Khẩn trương 'giải cứu' môi trường không khí

Ô nhiễm không khí tại Việt Nam, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội. Để cải thiện chất lượng không khí, các chuyên gia và nhà quản lý đã đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm, hướng tới kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải và thúc đẩy lối sống xanh trong toàn xã hội.

Ô nhiễm không khí tiếp tục là vấn đề nóng của môi trường Thủ đô.

Ô nhiễm không khí tiếp tục là vấn đề nóng của môi trường Thủ đô.

6 giải pháp cải thiện môi trường không khí

Ô nhiễm không khí đang là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các kết quả theo dõi những thông số từ quan trắc không khí tại Việt Nam, cho thấy ô nhiễm tập trung vào hàm lượng bụi, trong đó có bụi mịn (PM2.5). Đối với các thông số NO2, O3, SO2 đều đạt giới hạn cho phép của QCVN 05:2023/BTNMT.

Các nguyên nhân chính phát sinh bụi, khí thải gây ô nhiễm môi trường không khí gồm: hoạt động giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp, hoạt động đốt mở (đốt rác, rơm rạ, đốt sinh khối), hoạt động dân sinh, khí hậu thời tiết.

Để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm như kiểm kê phát thải tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam; xây dựng mô hình dự báo ô nhiễm không khí; hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2026 – 2030.

Bộ cũng đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế như UNDP, ADB, World Bank, UNEP, cùng các tập đoàn lớn trong nước nhằm phát triển mạng lưới trạm đo nhanh, thúc đẩy giao thông xanh, chuyển giao công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, kỹ thuật.

Trong số các giải pháp được đề cập, đáng chú ý là 6 nhóm giải pháp trọng tâm được xem là nền tảng để Việt Nam cải thiện căn bản chất lượng không khí trong những năm tới. Thứ nhất, rà soát, tham mưu xây dựng các chính sách mang tính vĩ mô, trong đó có Luật Không khí. Việc xây dựng một đạo luật riêng về không khí sẽ tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để quản lý, kiểm soát các nguồn phát thải, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan từ trung ương tới địa phương.

Thứ hai, thực hiện kiểm kê, giám sát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải. Đây là bước đi then chốt nhằm xác định chính xác nguồn gây ô nhiễm, làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng kịch bản kiểm soát phù hợp. Không chỉ các khu công nghiệp, các hoạt động xây dựng, giao thông, sinh hoạt dân sinh cũng cần được kiểm soát nghiêm ngặt.

Thứ ba, ưu tiên bố trí nguồn lực cho hệ thống quan trắc môi trường. Một mạng lưới quan trắc dày đặc, vận hành hiệu quả sẽ cung cấp dữ liệu cập nhật, phục vụ việc đánh giá tình hình và điều chỉnh chính sách kịp thời.

Thứ tư, siết chặt các quy định về tiêu chuẩn khí thải phương tiện giao thông, đẩy mạnh chuyển đổi sang phương tiện xanh. Giao thông hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng phát thải ở các đô thị lớn. Việc sử dụng nhiên liệu sạch, phương tiện thân thiện môi trường và tăng cường phương tiện công cộng sẽ giảm đáng kể lượng khí ô nhiễm.

Thứ năm, tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phát thải. Đặc biệt cần chú trọng nguồn điểm từ đốt mở, đốt rác thải, đốt sinh khối, các cơ sở sản xuất công nghiệp và hoạt động xây dựng. Việc kiểm tra cần gắn liền với chế tài đủ mạnh để răn đe.

Thứ sáu, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về chất lượng môi trường không khí. Một chiến dịch truyền thông sâu rộng, liên tục sẽ nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội trong việc bảo vệ không khí.

Hướng tới năng lượng sạch là một trong những giải pháp trọng tâm để giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Hướng tới năng lượng sạch là một trong những giải pháp trọng tâm để giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Không thể chần chừ thêm nữa

Các chuyên gia chỉ ra rằng, 6 giải pháp trên không chỉ đơn thuần là những khuyến nghị, mà đã được thiết kế thành một hệ thống giải pháp từ gốc đến ngọn. Việc ban hành chính sách vĩ mô như Luật Không khí sẽ tạo nền tảng pháp lý lâu dài, trong khi các giải pháp kiểm kê, quan trắc, kiểm tra, xử lý vi phạm giúp quản lý nguồn thải hiệu quả trong thực tế. Đồng thời, việc thúc đẩy phương tiện xanh và truyền thông rộng rãi sẽ tạo ra thay đổi tích cực trong hành vi xã hội.

Dĩ nhiên, để đạt được hiệu quả như kỳ vọng, cần một quá trình triển khai kiên trì, đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn thể người dân. Đặc biệt, cần tránh tình trạng chính sách "trên giấy", cần có cơ chế giám sát và đánh giá độc lập để đảm bảo các giải pháp đi vào thực tiễn.

Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi, cho biết ô nhiễm môi trường đã và đang gây thiệt hại vô cùng lớn trên thế giới, với khoảng 6 nghìn tỷ USD chi phí y tế toàn cầu hàng năm; 1,2 tỷ ngày làm việc bị mất trên toàn cầu mỗi năm; tổn thất năng suất nông nghiệp toàn cầu từ 3- 16%; làm giảm 5% giảm GDP toàn cầu do tác động sức khỏe, giảm năng suất chăn nuôi trồng trọt, ảnh hưởng đến lịch, sự kiện thể thao, hoạt động văn hóa, tôn giáo…

Trong khi đó, về đại diện Bộ Y tế cũng đưa ra cảnh báo, ô nhiễm không khí hiện đang là một thách thức môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân, nhất là những người dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, người lao động làm việc ngoài trời.

Ô nhiễm không khí cũng làm gia tăng gánh nặng bệnh tật, làm tăng các trường hợp nhập viện, tăng chi phí và thời gian điều trị, từ đó làm tăng sức ép và quá tải tại các cơ sở y tế và ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Chúng ta muốn phát triển bền vững cần phải làm chủ việc cải thiện chất lượng không khí và chủ động bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân

Để giải quyết bài toán ô nhiễm không khí, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang có những bước đi khẩn trương. Ngoài các giải pháp đang được nghiên cứu và triển khai, việc tham khảo và áp dụng các bài học hiệu quả từ bạn bè quốc tế cũng đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này dự kiến sẽ có 2 đoàn công tác, trong đó có đoàn công tác cấp cao của Bộ trưởng về trao đổi kinh nghiệm, học tập Bắc Kinh trong cải thiện, kiểm soát, quản lý chất lượng không khí.

Có thể khẳng định rằng, con đường cải thiện môi trường không khí tại Việt Nam còn nhiều thách thức phía trước. Tuy nhiên, với lộ trình rõ ràng, quan điểm nhất quán và sự bền bỉ trong hành động, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một tương lai bầu không khí sạch hơn, an toàn hơn – trước hết là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và sau đó lan tỏa ra các khu vực khác trên cả nước.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khan-truong-giai-cuu-moi-truong-khong-khi.691852.html