo dài do tế bào hạt tăng tiết estrogen dẫn đến tăng sinh niêm mạc tử cung.

Theo các chuyên gia, tỉ lệ gặp u tế bào hạt ở người lớn trong ung thư buồng trứng là 3-5%. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính trong điều trị ban đầu cũng như khi bệnh tái phát hoặc tiến triển, hóa trị thường được chỉ định khi bệnh tiến triển hoặc không thể phẫu thuật được. Tuy nhiên, khoảng 1/3 bệnh nhân tái phát hoặc tiến triển sau 4-7 năm dẫn đến khoảng 50% bệnh nhân tử vong trong nhóm bệnh này.

Minh Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/kham-suc-khoe-tinh-co-phat-hien-u-hiem-gap-169230112180557992.htm