Khẩn trương di dời hạ tầng kỹ thuật, thúc tiến độ cao tốc Bắc Nam qua Bình Thuận, Đồng Nai

Sau gần 60 ngày kể từ ngày phát động hiện sản lượng hai cao tốc từ Vĩnh Hảo đi Dầu Giây không cải thiện được nhiều. Thời điểm 31/12 đã cận kề mục tiêu thông xe 2 cao tốc này dường như khó khả thi.

Thi công tại gói thầu XL01 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Thi công tại gói thầu XL01 cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Trước thời điểm thực hiện lễ phát động phong trào thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; trong đó phía Nam có 2 dự án là cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết sản lượng đạt 50,18% và cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đạt sản lượng 55,72%.

Sau gần 60 ngày kể từ ngày phát động, hiện sản lượng hai cao tốc này không cải thiện được nhiều. Thời điểm 31/12 đã cận kề nhiều chuyên gia giao thông nhìn nhận việc hoàn thành mục tiêu thông xe kỹ thuật 2 tuyến trên dường như khó khả thi.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý dự án 7 (đơn vị quản lý dự án), đến hết tháng 10/2022, tổng sản lượng xây lắp của dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết mới đạt 58,06% giá trị hợp đồng. Trong khi đó, báo cáo của Ban Quản lý dự án Thăng Long (đơn vị quản lý dự án), cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây cũng chỉ mới đạt 62,36% giá trị hợp đồng.

Mặc dù các nhà thầu tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã tăng thêm thiết bị, máy móc nhưng tiến độ đến nay vẫn chưa được như kỳ vọng. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Mặc dù các nhà thầu tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã tăng thêm thiết bị, máy móc nhưng tiến độ đến nay vẫn chưa được như kỳ vọng. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Thái Hà, Phó Giám đốc Ban Quản ý dự án 7 thông tin, đến thời điểm này mặc dù giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành nhưng vẫn còn nhiều vị trí giao cắt đường dây điện cao thế chưa di dời gây khó khăn cho việc hoàn thiện phần đường.

Về xây lắp, mặc dù các nhà thầu đều tăng thiết bị máy móc nhưng đến nay sản lượng đều không đạt theo yêu cầu, ngoài gói thầu XL01 đạt sản lượng 82,58% giá trị hợp đồng; gói XL04 đạt 52,14% giá trị hợp đồng thì hai gói thầu XL02 và XL03 sản lượng đến nay đều đưới 50% với các sản lượng tương ứng là 43,4% và 49,23% giá trị hợp đồng.

Nhà thầu cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cam kết sẽ hoàn thành nền đường trước ngày 31/10, nhưng đến nay đã phá sản kế hoạch này. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Nhà thầu cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cam kết sẽ hoàn thành nền đường trước ngày 31/10, nhưng đến nay đã phá sản kế hoạch này. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Các nhà thầu thi công có sản lượng thấp đáng báo động tập trung chủ yếu là gói thầu XL02 với liên danh là Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi - Công ty TNHH Nhạc Sơn - Công ty cổ phần Hải Đăng. Trong khi đó tại gói thầu XL03 do liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco8) giá tri sản lượng cũng rất báo động chưa đạt 50% giá trị hợp đồng.

Tại gói thầu XL04 – gói thầu lớn nhất của dự án với chiều dài 49 km do Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựngViệt Nam (Vinaconex - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng & Kỹ thuật VNCN E&C sản lượng cũng chưa đạt như kỳ vọng.

Các nhà thầu cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khẳng định quyết tâm hoàn thành hợp đồng trước 31/12/2022. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Các nhà thầu cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khẳng định quyết tâm hoàn thành hợp đồng trước 31/12/2022. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Theo Ban Quản lý dự án 7, nguyên nhân chậm tiến độ tại gói thầu XL02 chủ yếu do nhà thầu không tập trung triển khai thi công, công trường thường xuyên thiếu nhiên liệu, tài chính. Về nguyên nhân chậm tiến độ của gói XL03 là do trước đó công trường thường xuyên thiếu nhiên liệu, tài chính cùng với đó là mỏ đất được cấp đến 29/9 vừa qua mới hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác ảnh hưởng lớn đến tiến độ.

