'Khán giả của chúng tôi vẫn rất yêu chèo'

Trò chuyện với NSƯT THU HUYỀN - cái tên đã rất quen thuộc với những người yêu mến chèo, để thấy những người say mê, coi chèo là lẽ sống luôn tràn đầy niềm tin về sự tồn tại của nghệ thuật truyền thống. 'Chèo hay nghệ thuật truyền thống không bao giờ mất đi. Khán giả của chúng tôi rất điềm tĩnh, âm thầm, nhẹ nhàng nhưng vẫn yêu chèo', NSƯT Thu Huyền nói.

Đưa chèo đến muôn phương

- Trong đời sống thuở xưa, chèo có vị trí quan trọng, thân quen mỗi khi tới hội làng mùa xuân. Không biết chiếu chèo ngày xuân còn phổ biến ở các làng quê bây giờ không?

NSƯT Thu Huyền. Ảnh: NVCC

NSƯT Thu Huyền. Ảnh: NVCC

- Thực ra, khi tôi còn nhỏ đã không thấy chiếu chèo sân đình như thời các cụ xưa vẫn làm mà chèo đã được đưa vào sân khấu hộp như cách biểu diễn hiện nay. Dù vậy, tôi vẫn rất nhớ tiếng trống chèo trong các hội làng và nhất là trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngày xuân với người Việt không thể thiếu âm thanh quen thuộc của những câu hát í a gần gũi. Nhiều năm nay, vào thời điểm trước giao thừa, Nhà hát Chèo Hà Nội vẫn đều đặn biểu diễn tiểu phẩm chèo, các giá đồng ở đền Ngọc Sơn, năm nay thêm một điểm là sân khấu Trung tâm quận Cầu Giấy. Từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, các nghệ sĩ giới thiệu chèo tới du khách thăm quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Từ mùng 4 Tết bắt đầu đi diễn khai xuân ở các làng quê ven nội thành Hà Nội, có năm mang chèo đến vùng Tây Bắc xa xôi, hay vào tận đất mũi Cà Mau…

- Chị nhận thấy mọi người đón nhận chèo như thế nào?

- Ở miền Bắc, hiện tại khán giả của chèo vẫn nhiều, nhất là dịp hội làng mùa xuân bao giờ các cụ cũng mời bằng được đoàn chèo về biểu diễn. Còn ở các vùng quê Nam Bộ, người miền Nam nghe đến chèo ban đầu có vẻ không thích, nhưng khi xem rồi họ ngạc nhiên thấy chèo rất hay. Cứ vậy khán giả đến với sân khấu chèo ngày một đông hơn. Mặc dù cũng chia sẻ rất thật rằng ở các làng quê, khán giả của chèo đều là người dân lao động, thù lao cho một buổi diễn rất khiêm tốn. Song chính sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả là nguồn động viên tinh thần rất lớn để nghệ sĩ tâm huyết đưa chèo đến với muôn phương.

Vở chèo Linh Từ quốc mẫu của Nhà hát Chèo Hà Nội do NSƯT Thu Huyền chỉ đạo nghệ thuật, đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022. Ảnh: NHCHN

Vở chèo Linh Từ quốc mẫu của Nhà hát Chèo Hà Nội do NSƯT Thu Huyền chỉ đạo nghệ thuật, đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022. Ảnh: NHCHN

Đầu tư kịch mục mới, gương mặt mới

- Từ kinh nghiệm mấy chục năm gắn bó với sân khấu chèo, theo chị, làm thế nào để bộ môn nghệ thuật này ngày càng thu hút được nhiều khán giả?

- Thực tế thời gian qua, Nhà hát Chèo Hà Nội đã làm rất nhiều chương trình để thu hút khán giả, trong đó có những chương trình dành cho đối tượng khách du lịch, tuy nhiên chỉ giới thiệu được những trích đoạn dễ hiểu. Nghệ thuật này hay ở sự thâm thúy, tinh tế của lời hát, chèo là bi hài mà trong cái bi hài ấy phải nói ý nói tứ, khiến người xem cười lăn cười lộn nhưng suy ngẫm sâu sắc. Cho nên, hướng đi bền vững là giới thiệu, lan tỏa cái hay, đặc sắc, mang đúng chất chèo truyền thống tới đông đảo khán giả Việt Nam. Muốn vậy quan trọng nhất là quan tâm đầu tư xây dựng kịch mục mới, hấp dẫn, đủ sức thu hút sự chú ý của khán giả.

- Nhưng nhiều người nói rằng khán giả của chèo bây giờ chỉ còn là lớp người lớn tuổi ở thôn quê mà thôi?

