Chủ động phòng ngừa một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Một số loại dịch bệnh truyền nhiễm đang có diễn biến hết sức phức tạp trên phạm vi cả nước. Trong đó có những loại bệnh đã lâu không xuất hiện ca bệnh, tưởng đã được khống chế nhưng nay bỗng quay trở lại với mức độ lây lan nhanh, gây lo lắng cho người dân.

Đáng chú ý căn bệnh bạch hầu - một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX, vừa khiến một người tại tỉnh Nghệ An tử vong. Hiện các đơn vị chức năng đã khoanh vùng được ổ dịch, cách ly, theo dõi hơn 100 người đã tiếp xúc với bệnh nhân tử vong. Trước đó, vào năm 2023, căn bệnh này đã xuất hiện ở Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên, làm 55 người mắc, 7 trường hợp tử vong.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, nguy cơ tử vong cao.

Ngoài bệnh bạch hầu, một loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác cũng đang có dấu hiệu gia tăng như: ho gà, sốt xuất huyết

Riêng tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận 8 ca mắc ho gà; gần 1,5 ngàn ca sốt xuất huyết, trong đó có 1 ca tử vong. Dự báo của ngành y tế cho thấy, với tình hình thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều như hiện nay, dịch bệnh truyền nhiễm sẽ có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới. Vì vậy, thời điểm này, thay vì lo lắng, hoang mang, người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh.

Với những loại bệnh truyền nhiễm đã có vaccine như bạch hầu, ho gà, quan trọng nhất vẫn là phải được tiêm ngừa đầy đủ các mũi, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám kịp thời. Vì đây là những căn bệnh truyền nhiễm có diễn tiến bệnh nhanh, biểu hiện bệnh có nhiều điểm tương đồng nên việc chẩn đoán, điều trị phải được các bác sĩ chuyên khoa ở cơ sở y tế thực hiện. Người dân không tự ý mua thuốc về uống vì rất dễ “bắt” sai bệnh, vừa phải kéo dài thời gian điều trị, vừa gây tốn kém, lại kéo theo nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng tử vong cao.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202407/chu-dong-phong-ngua-mot-so-benh-truyen-nhiem-nguy-hiem-ed75854/