Tại gói thầu XL04, Ban Quản lý dự án 7 cho biết, gói thầu này chậm tiến độ khoảng 2,48% so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu thiếu hụt tài chính tại nhiều mũi thi công cầu kéo dài và chưa xử lý dứt điểm, tài chính bố trí không kịp thời để phục vụ thi công đặc biệt là phân đoạn từ Km185- Km226 và các tổ đội thi công cầu; nhà thầu không tập trung triển khai thi công, công trường thường xuyên thiếu nhiên liệu; mũi xay nghiền cấp phối đá dăm tận dụng thi công chậm chưa đáp ứng tiến độ. Các mũi thi công cầu thi công cầm chừng, thiếu nhân công trầm trọng, nhiều mũi thi công chỉ có 3-5 nhân công triển khai. Thiếu thiết bị bốc xúc tại khu vực phá đá đoạn Km199-Km200 và Km215-Km217.

Nhiều đoạn tuyến trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vẫn đang gấp rút hoàn thành phần nền đường. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Nhiều đoạn tuyến trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vẫn đang gấp rút hoàn thành phần nền đường. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Mặc dù hạn thông xe kỹ thuật còn đúng 2 tháng nhưng lãnh đạo Ban Quản lý dự án 7 nhìn nhận, dự án hiện nay tuy còn chậm, nhưng với phương pháp tổ chức, chuẩn bị hiện nay và khắc phục một số tồn tại thì trong thời gian gần sẽ bắt kịp tiến độ và hoàn thành theo hợp đồng.

Một đoạn tuyến của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được thảm lớp bê tông nhựa C25. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Một đoạn tuyến của cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã được thảm lớp bê tông nhựa C25. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Trong khi đó, đoạn kế tiếp từ Vĩnh Hảo đi Phan Thiết là cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, mặc dù thời hạn phải hoàn thành công trình đã đến cận kề nhưng công tác giải phóng mặt bằng của dự án vẫn còn vướng mắc khi một số hạ tầng đường điện, đường viễn thông, đường ống nước chưa di dời.

Giá trị sản lượng của toàn dự án đến hết ngày 31/10/2022 mới đạt 62,36%; trong đó, gói thầu 1-XL đạt 62,41%; gói thầu 2-XL đạt 62,17% gói thầu 3-XL đạt 62,71% và gói thầu 4-XL mặc dù trước đó luôn dẫn đầu tiến độ so với các gói nhưng đến nay lại bị chững lại đạt 61,86%.

Chỉ còn đúng 60 ngày phải thông xe kỹ thuật cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nhưng trên công trường vẫn còn ngổn ngang công việc. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Chỉ còn đúng 60 ngày phải thông xe kỹ thuật cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây nhưng trên công trường vẫn còn ngổn ngang công việc. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh các nhà thầu thực sự bức tiến độ nhanh thời gian qua như Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường tại gói 1-XL, Công ty TNHH Thương mại & Xây dựng Trung Chính tại gói thầu 3-XL đều có sản lượng trên 80% giá trị thì vẫn có nhiều nhà thầu có sản lượng thấp rất đáng báo động.

Cụ thể, Cienco 8; Công ty cổ Phần Xây dựng và Thương mại Phúc Lộc tại gói thầu 1-XL có sản lượng lần lượt chỉ đạt 56,31% và 55,78%. Tại gói 2-XL, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành đạt 57,46%, tại gói thầu 3- XL, Vinaconex mới đạt 56,67%; gói 4-XL, Tổng công ty công trình xây dựng giao thông 6 (Cienco 6) mới đạt 60,76%.

