Khán giả tẩy chay, truyền thông 'cấm cửa' với nghệ sĩ lệch chuẩn

Chuyên gia truyền thông và quản trị văn hóa Nguyễn Đình Thành đã đưa ra một số gợi ý để xử lý tận gốc các hành vi lệch chuẩn của nghệ sĩ - người nổi tiếng trên mạng xã hội.

Lời tòa soạn: Các bộ quy tắc ứng xử của Bộ VHTT&DL và Bộ TT&TT chỉ mang ý nghĩa tham khảo. Hai Bộ này đang phối hợp để ban hành các chế tài xử lý khác. Theo đó, sẽ có hình thức hạn chế xuất hiện hình ảnh của những người nổi tiếng nếu họ có những việc làm, phát ngôn thiếu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến người khác và cộng đồng. Báo VietNamNet đăng tải loạt bài về vấn đề này.

Nam Em và người quản lý (áo đen) làm việc với cơ quan chức năng chiều 1/3. Ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM

Nam Em và người quản lý (áo đen) làm việc với cơ quan chức năng chiều 1/3. Ảnh: Trung tâm báo chí TPHCM

- Gần đây, một số nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng trên mạng xã hội như Nam Em, Angela Phương Trinh liên tục có những phát ngôn gây bức xúc dư luận. Nhiều người cho rằng hình phạt với những người nổi tiếng lộng ngôn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Cá nhân anh có đề xuất gì để những người này vừa biết tôn trọng pháp luật, vừa hiểu rằng sự trừng phạt cao nhất chính là sự tẩy chay của khán giả?

Chuyên gia Nguyễn Đình Thành: Xin được nói là ai cũng có quyền phát ngôn. Nhưng khi phát ngôn cần chú ý tới tác động của nó đến người nghe. Ở thời đại số, một phát ngôn có thể nhanh chóng phát tán tới hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu người. Người nổi tiếng có phát ngôn lệch chuẩn không tốt rõ ràng là ảnh hưởng xấu tới xã hội.

Phát ngôn lệch chuẩn của người nổi tiếng có thể làm cho công chúng suy nghĩ lệch lạc, hoặc làm chuyện sai trái. Người nổi tiếng có hành vi lệch chuẩn cũng có khả năng khiến công chúng bắt chước theo với suy nghĩ là "không sao đâu".

Trong tâm lý học có hiệu ứng gọi là "cửa sổ vỡ". Những người làm việc không tốt mà không ai nói năng gì thì tất cả những việc không tốt sau đó sẽ tiếp tục diễn ra và họ cho rằng điều đó là tự nhiên. Tác hại với xã hội là có thật. Để ngăn chặn những việc đó như thế nào cần sự phối hợp của nhiều bên.

- Vậy theo anh, cơ quan chức năng cần phối hợp với nhau trong những cách làm nào để phát huy tác dụng?

Nhìn sang các nước phát triển, tình trạng người nổi tiếng phát ngôn bừa bãi, lộng ngôn cũng có nhưng tại sao nó không tác động lớn tới xã hội? Là vì khán giả đã ý thức được quyền của mình. Đó là quyền tẩy chay, quyền bỏ qua. Điều đó rất quan trọng. Bạn tẩy chay hay bạn bỏ qua không xem. Khi đó, người nổi tiếng nói mà không ai nghe, không ai xem thì họ sẽ không nói nữa.

Do vậy, quyền tối thượng chính là quyền của khán giả. Khán giả nên dùng quyền này, các cơ quan truyền thông cũng nên dùng nhiều hơn quyền tẩy chay để người nổi tiếng ý thức được hậu quả tai hại từ những phát ngôn lệch chuẩn của mình mà tự hạn chế.

Thứ đến là mặt truyền thông. Cần truyền thông tốt hơn để người có liên quan nhận thức được vấn đề.

Và nếu truyền thông giáo dục không đủ mạnh để biến đổi người ta thì cần có những biện pháp mạnh hơn. Chính vì thế, phải có những quy định pháp luật xử phạt về mặt hành chính với mức phạt đủ cao để mang tính răn đe. Mức phạt phải làm cho xã hội sửng sốt và ngay cả những người bị xử phạt cũng cảm thấy ngần ngại, cân nhắc kỹ trước khi làm việc gì đó ảnh hưởng tới cộng đồng.

