Khẩn trương chống dịch sởi đang bủa vây

Chỉ riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM), mỗi ngày điều trị cho khoảng 40-50 bệnh nhân mắc sởi, trong đó 1/3 bị suy hô hấp

Những ngày qua, anh L.T (40 tuổi, ở TP HCM) phải tạm gác mọi công việc để vào bệnh viện chăm sóc vợ là chị L.T.H (36 tuổi) đang điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM). Ngồi nhìn vợ đang nằm thở ôxy trên giường bệnh, anh vẫn chưa hết thấp thỏm, lo âu vì đâu ngờ bệnh sởi gây biến chứng nặng như thế. "Hai con nhỏ trong nhà đã được tiêm ngừa sởi đầy đủ. Còn tiền sử tiêm chủng của 2 vợ chồng thì không nhớ. Đợt này về, tôi phải đi tiêm ngừa, tránh lặp lại tình trạng giống vợ" - anh T. than.

Gia tăng số ca mắc ở người lớn

Trước đó, vợ anh T. bị sốt cao, đến cơ sở y tế gần nhà khám và được cho thuốc về uống, theo dõi. Tuy nhiên, sau 3 ngày, tình trạng sốt của chị H. không thuyên giảm, người càng mệt mỏi, mắt đổ ghèn. Chị H. đi tái khám trong tình trạng khó thở, được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thì mới phát hiện mắc bệnh sởi.

Tương tự, chị N.N.M (36 tuổi, ở Đồng Nai, đang mang thai tuần 38) cũng đang điều trị bệnh sởi tại đây. Trước khi nhập viện 1 tuần, chị M. bị sốt, đến phòng khám tư gần nhà song tình trạng phát ban, mệt mỏi vẫn xuất hiện 3 ngày sau đó. Chị đi tái khám thì được chẩn đoán mắc bệnh sởi nên chuyển lên TP HCM điều trị. Hiện bệnh trạng của chị đang được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ nhưng có nguy cơ sinh con sớm hơn dự kiến.

Bệnh nhân mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM). Ảnh: HẢI YẾN

Bệnh nhân mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP HCM). Ảnh: HẢI YẾN

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Trương Quý, Phó trưởng Khoa Nội A - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết gần đây, bệnh nhân người lớn mắc sởi gia tăng. Hiện mỗi ngày khoa điều trị khoảng 40-50 ca sởi, trong đó 2/3 là người lớn, với tình trạng nhập viện chủ yếu là sốt cao, mệt mỏi. 1/3 trong số ca mắc bị suy hô hấp và cần hỗ trợ ôxy. Chỉ riêng trong ngày 26-11 đã có khoảng 7 bệnh nhân đang phải thở ôxy, chủ yếu ở độ tuổi lao động.

Theo bác sĩ Quý, hầu hết bệnh nhân mắc sởi nhập viện do 3 nguyên nhân chính: Sốt cao liên tục, ho và khó thở. Bệnh nhân bắt đầu có các dấu hiệu như viêm kết mạc mắt (đỏ mắt, chảy nước mắt, đổ ghèn), ho, sau đó sẽ nổi ban toàn thân. Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh không điển hình, đặc biệt là ở những bệnh nhân đã tiêm ngừa trước đó nhưng tiêm không đủ liều hoặc không có đủ kháng thể bảo vệ. Với cả người lớn và trẻ nhỏ, bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, suy hô hấp nếu không được điều trị đúng cách. Những bệnh nhân có bệnh nền như ung thư, tim bẩm sinh, đái tháo đường, bệnh gan mạn, bệnh thận mạn hoặc suy tim có nguy cơ bị biến chứng nặng hơn nếu không điều trị kịp thời ngay từ đầu.

"Một số người bệnh thường mắc sai lầm khi tự ý mua thuốc chữa cảm cúm hoặc thuốc hạ sốt không đúng loại, đặc biệt là thuốc có chứa corticoid, có thể làm giảm triệu chứng tạm thời nhưng lại khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Việc tự điều trị không đúng cách có thể làm cho sởi phát triển nhanh và gây suy giảm miễn dịch, từ đó cơ thể khó chống lại các tác nhân gây bệnh khác" - BS Quý khuyến cáo.

Nguy cơ bùng phát diện rộng

Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương, có nơi đã công bố dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho hay tuần qua thành phố ghi nhận 28 trường hợp mắc sởi. Trong đó, có tới 26 trường hợp chưa tiêm vắc-xin phòng sởi. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 115 ca mắc, trong khi cùng kỳ năm 2023 không khi nhận ca nào. CDC TP Hà Nội nhận định dịch bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng, bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm vắc-xin hoặc chưa được tiêm đầy đủ. "Dự báo trong thời gian tới sẽ có thêm các trường hợp mắc bệnh và số ca chưa thể nói trước" - lãnh đạo CDC TP Hà Nội cảnh báo.

Theo các chuyên gia dịch tễ, bệnh sởi lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn. Nguy cơ lây lan và bùng phát dịch sởi diện rộng là hiện hữu và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vắc-xin phòng bệnh.

Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết ngay từ năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch sởi, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, bệnh sởi rất dễ lây và nguy cơ lây lan dịch sởi trong trường học là rất cao. Hiện tiêm vắc-xin sởi là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh sởi khi tỉ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%. Việc tiêm phòng bệnh sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng. Tiêm phòng muộn không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch.

Các chuyên gia nhận định dịch sởi sẽ còn phức tạp trong thời gian tới, do đó các địa phương cần vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sởi và đưa trẻ đi tiêm chủng vắc-xin đầy đủ. Đối với các cơ sở giáo dục - nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ - triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi; theo dõi hằng ngày tình hình sức khỏe toàn bộ học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên, phát hiện kịp thời những trường hợp mắc bệnh.

Trước nguy cơ bệnh sởi gia tăng, PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương; thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh. Khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vắc-xin phòng bệnh sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là các vùng có nguy cơ bùng phát bệnh sởi hoặc nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số…

Tăng hơn 42 lần

Theo Bộ Y tế, chỉ riêng trong tháng 11, cả nước ghi nhận thêm hơn 7.100 trường hợp mắc sởi và 1 ca tử vong. Tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận gần 14.300 ca mắc, 4 ca tử vong liên quan đến sởi. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc cao hơn 42 lần, tử vong liên quan sởi tăng 4 ca. Đến nay, gần 961.800 trẻ tại 31 tỉnh, thành đã tiêm vắc-xin ngừa sởi trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh sởi theo kế hoạch; tuy nhiên, một số tỉnh, thành chưa bảo đảm tiến độ tiêm chủng.

HẢI YẾN - NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khan-truong-chong-dich-soi-dang-bua-vay-196241127204048909.htm