Khẩn cấp cứu sống thai nhi bị sa dây rau
Kíp trực phát hiện dây rau của sản phụ bị sa qua cổ tử cung ra âm đạo. Nếu không cấp cứu kịp thời, dây rau sẽ bị đầu thai nhi chèn vào phần khung xương chậu gây nên tình trạng ngưng trễ tuần hoàn mẹ con.
Ngày 9/11, BV Sản Nhi Nghệ An cho biết, các bác sĩ vừa cứu sống trẻ sơ sinh con sản phụ Phan Thị Hảo (27 tuổi, huyện Yên Thành, Nghệ An) bị sa dây rau nguy kịch.
Trước đó, sáng ngày 05/11, sản phụ Hảo nhập viện sinh con đầu, thai 40 tuần 2 ngày. Bệnh nhân được theo dõi sát tại Phòng đẻ. Đến tối cùng ngày, khi cổ tử cung sản phụ mở 3cm, bác sĩ thăm khám và phát hiện sa dây rau.
Theo các bác sĩ, dây rau là sợi dây duy nhất kết nối giữa mẹ và thai nhi. Đây cũng là con đường cung cấp chất dinh dưỡng từ mẹ đến bé.
Về trường hợp của sản phụ, kíp trực phát hiện dây rau bị sa qua cổ tử cung ra âm đạo. Nếu không cấp cứu kịp thời, dây rau sẽ bị đầu thai nhi chèn vào phần khung xương chậu gây nên tình trạng ngưng trễ tuần hoàn mẹ con, làm thai nhi không trao đổi chất được với mẹ. Oxy sẽ không truyền được cho bé thì nguy cơ bé tử vong ngay trong bụng mẹ. Vì vậy, các bác sĩ chỉ định cấp cứu khẩn cấp.
"Khẩn trương mổ cấp cứu lấy thai tối khẩn. Sản phụ sa dây rau. Một người đẩy cáng, người lo đường truyền, người giữ tay cố định ngôi thai không chèn dây rau. Lên ngay phòng mổ. Cứu bé". Đó là những định gấp gáp của bác sĩ trong êkip trực khoa Sản tối 5/11 vang lên.
Cấp cứu! Cứu bé! Bé đang ngạt dần trong bụng mẹ do dây rau- con đường vận chuyển oxy dưỡng thai đang bị mắc kẹt. Thời điểm ấy, mạng sống của bé chỉ còn tính từng phút, từng giây. Cả êkip trực vào guồng hối hả, bác sĩ Trần Cảnh, Khoa Phụ (BV Sản nhi Nghệ An) kể lại.
Chỉ sau ít phút báo động, ca phẫu thuật đã được tiến hành. Bé gái 3,1 kg khóc chào đời trong tiếng thở phào và hân hoan của kíp trực.
Sau sinh, sản phụ Hảo và em bé đã ổn định. Bé đã tự thở tốt, da môi hồng, không có dấu hiệu bất thường.
Theo bác sĩ Trần Cảnh, có nhiều nguyên nhân gây sa dây rau như: Mẹ đẻ nhiều lần nên ngôi thai bình chỉnh không tốt, khung chậu hẹp, méo và có khối u tiền đạo và kèm theo vỡ ối đột ngột. Khi bị sa dây rau khi chuyển dạ, sản phụ có dấu hiệu ra nhiều nước ối, cổ tử cung thường chưa mở hết, ngôi thai còn cao, có thể là ngôi bất thường… Do đó, trong thai kỳ, thai phụ nên đi khám thường xuyên để được theo dõi, xử lý kịp thời.