Khẩn trương hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân vùng ngập lụt
Huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) là 2 địa phương đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do trận lũ lớn gây ra trong 3 ngày qua. Hơn 30.000 ngôi nhà nằm ở vùng trũng ven sông Kiến Giang và sông Long Đại bị ngập sâu trong nước lũ. Trong đó, huyện Lệ Thủy với hơn 19.000 ngôi nhà bị ngập; huyện Quảng Ninh có hơn 12.000 ngôi nhà bị ngập.
Tại huyện Lệ Thủy, những tuyến đường chính của huyện, nhà cửa và hoa màu đều bị nước lũ nhấn chìm, gây nhiều khó khăn cho đời sống sinh hoạt của người dân. Các điểm dân cư tại xã An Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy... bị cô lập hoàn toàn trong 3 ngày qua. Không ít người dân đã phải sơ tán đến các nhà cao tầng, trường học và trụ sở UBND các xã, nhưng vẫn chưa thể trở về nhà do nước chưa rút. Công tác cứu trợ vẫn đang diễn ra khẩn trương, gồm lương thực, nước uống và các nhu yếu phẩm được chuyển đến cho các hộ gia đình đang bị cô lập. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp và mực nước vẫn cao, việc tiếp cận các khu vực ngập sâu gặp nhiều khó khăn. Để bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng ngập lụt, huyện Lệ Thủy sẽ tiếp nhận hàng cứu trợ tại hai khu vực là ngã tư Cam Liên (xã Cam Thủy) và chợ Động (xã Mai Thủy).
Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Lê Văn Sơn cho biết: "Chính quyền địa phương đã huy động 10 thuyền của ngư dân các xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy tham gia chở hàng cứu trợ, nhu yếu phẩm cần thiết cứu trợ cho người dân vùng ngập lụt. Trước mắt, sẽ huy động 3 thuyền tham gia hỗ trợ cứu hộ, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân vùng "rốn lũ". Sau đó, tùy vào tình hình thực tế sẽ bố trí các thuyền của ngư dân làm nhiệm vụ hợp lý. Các thuyền của ngư dân tham gia chở hàng cứu trợ đều có kinh nghiệm tham gia cứu hộ, cứu nạn".
Bà Lê Thị Tam (trú xã An Thủy) cho hay, nước lũ lên nhanh khiến nhiều người dân không kịp tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác. Nay chúng tôi đành phải trông chờ vào các đoàn cứu trợ thôi. Nhận được các nhu yếu phẩm thiết yếu từ đoàn cứu trợ, bà con chúng tôi biết ơn vô cùng.
Ông Phan Hồng Đăng- Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Lệ Thủy cho biết: "Chúng tôi đang tập trung toàn lực vào việc cứu trợ và giúp người dân ứng phó với lũ lụt. Mặc dù mưa đã giảm nhưng tình hình nước rút rất chậm, chúng tôi kêu gọi người dân không được chủ quan và phải luôn đề phòng". Hiện người dân vùng "rốn lũ" Lệ Thủy chỉ có thể mong chờ nước rút nhanh để bắt đầu cuộc sống trở lại. Sau lũ, những công việc khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất và sửa chữa nhà cửa sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Huyện Quảng Ninh cũng thành lập các đoàn trực tiếp đưa lương thực, thực phẩm đến các điểm ngập lụt để tiếp tế cho người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Huân cho biết, huyện đã thành lập các đoàn trực tiếp về các khu dân cư ngập sâu, các thôn, bản bị chia cắt để tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tế lương thực cho người dân với mục tiêu "không để bất cứ người dân nào bị đói do ngập lụt".
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Quảng Bình, tính đến 11 giờ ngày 29-10, toàn tỉnh Quảng Bình đã có hơn 32.885 nhà dân bị ngập lụt, 58 thôn, bản bị chia cắt; các tuyến đường giao thông bị ngập tại 76 điểm, sạt lở 13 điểm, 3 tàu cá bị chìm, sạt lở 1,5km kè biển. Mưa lũ trong 3 ngày qua đã làm 4 người chết và mất tích.
+ Ngày 29-10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng kiểm tra tình hình ngập lụt và thăm hỏi, tặng quà động viên người dân huyện Vĩnh Linh. Đây là địa bàn bị ngập lụt nặng với hơn 1.400 nhà dân bị ngập, thiệt hại nặng nề về giao thông, nuôi trồng thủy sản. Tại các địa điểm kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng chia sẻ, động viên bà con, đồng thời nhấn mạnh, yêu cầu cao nhất hiện nay là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, đề nghị các đơn vị khẩn trương khắc phục các sự cố cầu đường, đảm bảo không có xã nào bị cô lập.
Cùng ngày, khi nước lũ rút dần, các hộ dân sơ tán do ngập lụt tại địa bàn H.Vĩnh Linh cũng bắt đầu trở về nhà. Trước bộn bề khó khăn sau mưa lũ, người dân vô cùng ấm lòng khi được Công an huyện Vĩnh Linh tiếp tục huy động lực lượng về địa phương, cùng với Công an xã giúp dân khắc phục hậu quả do mưa lũ cũng như hỗ trợ di dời tài sản tránh ảnh hưởng của những đợt lũ tiếp theo có thể xảy ra. Tại các xã Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, những nơi ngập lụt nặng nhất của huyện Vĩnh Linh hậu bão Trami (bão số 6-2024), CBCS cùng lực lượng ANTT cơ sở phối hợp cùng dân và đoàn thể địa phương giải phóng một khối lượng rất lớn bùn đất, phù sa tràn vào các cơ sở, công trình thiết yếu, trường học, nhà dân...
Tình hình mưa lũ ở Quảng Trị vẫn diễn biến phức tạp, giao thông nhiều nơi ở miền núi vẫn đi lại khó khăn, thậm chí nhiều nơi vẫn bị chia cắt do các ngầm, cầu tràn vẫn bị ngập sâu, nhiều đoạn tuyến bị sạt lở nặng, đất rác bồi lấp. Hệ thống thủy lợi Quảng Trị cũng chịu nhiều thiệt hại khi tổng cộng gần 6km kênh mương tại các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh bị hư hỏng, sạt lở, cuốn trôi, bồi lấp. Gần 2km đê kè bị xói lở. Người nuôi trồng thủy sản đang chịu thiệt hại quá lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ, có hơn 700 diện tích nuôi tôm, cá, ba ba... bị ngập. Cụ thể, Vĩnh Linh: 619,04 ha; Gio Linh: 73,5ha; Triệu Phong: 15,25ha. Nhiều hộ nuôi thủy sản mất trắng sau đợt lũ này.