Khăn Piêu - thước đo sự khéo léo của phụ nữ dân tộc Thái

Đối với phụ nữ dân tộc Thái, khăn piêu là phục trang luôn được các cô, các chị, các bà mang theo trong các dịp lễ hội, múa xòe để làm duyên, là tín vật định tình để đôi trai gái hẹn ước và là thước đo sự khéo léo của người phụ nữ.

Dạy bé gái thêu khăn piêu.

Dạy bé gái thêu khăn piêu.

Ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái dân tộc Thái đã được mẹ dạy cách dệt vải, thêu khăn; đến khi trưởng thành, họ có thể tự tay thêu những chiếc khăn làm quà biếu gia đình nhà chồng khi về làm dâu. Khi thêu khăn, chị em gửi cả tâm tình của mình vào từng đường kim mũi chỉ. Bởi vậy, qua chiếc khăn piêu có thể biết được chủ nhân của nó là người chịu khó, khéo tay hay không.

Cút Piêu được gắn theo số lẻ

Cút Piêu được gắn theo số lẻ

Từ tấm vải trắng được dệt từ sợi bông, người thêu cắt rời thành từng chiếc khăn piêu có độ dài bằng một sải tay của người trưởng thành, rồi đem nhuộm chàm. Khăn không trang trí toàn bộ diện tích, mà tập trung thêu ở hai đầu khăn. Trước khi thêu, họ còn làm những chiếc cút để đính vào piêu. Cút piêu được làm từ một mảnh vải đỏ, bên trong bọc lõi chỉ rồi cuộn tròn lại theo hình trôn ốc, đặt trên ba đoạn thẳng của mỗi đầu khăn. Cũng giống như hàng cúc bướm ở trên áo cóm, cút piêu được gắn theo số lẻ. Phụ nữ Thái thường đội piêu có cút chùm ba, nhưng khi tặng piêu cho bậc trưởng bối hay người mình quý trọng, họ sẽ tặng loại piêu có cút chùm năm trở lên. Chính vì thế, trong dân gian Thái có câu “Piêu ba cút dành bác/Piêu năm cút để tặng thím chồng”.

Sử dụng sợi chỉ đầy màu sắc để thêu khăn piêu

Sử dụng sợi chỉ đầy màu sắc để thêu khăn piêu

Sau khi hoàn thành ghép cút piêu, bắt đầu công việc thêu piêu. Hoa văn được thêu trên mỗi chiếc khăn không thể thiếu “ta leo” và “sai peng”, theo quan niệm của đồng bào dân tộc Thái, “ta leo” là vật trừ đuổi tà ma, bảo vệ thần hồn cho người đội khăn và “sai peng” là dây tình của đôi lứa. Trên mỗi đầu khăn, còn được chị em khéo léo thêu thêm các hoa văn hình rích rắc, xương cá, răng cưa, rau cỏ bợ (phắc ven), hình quả trám (mák cưởm)...

Trên chiếc khăn piêu những sắc màu và hoa văn được kết hợp với nhau khéo léo.

Trên chiếc khăn piêu những sắc màu và hoa văn được kết hợp với nhau khéo léo.

Những sắc màu và hoa văn độc đáo trên chiếc khăn piêu được kết hợp với nhau khéo léo, từ màu xanh của núi rừng, màu vàng của nương lúa, màu trắng của hoa thơm. Mỗi một hoa văn như cách ứng xử của người Thái với thiên nhiên và bản làng.

Thêu khăn piêu trong thời gian nông nhàn của phụ nữ dân tộc Thái xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn

Thêu khăn piêu trong thời gian nông nhàn của phụ nữ dân tộc Thái xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn

Nghề thêu khăn piêu truyền thống trở thành nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Thời gian nông nhàn, các chị em lại cần mẫn thêu nên những tấm khăn piêu nhiều màu sắc, hoa văn, mang đặc trưng dân tộc Thái. Để giữ nghề, một số địa phương đã thành lập các câu lạc bộ, mô hình lưu giữ bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái, trong đó có truyền dạy thêu khăn piêu, như CLB “Yêu văn hóa Thái cổ Mường Vạt - Yên Châu”; CLB “Mô hình nét đẹp khăn piêu” ở xã Viêng Lán, huyện Yên Châu; CLB Văn hóa dân tộc Thái ở xã Chiềng An, Chiềng Ngần, Thành phố...

Để thêu một chiếc khăn piêu hoàn chỉnh phải mất từ 3 đến 4 tuần

Để thêu một chiếc khăn piêu hoàn chỉnh phải mất từ 3 đến 4 tuần

Khăn piêu là sản phẩm văn hóa và tinh thần in đậm bản sắc dân tộc do bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái tạo nên và cũng là vật kỷ niệm của du khách thập phương khi có dịp đến với Sơn La.

Cùng với váy, áo cóm, khăn piêu làm tăng thêm nét duyên dáng của người phụ nữ Thái.

Cùng với váy, áo cóm, khăn piêu làm tăng thêm nét duyên dáng của người phụ nữ Thái.

Lò Thái

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/khan-pieu--thuoc-do-su-kheo-leo-cua-phu-nu-dan-toc-thai-52483