Khẩn cấp nhưng… từ từ
Trong đời sống xã hội, có những việc buộc phải tiến hành từng bước một cách chậm rãi, nhưng cũng có những việc đòi hỏi phải xử lý khẩn cấp. Một phát minh khoa học không thể ra đời trong tình trạng 'khẩn cấp' mà cần thời gian nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn thiện.
Ngược lại, khi một cơn bão ập đến hay một người rơi vào tình trạng nguy kịch về sức khỏe, nếu bảo “từ từ” thì rõ ràng là không thể chấp nhận... Khẩn cấp là tình huống đòi hỏi con người phải hành động nhanh nhất có thể để giải quyết một vấn đề phát sinh trong đời sống.
Chẳng hạn, xe cấp cứu luôn gắn dòng chữ “emergency”, được phép hú còi liên tục để các phương tiện khác nhường đường, thậm chí được ưu tiên vượt đèn đỏ tại các ngã tư.
Từ đó có thể suy ra các tình huống khẩn cấp khác, như khi xảy ra sự việc cấp bách liên quan đến quốc gia, trước đây bưu điện từng phải chuyển công văn theo chế độ “thượng khẩn”, khác hẳn với các loại thư từ gửi theo chế độ thông thường.
Thế nhưng, cách nay độ gần chục năm, có một việc khẩn cấp mà người trong cuộc phải dở khóc dở cười. Một doanh nghiệp nọ khi đang thi công công trình, bất ngờ phát hiện nơi ấy có nhiều cổ vật. Theo luật, người ta báo với cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp dừng thi công, cử lực lượng đến canh giữ, rồi cho lập phương án khai quật khẩn cấp.
Nhưng phương án được lập mất hàng tháng, rồi họp bàn, chờ phê duyệt, mất đứt năm rưỡi. Doanh nghiệp kêu trời, cán bộ chờ đợi cũng mệt mỏi. Khi bắt tay vào khai quật “khẩn cấp” thì than ôi, hiện vật chỉ còn lại vài mảnh vụn còn hiện trạng trước đó đã bị xới tung, vỡ nát.
Nó tựa như trong truyện của nhà văn E. Hemingway, một lão ngư nọ vần mãi với một con cá lớn, khi kéo lên được thì chỉ còn thấy bộ xương. Bản chất sự việc cần khẩn cấp, nhưng làm theo lối… từ từ, ắt đem lại kết quả như vậy.
Hóa ra, điều cốt lõi là phải xác định rõ như thế nào là tình huống khẩn cấp và cần có quy định cụ thể về quy trình ứng xử trong tình huống ấy. Khi thiếu các quy tắc hướng dẫn rõ ràng, người ta sẽ mặc nhiên lựa chọn cách làm… từ từ.
Ngay cả những người muốn hành động nhanh, đúng tinh thần khẩn cấp cũng không thể thực hiện được nếu không có cơ sở pháp lý hay quy định hỗ trợ cho quyết định của mình.
Liên tưởng đến chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính, sáp nhập đơn vị hành chính hiện nay, một chính sách lớn, được đồng thuận rộng rãi có thể không được gọi là “khẩn cấp”, nhưng rõ ràng cần được triển khai khẩn trương trong một quỹ thời gian giới hạn với một tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Vấn đề là, liệu tất cả đã sẵn sàng cho tinh thần khẩn trương đó chưa? Ở đâu có sự chuẩn bị đầy đủ, việc dù khó mấy cũng có thể thông suốt. Nhưng ở đâu thiếu chuẩn bị, thiếu quyết tâm, thì nghịch lý “khẩn cấp nhưng làm từ từ” sẽ lại tái diễn.
Thực hiện khẩn trương nhưng vẫn phải có sự chuẩn bị chu đáo, lường trước các tình huống phát sinh, nếu không, kết quả cuối cùng cũng chỉ ở mức cầm chừng, thậm chí phản tác dụng.
Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, công chức vẫn giữ tác phong chậm chạp, thiếu tinh thần trách nhiệm. Buổi sáng thong thả nhâm nhi cà phê, đến giữa buổi mới tới cơ quan, lướt qua công việc lấy lệ rồi bắt đầu tính bài “chuồn”. Có người “lừ đừ như ông từ vào đền”, bước chân không nhanh, đầu óc lại càng không động.
Các chương trình đào tạo hành chính công đều nhấn mạnh yêu cầu về tác phong công nghiệp, nhưng lý thuyết là một chuyện, còn thực tiễn lại hoàn toàn khác. Chính sự “lừ đừ” ấy phản ánh sự thiếu nhiệt huyết, thiếu trách nhiệm trong công vụ. Mà đã không có nhiệt huyết thì khó lòng hoàn thành được những công việc lớn lao, thậm chí là cả những nhiệm vụ cơ bản nhất.
Do đó, trong tiến trình sắp xếp lại bộ máy quản lý hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Bởi một khi người ta không còn tha thiết với công việc, thì giải pháp hợp lý nhất chính là… cho nghỉ việc.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/khan-cap-nhung-tu-tu-134548.html