Khăn rằn không chỉ để quàng cổ

Khăn rằn là vật dụng không thể thiếu của người nông dân Nam Bộ. Sự phổ biến của chiếc khăn trong nhiều lĩnh vực là quá trình nỗ lực không mệt mỏi của những người làm nghề.

Chiếc khăn rằn (khăn choàng carô màu đen - trắng) khi kết hợp với chiếc áo bà ba trở nên rất duyên dáng và là biểu tượng bao đời của người nông dân Nam Bộ. Khăn được sử dụng trong lao động, sinh hoạt hằng ngày và nó cũng đã có mặt trong những show diễn thời trang nổi tiếng.

 Anh Phạm Thanh An, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt choàng Long Khánh, cùng chiếc khăn rằn là sản phẩm của hợp tác xã. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Anh Phạm Thanh An, Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt choàng Long Khánh, cùng chiếc khăn rằn là sản phẩm của hợp tác xã. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Khăn rằn là một trong những sản phẩm khăn choàng chủ đạo của làng dệt Long Khánh (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp). Sản phẩm mà hầu như khách du lịch trong và ngoài nước đều yêu thích.

Chiếc khăn rằn không chỉ để quàng cổ mà còn để thể hiện nét đẹp trong lao động và cuộc sống của con người nơi đây.

Có mặt tại trụ sở Hợp tác xã (HTX) dệt choàng Long Khánh, cũng là phòng trưng bày sản phẩm dệt của bà con, chúng tôi được tận mắt thấy quy trình sản xuất cũng như các loại sản phẩm được trưng bày ở đây.

Chia sẻ về lịch sử của làng nghề, anh Phạm Thanh An (36 tuổi, ngụ xã Long Khánh A), Chủ nhiệm HTX, tâm sự: “Dệt choàng xuất hiện đến nay cũng đã hơn trăm năm rồi. Trước kia, làng Long Khánh vốn có nghề dệt vải, sau thấy hiệu quả kinh tế chưa cao nên người dân trong vùng học hỏi cách dệt khăn choàng từ vùng Tân Châu (An Giang). Công việc bắt đầu thịnh nên người dân trong vùng dệt rất đông, nhà nào cũng có vài khung dệt và làm ăn phát đạt. Qua thời gian, hình thành làng nghề như bây giờ”.

Đến những năm 2000, tình hình làng nghề rơi vào khó khăn, sức tiêu thụ giảm. Các xí nghiệp may mặc tung ra thị trường những chiếc khăn có chất liệu tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn thì khăn choàng của làng nghề không chịu nổi sức ép cạnh tranh nên bị đánh bật ra khỏi thị trường.

Trước thực tế trên, năm 2015, HTX dệt choàng Long Khánh ra đời, liên kết với các hộ sản xuất còn lại để duy trì làng nghề truyền thống và tạo đầu ra cho sản phẩm của bà con.

“Thị trường thay đổi liên tục và nhu cầu cũng thay đổi theo thời gian. Để tạo điểm nhấn về thương hiệu, giúp nâng cao sự mới mẻ và hấp dẫn đối với khách hàng, tôi và các anh chị em trong HTX còn sáng tạo thêm áo dài, áo bà ba, túi xách, cà vạt, nón… với nhiều màu sắc bắt mắt bên cạnh hai màu trắng - đen truyền thống” - anh An nói.

Khăn rằn là một trong những sản phẩm khăn choàng chủ đạo của làng dệt Long Khánh, khách du lịch trong và ngoài nước đều yêu thích.

Dệt choàng mang lại thu nhập tốt cho người thợ

Làm sao để có đầu ra cho sản phẩm luôn là trăn trở của HTX, vì thế HTX nỗ lực tìm mọi cách để tìm kiếm khách hàng, liên kết buôn bán với các khu chợ, khu du lịch để đưa sản phẩm đi tiêu thụ khắp nơi trong và ngoài tỉnh, xa hơn nữa là xuất sang Campuchia. Từ đó, bà con trong làng nghề ai cũng phấn khởi vì không sợ ế hàng như trước.

Theo anh An, hiện tại làng dệt có khoảng 60 hộ gia đình và 136 khung dệt máy, trung bình mỗi máy dệt được khoảng 50-60 chiếc khăn.

Trước kia khăn choàng được bán thành từng bó 10 cái với giá tiền chỉ vừa đủ mua bó rau, con cá thì nay nhờ sự cải tiến của tập thể xã viên, mỗi chiếc khăn có giá dao động 40.000-300.000 đồng, đem lại thu nhập đáng kể cho người thợ.

Nhờ vào việc tạo sinh kế và duy trì lửa cho làng nghề, HTX dệt choàng Long Khánh vinh dự được trao tặng danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vào năm 2020 và 2022.•

Các học viên ngồi học dệt tại cơ sở của chị Neàng Chang Ty. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Lớp dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Với chị Neàng Chang Ty (40 tuổi, ngụ ấp Srây Skốt, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang), câu hỏi “làm sao để gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình?” cứ đau đáu trong tâm tưởng.

Xã Văn Giáo, nơi chị sinh sống là địa phương tập trung đông người Khmer và là nơi nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm Khmer Silk khắp vùng biên giới phía Nam. Thế nhưng, hiện nay không mấy ai sinh sống bằng nghề này. Chỉ còn chị Neàng Chang Ty, người thợ dệt tận tụy với nghề, thường xuyên chia sẻ kiến thức, kỹ năng dệt với cộng đồng.

Chị kể: “Năm 16 tuổi tôi đã bắt đầu học dệt từ sự động viên của mẹ. Ban đầu tôi không dệt được như thế này đâu, khó lắm, tới 17 công đoạn. Dệt rồi hư hết nhưng mình yêu tấm thổ cẩm quá nên dần học được thôi. Làm cái này mệt dữ lắm mà tôi ráng tại tôi thương nó. Đôi khi khách lên đặt hàng, nghe họ khen mình, tôi cũng lấy đó là động lực làm nghề”.

Trung bình mỗi tấm thổ cẩm dài 3 m, sau khi hoàn thành có giá 1,5 triệu đồng, trừ hết chi phí vật liệu ra, người thợ cũng còn đủ tiền trang trải cuộc sống hằng ngày.

Bên cạnh đó, chị nhận thêm hợp đồng gia công hàng dệt may và chia sẻ lại cho chị em có hoàn cảnh khó khăn. Vậy nhưng cũng không nhiều người đến học nghề. Chị hy vọng một ngày nào đó, nghề dệt truyền thống của dân tộc Khmer sẽ được phát triển hơn nhưng trước mắt chỉ cần không để cho nghề này mai một trong tương lai.

“Mục tiêu của tôi không chỉ đơn giản là dạy học viên cách dệt ra những sản phẩm đẹp mang tâm hồn con người Khmer mà còn truyền đạt giá trị truyền thống của người Khmer” - chị Neàng Chang Ty tâm sự.

QUỐC HƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/khan-ran-khong-chi-de-quang-co-post754061.html