Trên công trường nhiều đoạn tuyến không khí thi công không nhộn nhịp khi mà hạn hoàn thành đang đếm ngược từng ngày. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Trên công trường nhiều đoạn tuyến không khí thi công không nhộn nhịp khi mà hạn hoàn thành đang đếm ngược từng ngày. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Để đẩy nhanh tiến độ, đại diện Ban Điều hành dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây cho biết, đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận; UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án Thăng Long đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét chỉ đạo các cơ quan có liên quan sớm triển khai công tác lựa chọn nhà đầu tư phần thu phí để kịp thời gian đưa vào khai thác trước Tết âm lịch năm 2023 tránh tình trạng xe quá tải hoạt động trên cao tốc gây hư hỏng mặt đường;

Đối với các nhà thầu không đáp ứng chất lượng, tiến độ, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải không cho phép tham gia các dự án tiếp theo do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.

Nhiều đoạn tuyến chưa được thảm bê tông nhựa khi mà thời tiết đang rất thuận lợi. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Nhiều đoạn tuyến chưa được thảm bê tông nhựa khi mà thời tiết đang rất thuận lợi. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Trao đổi với phóng viên TTXVN, một chuyên gia giao thông nhìn nhận với sản lượng còn lại còn hơn 40% tại cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và 38% tại dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây phải hoàn thành trong khi quỹ thời gian còn lại khoảng 60 ngày thì khó có thể hoàn thành được khối lượng thi công trên tuyến chính. Tuy nhiên, nhà thầu không thể vì tiến độ mà đẩy nhanh thi công sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình sau này.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, việc đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch trong năm nay 4 cao tốc; trong đó có 2 đoạn cao tốc từ Vĩnh Hảo đi Dầu Giây là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của ngành giao thông vận tải. Lãnh đạo Bộ đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải nỗ lực tối đa để đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án này.

Một đoạn tuyến mới đang được thực hiện phần lu lèn phần đất đắp. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Một đoạn tuyến mới đang được thực hiện phần lu lèn phần đất đắp. Ảnh: CTV/BNEWS/TTXVN

Tại buổi lễ phát động phong trào thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn 2017 – 2020” diễn ra đầu tháng 9 vừa qua, nhà thầu cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cam kết sẽ hoàn thành nền đường trước ngày 31/10, các lớp móng đường trước ngày 30/11, các lớp mặt đường bê tông nhưa trước ngày 25/12, các cầu tuyến chính và vượt ngang hoàn thành trước ngày 15/12/2022. Công tác hoàn thiện hệ thống dải phân cách giữa, an toàn giao thông hoàn thành trước ngày 31/12. Tuy nhiên đến nay mốc thời gian hoàn thành nền đường trước 31/10 đã không đạt được.

Tương tự, tại dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nhà thầu cũng cam kết sẽ hoàn thành nền đường trước ngày 31/10 nhưng cũng không đạt được. Các mốc thời gian khác hy vọng sẽ hoàn thành theo cam kết như hoàn thành các lớp móng đường trước ngày 30/11, các lớp mặt đường bê tông nhựa trước ngày 20/12, các công trình trên tuyến trước ngày 30/11. Công tác hoàn thiện hệ thống dải phân cách giữa, an toàn giao thông hoàn thành trước ngày 31/12/2022.

Đoạn tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận Bình Thuận và Đồng Nai; trong đó, Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100 km nằm trọn trong tỉnh Bình Thuận với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng gồm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 hiện tại được đầu tư với quy mô 4 làn xe (khai thác với tốc độ 80 km/h), giai đoạn 2 sau đó sẽ được đầu tư mở rộng thành 6 làn xe.

Trong khi đó, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai có chiều dài 99 km với tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng, là một dự án duy nhất trong tổng 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020 được đầu tư đồng bộ chuẩn cao tốc với tốc độ khai thác lên đến 120 km/h./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/khan-truong-di-doi-ha-tang-ky-thuat-thuc-tien-do-cao-toc-bac-nam-qua-binh-thuan-dong-nai/264118.html