Ngoài ra, nếu người nổi tiếng liên quan tới vi phạm pháp luật phải xử lý về mặt hình sự. Cùng với đó phải có hình phạt cao hơn. Ví dụ, như cách làm ở Trung Quốc khi cấm sóng một số nghệ sĩ dính scandal hay trốn thuế. Cách làm này rất hiệu quả bởi nghệ sĩ sống nhờ khán giả. Nếu không còn công chúng nữa thì sự nổi tiếng là vô nghĩa. Nên có cách kiểm soát từ nguồn để hạn chế những người nổi tiếng có hành vi lệch lạc.

Chuyên gia truyền thông và quản trị văn hóa Nguyễn Đình Thành. Ảnh: NVCC

Chuyên gia truyền thông và quản trị văn hóa Nguyễn Đình Thành. Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ cũng là công dân và cần tuân thủ pháp luật

- Tức là, ngay các cơ quan truyền thông cũng nên đưa ra "hình phạt" với các nghệ sĩ phát ngôn và có hành vi lệch chuẩn bằng cách cấm họ xuất hiện? Thực tế đã có nhiều nghệ sĩ dính scandal từng dính lệnh "phong sát" ngầm của nhiều cơ quan báo chí gần đây khi hình ảnh lẫn các sản phẩm của họ không được nhắc tới. Đó có phải cách làm hay?

Chúng ta nên thử cách không nói gì đến những nghệ sĩ dính scandal hay mô tả chi tiết về phát ngôn và hành động của họ trong các bài báo. Như vậy, các nghệ sĩ này không có động cơ để vi phạm. Đó là cách hay để xử lý những người nổi tiếng có hành vi lệch chuẩn.

- Bộ quy tắc ứng xử của người nổi tiếng đã được ban hành nhưng hiện tại chỉ là công cụ giám sát, tham chiếu chứ chưa có hình thức phạt nặng người vi phạm. Vậy đã đến lúc có những quy định mạnh hơn để răn đe bởi dường như ai phát ngôn lung tung trên mạng xã hội rồi cuối cùng cũng không sao cả?

Tôi nghĩ những người làm nghề truyền thông phải thỏa thuận không đưa tin về nghệ sĩ dính scandal hay phát ngôn lệch chuẩn nữa. Chúng ta nên vận động để đưa nó vào quy định, coi đó là điều gây hại cho xã hội để không lan tỏa thông tin. Nói tóm lại các cơ quan báo chí hãy không cho họ có cơ hội xuất hiện trên truyền thông.

- Anh nghĩ sao về đề xuất khóa các tài khoản mạng xã hội có thời hạn với những người nổi tiếng nếu họ tái phạm việc có hành động hay phát ngôn thiếu chuẩn mực bởi họ có lượng người theo dõi lớn?

Đó là giải pháp cực đoan nhưng trong một số trường hợp cơ quan chức năng cũng nên làm như vậy để tránh ảnh hưởng đến xã hội. Có những tờ báo, trang tin đã bị đình bản vì đưa thông tin chưa chính xác, không có lý gì cá nhân không thể bị phạt như vậy. Hãy coi đó là mức phạt cao nhất. Tuy nhiên, việc xử phạt phải quy định rõ ràng về thời gian, không gian, kênh bị cấm.

- Hiện các nhà sản xuất phim hay show ca nhạc chỉ có thỏa thuận ngầm là không mời nghệ sĩ dính scandal để tránh sản phẩm bị tẩy chay nhưng vẫn có trường hợp bất chấp mời những người này nhằm câu view. Theo anh, có nên ra quy định rõ ràng về việc cấm các nhân vật đó tham gia lĩnh vực giải trí?

Đưa ra các quy định pháp luật là để mọi người có quyền thực hành các quyền vốn có của mình nhưng không làm tổn hại người khác. Nghệ sĩ cũng là công dân và cần tuân thủ pháp luật. Các quy định pháp luật không thiên vị hay phân biệt đối xử với ai đó.

Nếu không có quy định mà tự động cấm cửa những nhân vật giải trí thì đó là cảm tính. Việc cấm cũng là biện pháp hay nhưng mọi thứ đều phải có quy định rõ ràng. Và nếu cấm phải nói đến thời hạn, phạm vi, cách điều chỉnh.

Mỹ Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/khan-gia-tay-chay-truyen-thong-cam-cua-voi-nghe-si-lech-chuan-2290544.html