'Khẩn trương đề xuất giảm thuế, phí xăng dầu và tiêu dùng'

Bộ Tài chính được giao khẩn trương đề xuất giảm thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng.

Giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm mạnh 3 lần liên tiếp trong tháng 7.

Giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm mạnh 3 lần liên tiếp trong tháng 7.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa có văn bản giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng.

Nhất là các loại thuế làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh... để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm phục vụ cạnh tranh xuất khẩu và kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ... cho cả trước mắt và trung hạn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2022.

Giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm mạnh 3 lần liên tiếp trong tháng 7, và hiện đang bằng mức giá hồi tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, bình quân giá thành phẩm thế giới vẫn sẽ biến động bất thường, khó lường trong quý III, dao động ở mức cao 145 – 155 USD mỗi thùng, tăng 73 – 100% so với cùng kỳ năm trước.

Do phụ thuộc vào giá thế giới, giá xăng bán lẻ trong nước sẽ dưới 31.700 đồng, còn dầu dưới 27.100 đồng, nếu không trích lập vào Quỹ bình ổn (BOG), cùng giảm thuế bảo vệ môi trường về mức sàn.

Giá xăng dầu trong nước: cung - cầu, cách tính và dự báo

Sang quý IV, giá thành phẩm xăng dầu thế giới được dự báo hạ nhiệt, về 110 – 115 USD mỗi thùng, từ đó giá bán lẻ trong nước giảm về dưới 24.000 đồng mỗi lít và dầu dao động 19.000 – 20.000 đồng.

Tuần trước, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống 10%.

Đối với mặt hàng dầu, Bộ Tài chính trình tiếp tục áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 7% như hiện hành để không phát sinh nghĩa vụ của Chính phủ trong cam kết GGU với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Hiện hành, mức thuế nhập khẩu FTA đối với dầu trong khuôn khổ Hiệp định ATIGA với các nước ASEAN và Hiệp định FTA với Hàn Quốc đã được giảm về 0% nên kim ngạch nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN là không đáng kể.

So với nhiều nước, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước hiện nay chủ yếu trong khoảng 40% - 55% đối với xăng và 35% - 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn).

Trong khi đó, ở Việt Nam, với mức thuế bảo vệ môi trường đang được giảm về mức sàn theo nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu vào khoảng 19,39% đối với xăng E5RON92, 21,95% đối với xăng RON95 và khoảng 11,05% đối với dầu diesel.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/khan-truong-de-xuat-giam-thue-phi-xang-dau-va-tieu-dung-1658747759025.htm