- Nói chỉ các cụ mới xem chèo cũng không đúng đâu. Thực ra giới trẻ vẫn xem chèo, nhất là vào dịp hội làng, nam thanh nữ tú kéo nhau đến, đầu tiên là tò mò xem nghệ thuật chèo như thế nào. Đấy chính là cơ hội để chèo trưng ra những gì thật hấp dẫn, thật thu hút để các em thấy thích, say mê. Đấy chính là thời điểm giới thiệu kịch mục mới, gương mặt mới để kéo khán giả trẻ đến gần sân khấu truyền thống.

- Đang phụ trách Nhà hát Chèo Hà Nội, xin chị cho biết sự quan tâm đầu tư cho các gương mặt mới của Nhà hát thể hiện ra sao?

- Nhà hát Chèo Hà Nội luôn mở rộng cánh cửa chào đón các tài năng trẻ và tạo điều kiện hết mức để các em có những vai diễn chính. Bởi vì đây là nghề văn ôn võ luyện, không được đứng trên sân khấu, không được làm việc thì không bao giờ phát triển tài năng được. Nhà hát tự hào có lấp lánh những tài năng trẻ như Thanh Huyền, Tiến Đạt, Thương Tín…, hay các lớp trước đó như Quốc Phòng, Việt Thắng, Quang Dương, Hồng Thắm, Thu Hòa, Phương Mây… cũng về Nhà hát từ khi còn rất trẻ mới vững vàng như bây giờ.

Giữ lửa nghệ thuật chèo

- Các cụ xưa nói rằng diễn viên mới bước vào nghề hát chèo là phải chạy cờ chạy quạt, Nhà hát Chèo Hà Nội vượt qua tư duy cũ ấy như thế nào?

- Chèo là nghệ thuật tổng hợp, đòi hỏi tinh thần tập thể. Vở này anh đóng vai chính, tất cả nhà hát hỗ trợ, nghệ sĩ khác chạy cờ chạy quạt, đóng vai phụ, nhưng ở vở kia người khác vào vai chính, anh lại đóng vai phụ, chạy cờ chạy quạt. Tôi cho đó là điều đáng quý của sân khấu chèo nói riêng, sân khấu truyền thống nói chung, thể hiện tình đoàn kết, gắn bó tập thể và tinh thần vì nghệ thuật.

Tôi luôn nói với các diễn viên trẻ rằng nghề này là “bánh đúc bầy sàng”, nói dù hay, dù tốt đến mấy mà lên sân khấu diễn không hay, không tốt cũng phải nhường cho người khác lên. Kể cả vai chính hay phụ, kể cả vai chạy cờ, chạy quạt… cũng đều phải cố gắng học hỏi, làm tốt.

- Quan sát lớp nghệ sĩ trẻ bây giờ, chị thấy lửa nghệ thuật của họ so với thế hệ trước có giảm đi không?

- Nhiều người bảo rằng bây giờ lửa nghệ thuật của các em không bằng cha chú đi trước, tôi lại nghĩ khác. Các em vào nghề bây giờ mới là những người dũng cảm hơn chúng tôi ngày xưa. Ngày trước chúng tôi không có nhiều lựa chọn, vào nghề thuận lợi, được hỗ trợ rất nhiều. Bây giờ các em đứng trước rất nhiều lựa chọn hấp dẫn từ ca nhạc, phim ảnh… mà vẫn hướng theo nghệ thuật truyền thống, riêng điều đó đã rất đáng quý. Tôi biết có những em được giao vai diễn đã chăm chỉ ôn luyện hàng ngày, hàng đêm, có những em thậm chí đã xin từ bỏ sân khấu chèo nhưng rồi quay lại, quyết định gắn bó với chèo…

- Chị nói gì nếu có người bảo rằng chèo hay nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung "bạc" với người nghệ sĩ lắm?

- Tôi đứng trên sân khấu chèo mấy chục năm rồi, bây giờ nhường sân khấu cho các bạn trẻ, tôi không nghĩ đó là "bạc". Mình đã có thời của mình, từng thăng hoa trên sân khấu, bây giờ lui lại, đóng các vai phù hợp với độ tuổi. Ta nói gái có công thì chồng chẳng phụ, không có nghề nào bạc hết. Mình lao tâm khổ tứ, hy sinh, tâm huyết, làm hết trách nhiệm thì tôi tin rằng nghề sẽ không phụ mình. Tất nhiên, nghệ thuật truyền thống cũng có lúc thịnh, lúc trầm lắng, quá nhiều loại hình nghệ thuật khác du nhập, bắt buộc phải chia khán giả. Có thể các nghệ sĩ chèo không có thu nhập cao như những loại hình nghệ thuật đang “hot” nhưng họ sẽ luôn có khán giả yêu mến, trân trọng. Ngọn lửa của chèo, của sân khấu truyền thống sẽ soi sáng con đường nghệ thuật, và sẽ không bao giờ mất đi, vì đó chính là hồn cốt của dân tộc.

- Xin cảm ơn chị!

Lê Thư thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/khan-gia-cua-chung-toi-van-rat-yeu-cheo-i315488/